Quảng Ngãi muốn xây dựng đường sắt, sân bay trong quy hoạch Lý Sơn
Quảng Ngãi đang quy hoạch đô thị Lý Sơn có hạ tầng giao thông không thiếu bất kỳ loại hình vận tải nào khi có đầy đủ đường bộ, hàng không, đường thủy, đường sắt...
Đề xuất quy hoạch đô thị Lý Sơn có đường ray tàu
Ngày 19/10, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 đô thị Lý Sơn đang được tỉnh Quảng Ngãi xây dựng. Theo đồ án quy hoạch, hòn đảo không thiếu bất kỳ loại hình vận tải nào khi có đầy đường bộ, hàng không, đường thủy, đường sắt.
Theo quy hoạch được phía đơn vị tư vấn trình bày, đô thị biển Lý Sơn được quy hoạch với diện tích khoảng 1.492ha, phân chia thành 7 phân khu.
Không gian quy hoạch theo mô hình tuyến - cụm, với hình thái cấu trúc mạng đan xen, phát triển các dải du lịch ven biển - dải đô thị dịch vụ gắn với các tuyến giao thông quanh đảo.
Trong đó, duy trì và phát triển các không gian xanh, mặt nước xen kẽ giữa các khu chức năng, nghiên cứu mô hình đô thị sinh thái - đô thị thông minh và phát triển các khu phức hợp đa chức năng theo dạng đô thị, du lịch và dịch vụ hỗn hợp.
Đối với khu vực trung tâm hành chính giữ nguyên vị trí, tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp để xứng tầm đô thị biển tầm cỡ quốc tế.
Các khu vực đồi núi, rừng phòng hộ được khai thác có kiểm soát.
Liên quan đến các di tích lịch sử, công trình văn hóa tiến hành cải tạo, nâng cấp, mở rộng theo hướng tiếp cận với thiên nhiên nhiều hơn.
Đáng chú ý, phía đơn vị tư vấn đề xuất cải tạo chỉnh trang các khu vực dân cư hiện hữu dọc bờ nam đảo lớn để hình thành tuyến phố thương mại từ An Hải đến An Vĩnh, kết nối khu vực sân bay Lý Sơn với trung tâm phức hợp đa chức năng phía tây đảo.
Đặc biệt, trong quy hoạch đô thị Lý Sơn diện tích 1.492 ha, đơn vị tư vấn xây dựng đường ray tàu.
Như vậy, với đồ án quy hoạch được đưa ra, Lý Sơn sẽ là đô thị biển có đầy đủ tất cả các loại hình vận tải từ đường bộ, đường thủy, đường hàng không và cả đường sắt.
Trong khi đó, đối với đảo Bé - An Bình, theo đồ án quy hoạch và phối cảnh đơn vị tư vấn trình bày cho thấy, hòn đảo có diện tích chưa đầy 1km2 với khoảng 100 hộ dân, sẽ được xây dựng nhiều công trình vui chơi giải trí, quần thể khách sạn…
Có phù hợp thực tiễn?
Tại buổi làm việc với đơn vị tư vấn mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn cho rằng, quy hoạch đưa ra ý tưởng phân chia Lý Sơn thành 7 khu vực để phát triển là phù hợp với định hướng của tỉnh và địa phương thống nhất với đề xuất này.
Liên quan đến quy hoạch đảo Bé - An Bình, ông Tuấn đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu phương án giải tỏa trắng khoảng 100 hộ dân trên đảo đi nơi khác, để lấy quỹ đất xây dựng hòn đảo này thành đảo du lịch có quy mô, tầm cỡ của một khu du lịch cao cấp.
Trước ý tưởng được đưa ra để quy hoạch nhằm làm cơ sở để xây dựng Lý Sơn, nhiều chuyên gia về quy hoạch, xây dựng, giao thông… cho rằng ý tưởng là tốt, nhưng tính thực tế chưa cao.
