Quảng Ngãi: Khát vọng công nghiệp và những đổi thay trên vùng đất khó

Có một thời, người ta nhìn vào núi thẳm, sông bồi, cát trắng của Quảng Ngãi mà không dám nghĩ đến chuyện đổi thay.

Thế mà, ngày hôm nay đi trên các tuyến quốc lộ, cao tốc, đáp xuống sân bay Chu Lai, vượt cầu Cửa Đại… thấy hiển hiện những mái ngói công trình ngày đêm thắp lửa!

Sản xuất thép tại nhà máy Hòa Phát - Dung Quất.

Lửa lọc dầu, xanh ánh thép

Ít có một địa phương nào trên cả nước lại sở hữu nhiều lĩnh vực công nghiệp như Quảng Ngãi. Lĩnh vực đầu tiên cũng là cú hích cho địa phương này thực hiện chiến lược đưa ngành công nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn, đó là ngành công nghiệp hóa dầu. Sự xuất hiện của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đầu tiên của Việt Nam hơn 15 năm về trước đang vận hành ổn định, góp phần điều tiết thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đã đưa Khu kinh tế Dung Quất trở thành thương hiệu về thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp đầy mới mẻ của Việt Nam.

Lọc dầu Dung Quất đang ngày đêm sáng lửa trên cột cao nhà máy cũng đã đưa Quảng Ngãi từ một địa phương thu ngân sách chưa đến 1.000 tỷ đồng vươn lên thành địa phương top đầu về thu ngân sách hàng năm từ 18.000 - 22.000 tỷ đồng. Lọc dầu xuất hiện, cảng nước sâu được đầu tư, kéo theo ngành đóng và sửa chữa tàu biển; những sản phẩm công nghiệp nặng siêu trường, siêu trọng của Tập đoàn Doosan Vina cũng lần lượt được xuất xưởng đến các nước có nền công nghiệp phát triển.

Tại Quảng Ngãi, Nhà máy Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) đầu năm 2020 bất chấp khó khăn do Covid-19 gây ra cũng đang trên đà tăng trưởng ấn tượng và hứa hẹn là điểm sáng ngành đóng và sửa chữa tàu biển Việt Nam: “Những tháng đầu năm 2020, DQS nhận các đơn hàng từ các công ty nước ngoài nhiều hơn gấp 2 lần so với 2 năm trước cộng lại. Để có thành quả này, từ năm 2017, Hội đồng Thành viên và Ban Tổng giám đốc DQS đã có những tính toán, chuẩn bị những điều kiện cần và đủ để vươn ra thị trường nước ngoài”, ông Nguyễn Anh Minh, Phó tổng giám đốc DQS cho biết.

Vùng đất cây dại và lúp xúp sim mua một thời đã hoàn toàn đổi khác và luôn đón những đại dự án quy mô. Mới đây nhất, Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất có công suất thiết kế 4 triệu tấn/năm và chưa dừng lại ở đó, Hòa Phát đang kiến nghị các bộ, ngành chấp thuận chủ trương nâng quy mô công suất toàn dự án lên 9 triệu tấn/năm, với tổng vốn đầu tư lên 120.000 tỷ đồng.

Gắn liền với những công trình, dự án này, những cái tên Khu kinh tế Dung Quất, Khu đô thị - dịch vụ VSIP Quảng Ngãi, Khu công nghiệp Tịnh Phong đã không còn xa lạ gì với những nhà đầu tư. Những thương hiệu này đang ngày một lớn mạnh, lan tỏa trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo thống kê, năm 2019, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 46 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 51.000 tỷ đồng, tương đương 2.193 triệu USD, đạt 1.462% kế hoạch năm.

