Quảng Ngãi: Mật ngữ nghề biển
Mật ngữ là cách dùng từ để giữ bí mật trong thông tin liên lạc. Đối với ngư dân Quảng Ngãi nói chung, Lý Sơn nói riêng, do làm nghề biển gặp nhiều bất trắc, nên thường dùng mật ngữ trong giao tiếp, để tránh những điều kiêng kỵ...
Ngư dân Lý Sơn thường dùng mật ngữ khi bắt đầu hải trình đánh bắt hải sản trên biển cho đến khi “tính tổn”, nghĩa là tính toán chi phí sau khi kết thúc phiên biển. Khi gặp ngư dân sau chuyến đánh bắt trở về, nhiều người hỏi: “Phiên biển này có được không?”. Câu trả lời của ngư dân là “vô lúa”, tức là được mùa cá, hoặc các từ như “kiếm ăn”, “bén”, “hốt ăn”, “cào thẳng bảng”, “có ăn”, đại ý là làm ăn được. Ngược lại, nếu nghe từ “đói meo”, “biển giã không thấy chấm nào”, “hô răng”, tức là làm ăn không được. Ngoài ra, ngư dân còn nói “ghe ca sĩ”, tức là ghe đánh bắt được cá, giống như ca sĩ đi đâu cũng được chào đón; “ghe kéo màn” là ghe làm ăn không được, đi đâu cũng “đói meo”.
Trong nghề biển, ngư dân luôn có những trao đổi thông tin với nhau để hỗ trợ, câu hỏi thường trao đổi nhất là “có không”, nghĩa là hỏi có cá không. Nếu ít cá thì họ trả lời “cá non”, còn nhiều cá thì dùng các từ “cháy máy”, “mù mịt”, “đỏ quét”. Hiện nay, mỗi ghe làm nghề cá ở Lý Sơn đều có trang bị máy dò cá, nên khi xuất hiện các chấm đỏ trên máy sẽ biết lượng cá ít hay nhiều. Trường hợp “cháy máy”, tức là cá rất nhiều, đây là mật ngữ chỉ có ngư dân mới biết, vì họ kiêng kỵ, nếu nói “cá nhiều lắm” thì thần linh biết sẽ quở phạt, không phù hộ.
Ngư dân Lý Sơn còn kiêng kỵ việc làm rơi chén, đĩa, dao, xoong, nồi xuống biển, vì đó là điềm không may, thần linh sẽ trách phạt. Nếu ai lỡ tay đánh rơi con dao xuống biển thì thuyền trưởng phải nói “xin hồi lại” và đẽo một con dao bằng gỗ rồi ném xuống biển, sau đó vớt con dao đó lên, hàm ý đã vớt lại con dao rồi xin thần linh đừng trách phạt. Khi phát hiện luồng cá, thuyền trưởng sẽ phân công cho từng người chuẩn bị đánh lưới, không được nói các từ “khoanh tay rế”, “bó tay”, mà phải dùng các từ vui mừng như “bà thương”, “ngài hộ” để chỉ sự may mắn sẽ đánh bắt được mẻ lưới nhiều cá. Khi xúc cá lên ghe dù có mệt nhọc, ngư dân cũng không được nói “mệt quá”, mà phải nói “khỏe quá” để cho mẻ lưới tiếp theo có nhiều cá. Ngư dân kiêng nói từ “cá nổi”, hoặc dùng tay chỉ xuống biển, mà khi có cá thì mọi người chỉ nhìn mặt nhau để thể hiện sự vui mừng mà thôi. Việc lấy cá để nấu ăn thì nói “lấy một mớ” lên nấu, chứ không nói đích tên loại cá gì? Cá ăn còn dư thì dùng từ “ghé đi”, chứ không dùng từ “đổ đi”.
Ghe bắt đầu ra đi đánh bắt nếu gặp con vích (rùa biển) thì phải nói là “anh bốn về”, vì rùa biển được ngư dân xem là linh vật may mắn trong tứ linh. Ngư dân Lý Sơn cho rằng, gặp rùa biển thì phiên biển đó sẽ may mắn. Hoặc khi ghe ra biển mà gặp cá Ông thì gọi là “ngài”, vì cá Ông không chỉ là vị phúc thần bảo hộ, mà còn là điểm tựa tinh thần để ngư dân vươn khơi bám biển. Ngư dân ra biển gặp cá Ông là điều may mắn, thường thì phiên biển đó bội thu.
Trong lúc hành nghề trên biển, nếu gặp ác mộng trên ghe thì không được kể lại cho người khác biết. Việc chia tổn phí sau chuyến biển cũng không được nói “chia tiền”, mà nói là “tính sổ”, “tính tổn”. Sau đó, mọi người mới kể lại các sự việc đã diễn ra trên ghe, cũng như đúc kết lại kinh nghiệm đánh bắt để phiên biển mới được tốt hơn. Mật ngữ nghề biển của ngư dân được xem là kho tàng tri thức góp phần làm phong phú văn hóa dân gian biển, đảo Quảng Ngãi.
https://kinhtexaydung.petrotimes.vn
Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/quang-ngai-mat-ngu-nghe-bien-708663.html