Một kiến trúc sư cho rằng: "Phú Quốc, có lợi thế gấp nhiều lần Lý Sơn, phải nói là thiên thời, địa lợi nhân hòa. Phú Quốc có cả vài chục năm phát triển và là điểm đến của nhà đầu tư, du khách. Nhưng trong mùa du lịch vừa qua khách đến èo uột. Các công trình, dự án chôn chân.
Trong khi Lý Sơn có gì? Phải nhìn ra, phân tích kỹ lưỡng chứ không thể "thấy họ ăn khoai mình vác mai đi đào" là phát triển.
Chiến lược phát triển từ tầm nhìn và hoạch định chính sách, nhưng nếu đưa vào quy hoạch mà không thực hiện được hoặc thực hiện kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, thậm chí vài chục năm thì người dân trong vùng quy hoạch sẽ rơi vào cảnh "quy hoạch treo". Từ đó, sẽ phát sinh nhiều bất cập".
Theo vị này, Lý Sơn thuộc diện "đất chật, người đông", cốt lõi của Lý Sơn để du khách đến khám phá là thiên nhiên hoang sơ, là hình ảnh một hòn đảo nhiều bí ẩn. Ngoài ra, những ruộng tỏi, hành chính là một trong những đặc điểm riêng. Du lịch cộng đồng là nét văn hóa cần được bồi đắp.
Cũng theo người này, phối cảnh đảo lớn được tư vấn trình bày cho thấy, chúng ta đang chạy theo "bê tông hóa". Ở thời điểm hiện tại những cụm dân cư ở vùng hiện hữu vào mùa hè đã oi bức, nhà ken đặc nên rất ngột ngạt. Trong khi quy hoạch mới thì càng nhiều nhà và bê tông hơn nữa, vậy liệu du khách có đến Lý Sơn để trải nghiệm cái nóng hay không?
Nguyên một lãnh đạo Sở GTVT Quảng Ngãi đặt vấn đề về hạ tầng giao thông ở Lý Sơn quá chật hẹp.
"Đồ án quy hoạch đường dọc theo bờ kè phía nam hình thành phố thương mại, dịch vụ. Điều này phù hợp, nhưng cần đánh giá lại, bởi một khi thương mại dịch vụ lên ngôi thì việc hạn chế đi lại đối với các loại hình vận tải khách bằng ô tô, vì hiện tại tuyến giao thông này đang "gánh" tỷ lệ phương tiện đi lại rất lớn cho trục đường chính đã quá tải.
Quy hoạch một khu/vùng đất trước hết phải tính bài toán giao thông cho trọn vẹn nhất. Giao thông phải đi trước quy hoạch vài chục năm, còn không thì Lý Sơn sẽ mãi "không thể lớn" dù có tiền nghìn tỷ đổ ra", vị này chỉ rõ.
Các chuyên gia gợi ý khả thi nhất là hướng đến quy hoạch đường ray cho tàu điện, cụ thể là tàu điện trên cao. Nhưng tốt hơn hết vẫn là loại hình xe bốn bánh gắn động cơ điện vừa linh hoạt vừa thân thiện với môi trường.
Trong khi đó, nguyên một lãnh đạo Sở VHTT&DL cho rằng, điểm đặc sắc của Lý Sơn là thiên nhiên. Du khách đến trải nghiệm loại hình du lịch cộng đồng, tương tác với người dân bản địa. Nhất là đảo Bé, tính hoang sơ hiện tại rất hiếm nơi nào có được.
"Trong đồ án quy hoạch có hướng đến du lịch cộng đồng, vậy điểm chính là đâu khi mà chúng ta đề xuất giải tỏa trắng để xây dựng những khối bê tông?
Nhiều nơi công cuộc xây dựng điểm đến du lịch bằng bê tông hóa đã và đang khiến du khách dần "né" với lý do những bản sắc riêng của thiên nhiên ban tặng đang bị đánh mất.
Quảng Ngãi cần phải tính toán lại quy hoạch theo hướng thiên về thiên nhiên hơn là các công trình kiên cố để phát triển đảo tiền tiêu", vị này góp ý.