Theo Nghị quyết số 20/2019/NQ - HĐND của HĐND tỉnh Quảng Ngãi về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 cũng đặt mục tiêu tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế các ngành dịch vụ gắn với cảng nước sâu Dung Quất. Chỉ tính riêng năm ngoái, giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ tại Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp ước tính đạt 143.000 tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2018; thu ngân sách nhà nước đạt 13.500 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 740 triệu USD, tăng 89% so với năm 2018; giải quyết việc làm cho 46.200 lao động.

Mũi nhọn công nghiệp nặng

Kể từ năm 2017 - 2018, để cải thiện diện mạo địa phương và thúc đẩy kinh tế - xã hội, đồng thời xác định cho giao thông đi trước mở đường, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã bắt tay vào xóa “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông. Từ đó mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 24B, thông xe tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, hoàn thiện tuyến ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn I, xây cầu Thạch Bích…

Trên đà mở đường cho công cuộc đổi thay, năm 2019, tỉnh Quảng Ngãi đồng lòng xây dựng các công trình mang tầm nhìn dài hạn, bố trí không gian cho “giấc mơ lớn” mở rộng đô thị về phía biển. Theo đó, dự án cầu Cửa Đại nối hai bờ Trà Khúc, với tổng vốn đầu tư 2.250 tỷ đồng, đã được tâm huyết xây dựng và chính thức hợp long vào tháng 1/2020. Khi cây cầu kết nối hoàn chỉnh với đập dâng sông Trà Khúc cùng tuyến đường Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn II đang được đầu tư xây dựng, cả một vùng sông nước sống dậy, đẩy lùi thiên tai, thắp sáng đảo Ngọc và mở ra cơ hội hình thành các khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng ven biển đắt giá, đưa Quảng Ngãi trở mình, cất cánh.

Theo định hướng, những năm tới, Quảng Ngãi chú trọng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo…

Dẫu vậy, thừa nhận đã nỗ lực phát triển kinh tế, thu hút được nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi vẫn cho rằng, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước còn phụ thuộc nhiều vào Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Công nghiệp chế biến, chế tạo phần lớn hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, sản phẩm công nghệp mới chưa nhiều. Theo định hướng, những năm tới, Quảng Ngãi chú trọng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo…

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Phó bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: “Quảng Ngãi đang cố gắng tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp và mong muốn thời gian tới, ngoài các dự án công nghiệp,các bộ, ngành Trung ương sẽ hỗ trợ tỉnhtrong phát triển hạ tầng thương mại gắn sản xuất với tiêu thụ”. Tỉnh đang bước vào giai đoạn phát triển quan trọng để thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu công nghiệp đến năm 2030 bằng việc từng bước xây dựng tiềm lực, chuẩn bị cho sự phát triển bền vững trong thời gian tới”.

Đáp lại những đề xuất này của Quảng Ngãi, tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo địa phương này, ngoài việc đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi trong những năm qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã lưu ý trong thời gian tới, Quảng Ngãi cần có giải pháp để tháo gỡ, thúc đẩy sản xuất, phục hồi kinh tế sau Covid-19; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là phát triển công nghiệp nặng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Ngãi có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế của khu vực và cả nước. Vì vậy, Quảng Ngãi cần đẩy mạnh phát triển kinh tế, sản xuất công nghiệp, nhất là trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương đang giao các cơ quan, đơn vị liên quan trực thuộc Bộ theo chức năng, nhiệm vụ chủ động trao đổi, tích cực hỗ trợ Quảng Ngãi nói riêng cũng như các địa phương khác nói chung đẩy mạnh phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững bằng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể theo lộ trình 5 năm giữa Bộ và địa phương”.

“Quảng Ngãi cần phải khẳng định, củng cố vị thế của một tỉnh công nghiệp, lấy nền tảng của công nghiệp năng lượng và sau này là dịch vụ để tạo ra những cơ sở cho phát triển của tỉnh trong thương lai”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khuyến nghị.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/quang-ngai-khat-vong-cong-nghiep-va-nhung-doi-thay-tren-vung-dat-kho-d125974.html