Quảng Ngãi: Những dự án 'nửa vời'
Dù được đặt nhiều kỳ vọng về hiệu quả, nhưng thực tế là sau khi được cấp phép, không ít dự án chỉ triển khai dang dở rồi để đó, gây ảnh hưởng không tốt đến phát triển kinh tế và dư luận địa phương.
Làm lấy lệ…
Vài năm trở lại đây, tại huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi) “nở rộ” các dự án đầu tư về nông nghiệp, dịch vụ. Kèm theo đó là những báo cáo dự án có quy mô lớn được xem là “cú huých” về phát triển kinh tế cho các địa phương ven biển như Đức Minh, Đức Phong, Đức Lợi...
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hàng loạt dự án nuôi trồng sau khi được cấp phép, các tổ chức và cá nhân thực hiện đầu tư được nửa chừng, hoặc chỉ làm theo kiểu... lấy lệ rồi để đó.
Tiêu biểu như dự án vùng sản xuất rau, củ và quả dược liệu công nghệ cao, được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp chủ trương đầu tư vào năm 2017, trên diện tích hơn 11ha tại xã Đức Phong. Thế nhưng, sau hơn 3 năm được cấp chủ trương, giao đất, dự án này vẫn ì ạch, triển khai không đúng tiến độ.
Đáng chú ý, cũng tại huyện Mộ Đức, trên địa bàn xã Đức Minh có hàng loạt dự án rơi vào cảnh ngộ trên. Trong đó, dự án trang trại tổng hợp, quy mô 5ha, tổng mức đầu tư trên 6,7 tỷ đồng. Nhà đầu tư đã triển khai dự án, đầu tư hệ thống phun tưới tự động, trồng măng tây, rau, quả sạch, xây chuồng trại chăn nuôi... nhưng đến nay chỉ là khu đất hoang.
Hoặc như dự án chuỗi nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao OFB Mộ Đức, có quy mô gần 21ha cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Sau hơn 3 năm kể từ khi được cấp phép, dự án có quy mô sản xuất, sản phẩm/năm theo dự kiến gồm: 1.000 con bò, 26.400 tấn nha đam, 150 tấn dưa lưới, 16 tấn táo xanh, 8 tấn nho... hiện chỉ giống như một bãi đất bỏ hoang.
Tình trạng hàng trăm ha đất trên địa bàn tỉnh được Quảng Ngãi giao, cấp cho doanh nghiệp làm dự án phát triển nông nghiệp nhưng thực hiện theo kiểu nửa vời nêu trên, vừa gây lãng phí đất đai, vừa đẩy nhiều nông dân tham gia dự án rơi vào cảnh khó khăn vì góp cổ phần bằng đất sản xuất hoặc vốn và nhân công.
“Mạnh tay” với dự án nửa vời
Ông Phạm Ngọc Lân - Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức cho biết: Trong thời gian tới sẽ phối hợp với sở, ngành liên quan để đưa ra hướng giải quyết phù hợp.
Theo ông Phạm Ngọc Lân, nếu dự án làm dang dở do vướng mắc thì sẽ bàn, tìm cách tháo gỡ để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư; còn nếu vì nguyên nhân nào đó mà nhà đầu tư không muốn tiếp tục thực hiện, thì huyện và các cấp ngành của tỉnh sẽ tiến hành giải quyết thu hồi theo quy định hiện hành.
Được biết, trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Quảng Ngãi đã tham mưu chấm dứt nghiên cứu, khảo sát 58 dự án với lĩnh vực đầu tư là thương mại, dịch vụ, nông nghiệp. Đây là những dự án mà thời hạn cho phép nghiên cứu, khảo sát hết hiệu lực từ rất lâu.
Đáng chú ý, không ít trong số đó (58 dự án), rất nhiều lần Sở KH&ĐT có văn bản hối thúc hoàn tất thủ tục, hồ sơ để trình cấp phép cho đầu tư nhưng doanh nghiệp không thực hiện.
Mới đây, tại cuộc họp bàn về phát triển kinh tế - xã hội do UBND tỉnh tổ chức, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tổng rà soát các dự án đã cấp phép và dự án cho chủ trương khảo sát, nhất là đối với các dự án nông nghiệp ven biển từ Mộ Đức đến Đức Phổ.
Theo đó, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, dự án làm nửa vời hoặc dự án được cấp chủ trương đầu tư, giao đất nhưng không thực hiện. Đây là việc làm cần thiết để khai thác có hiệu quả quỹ đất ven biển.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/quang-ngai-nhung-du-an-nua-voi-407809.html