Quảng Ngãi: Hạ tầng giao thông ngày càng hiện đại

Tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa trên các tuyến đường quan trọng như quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị gần 100% và 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã.

Đó là bức tranh về hạ tầng giao thông ở Quảng Ngãi sau khi tỉnh này dành nguồn lực đầu tư, tạo ra bức tranh mới đưa quê hương núi Ấn, sông Trà bước sang trang mới…

Mạng lưới giao thông liên hoàn, thông suốt

Quảng Ngãi là địa phương có diện tích lên đến hơn 5.000km2 có mạng lưới giao thông các cấp với chiều dài khoảng gần 9.160km trải đều từ miền biển đến vùng núi cao.

Hạ tầng giao thông Quảng Ngãi được đầu tư ngày càng đồng bộ, liên hoàn.

Hạ tầng giao thông Quảng Ngãi được đầu tư ngày càng đồng bộ, liên hoàn.

Xác định "giao thông đi trước mở đường" nên những năm qua Quảng Ngãi ưu tiên nguồn lực đầu tư, nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến tỉnh lộ, quốc lộ, đường huyện… để mở rộng hạ tầng giao thông, tăng kết nối các vùng miền.

Đồng thời, đối với hạ tầng giao thông nông thôn, ngoài nguồn lực tại chỗ, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ngãi còn lồng ghép các nguồn vốn đầu tư khác nhau để từng bước cứng hóa. Nhờ đó, diện mạo giao thông nông thôn ở Quảng Ngãi đạt nhiều kết quả tích cực.

Ngoài hệ thống quốc lộ và đường Đông Trường Sơn với chiều dài gần 422km cùng gần 100km cao tốc đã và đang thực hiện do ngân sách Trung ương bố trí, tại Quảng Ngãi tỉnh này còn đẩy mạnh đầu tư hệ thống đường tỉnh, nâng cấp các tuyến đường để tạo mạng lưới giao thông xuyên suốt với chiều dài hơn 434km.

Ghi nhận cho thấy, hầu hết các tuyến tỉnh lộ đều được cứng hóa, phần lớn thảm bê tông nhựa. Nhiều tuyến được nâng cấp, mở rộng với mặt cắt ngang 9m. Đơn cử như tỉnh lộ 623B được đầu tư hoàn chỉnh với chiều dài hơn 20km nối TP Quảng Ngãi với các huyện phía Tây, đã mở ra cánh cửa mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Song song với đó, công tác duy tu, bảo dưỡng cũng được chú trọng nên chất lượng hạ tầng luôn đáp ứng tốt nhu cầu lưu thông hàng hóa, đi lại của nhân dân. Nhiều tuyến đường được sửa chữa, mở rộng và thảm nhựa tăng cường thường xuyên tạo nên mặt đường êm thuận.

Ngoài ra, nhiều tuyến đường được đầu tư trong thời gian qua đã đưa vào sử dụng có quy mô lớn, tác động tích cực đến việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh như: đường Hoàng Sa, Trường Sa, cầu Thạch Bích, cầu Trà Bồng, cầu Cổ Lũy, đường Võ Văn Kiệt, đường Trì Bình - cảng Dung Quất, đường Bắc - Nam đô thị Vạn Tường, cảng Bến Đình...

Cầu Trà Khúc 3 đang được đầu tư là một trong những trục giao thông huyết mạch phía Tây TP Quảng Ngãi nối QL24B với tỉnh lộ 623B.

Cầu Trà Khúc 3 đang được đầu tư là một trong những trục giao thông huyết mạch phía Tây TP Quảng Ngãi nối QL24B với tỉnh lộ 623B.

Đối với hệ thống đường huyện, đường xã và giao thông nông thôn cũng đều được đầu tư mạnh mẽ trong thời gian qua. Qua đó, đến nay tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa trên các tuyến đường quan trọng như quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị gần 100% và 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã.

Bên cạnh đó, Quảng Ngãi cũng đang phân bổ nguồn lực triển khai hàng loạt dự án giao thông huyết mạch, trọng tâm trọng điểm để tạo sự bùng nổ về hạ tầng nhằm đưa tỉnh này bứt phá trở thành trung tâm kinh tế của vùng như đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh; cầu Trà Khúc 3; đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi; đường Thạch Bích - Tịnh Phong… với tổng nguồn vốn lên đến trên dưới 10.000 tỷ đồng dành cho phát triển hạ tầng giao thông.

Tiếp tục đầu tư những công trình mang tính động lực

Dù hiện trạng hạ tầng cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu phát triển, song lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, chừng đó vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, kể cả trước mắt và lâu dài.

Do đó, tỉnh sẽ tiếp tục phân bổ các nguồn lực để đầu tư thêm nhiều công trình hạ tầng giao thông mang tính định hình trục xương sống nền kinh tế. Trong đó, ngoài nguồn lực từ ngân sách, Quảng Ngãi ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư. Đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.

Quốc lộ 24 qua địa bàn huyện Ba Tơ chạy xuyên suốt kết nối miền núi với đồng bằng.

Quốc lộ 24 qua địa bàn huyện Ba Tơ chạy xuyên suốt kết nối miền núi với đồng bằng.

Song song đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng bằng cách rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; công khai, minh bạch các chính sách ưu đãi đến người dân, doanh nghiệp để kêu gọi thu hút đầu tư; tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, tạo sự đột phá trong thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho phát triển kết cấu hạ tầng.

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một trong những nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá của tỉnh Quảng Ngãi là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, tạo động lực cho phát triển. Đặc biệt, ưu tiên các công trình trọng điểm về giao thông.

Đại diện Sở GTVT Quảng Ngãi cho biết, để đạt mục tiêu đầu tư về giao thông như kế hoạch đề ra, chúng ta cần bám sát định hướng của quy hoạch cấp quốc gia để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, thúc đẩy liên kết vùng.

Trong đó, phấn đấu cải tạo, đầu tư nâng cấp, mở rộng 12 tuyến đường tỉnh hiện hữu và xây mới một số tuyến đường tỉnh khác đạt tối thiểu cấp III đồng bằng, đảm bảo kết nối đồng bộ giữa các địa phương trong tỉnh.

Đối với những đoạn tuyến đi qua khu vực đô thị, sẽ được đầu tư theo quy hoạch xây dựng đô thị được phê duyệt.

Riêng cảng biển, cảng và đường thủy nội địa, nâng cấp, cải tạo, khai thác hiệu quả các hạ tầng hàng hải công cộng đã có.

Phương án kiến trúc cầu Trà Khúc 1 sắp được đầu tư vừa là công trình động lực vừa là điểm nhấn của đô thị Quảng Ngãi.

Phương án kiến trúc cầu Trà Khúc 1 sắp được đầu tư vừa là công trình động lực vừa là điểm nhấn của đô thị Quảng Ngãi.

Nghiên cứu đầu tư xây dựng các trạm quản lý luồng hàng hải tại các huyện Bình Sơn, Lý Sơn và các địa phương khác có tiềm năng, phù hợp với các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và các quy hoạch khác có liên quan, tuân thủ theo quy định của pháp luật, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân…

Lê Đức

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/quang-ngai-ha-tang-giao-thong-ngay-cang-hien-dai-192241202134724575.htm