Quảng Ngãi lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số
Quảng Ngãi đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong cải cách hành chính, năng cao năng lực cạnh tranh, với quan điểm người dân, doanh nghiệp là trung tâm.
Bước chuyển mạnh mẽ
Ông Trần Thanh Trường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ngãi nhấn mạnh, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ người dân, doanh nghiệp là một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của quá trình chuyển đổi số, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi luôn quan tâm, chú trọng chỉ đạo thực hiện các biện pháp để nâng cao kết quả xếp hạng về cải cách hành chính của tỉnh.
Nhờ đó, theo kết quả xếp hạng Chỉ số Cải cách hành chính năm 2023, Quảng Ngãi giữ vị trí thứ 27/63 tỉnh, thành phố. Đây là một thứ hạng thuộc nhóm B, mức khá trong nước, nhưng là thứ hạng cao đối với Quảng Ngãi, phản ánh quyết tâm của lãnh đạo tỉnh và sự vào cuộc đồng bộ của nhiều sở, ngành, địa phương.
Đáng ghi nhận, Quảng Ngãi đã triển khai một số giải pháp, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực trong chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số. Cụ thể, hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại cơ quan được đầu tư nâng cấp đồng bộ.
Đặc biệt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Trọng Phương cho biết, từ năm 2022 đến nay, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã thực sự vào cuộc đối với công tác chuyển đổi số, phát triển kinh tế số nông nghiệp và đạt được kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, Quảng Ngãi hiện có hơn 7.000 ha lúa, rau màu được doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân vận hành tưới tự động; xây dựng 13 mã số vùng trồng nội địa; nhiều nông sản được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và OCOP.
Các vấn đề mới như ứng dụng công nghệ blockchain nhằm số hóa chuỗi cung ứng trong nông nghiệp Quảng Ngãi; vai trò của thương mại điện tử trong việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… đang tiếp tục được nghiên cứu, sớm đưa vào ứng dụng trong thực tiễn.
Mục tiêu năm 2025 là 90% doanh nghiệp hài lòng
Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ngãi đã tổng hợp, xây dựng Dự thảo Kế hoạch Chuyển đổi số của tỉnh năm 2025 để trình UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến. Kế hoạch tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm gồm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát hoạt động chuyển đổi số; thể chế, chính sách số; hạ tầng số; nhân lực số; phát triển dữ liệu số; an toàn thông tin mạng; chính quyền số; kinh tế số và xã hội số; nâng cao nhận thức, tuyên truyền, truyền thông và các giải pháp khác đẩy mạnh chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin.
Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể cần hướng đến trong năm 2025, như cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt tỷ lệ 95% thủ tục hành chính có đủ điều kiện; hồ sơ trực tuyến toàn trình của các dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ trung bình tối thiểu 60%; tỷ lệ người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất giữa các nền tảng, hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thông qua định danh điện tử VNeID đạt 100%.
Cùng với đó, tỷ lệ cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử đạt 100%; tỷ lệ người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính đạt 90%; hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh kết nối với Hệ thống thông tin cáo cáo Chính phủ; 100% nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, của UBND tỉnh và UBND cấp huyện giao được theo dõi, giám sát, đánh giá bằng dữ liệu số.
Tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng tại cấp tỉnh đạt 90%, cấp huyện đạt 80%, cấp xã đạt 60%; tỷ trọng kinh tế số trên GDP đạt tối thiểu 20%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thương mại đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tỷ lệ hồ sơ tư liệu các di sản văn hóa Việt Nam đã được ghi danh, công nhận và xếp hạng được số hóa, hiện diện trên môi trường số đạt tỷ lệ 100%…
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn cho biết, Sở Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ tổng hợp, rà soát, xây dựng hoàn chỉnh Kế hoạch để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Trong đó, lưu ý ưu tiên các nhiệm vụ, nội dung cần hoàn thành trong năm 2025 theo lộ trình quy định của Trung ương để tích hợp vào ứng dụng định danh điện tử VneID như bệnh án điện tử, phiếu lý lịch tư pháp, dữ liệu về đất đai.
“Chuyển đổi số là đòn bẩy, là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn phát triển hiện nay của tỉnh. Nhận thức về chuyển đổi số đã có nhiều chuyển biến tích cực. Lãnh đạo tỉnh mong muốn chuyển những nhận thức này thành hành động cụ thể, hành động đúng để phục vụ phát triển chuyển đổi số của tỉnh”, ông Tuấn chia sẻ.