Quảng Ngãi: Những lớp học trên núi

Là huyện miền núi nằm giáp với Kon Tum, điều kiện giao thông khó khăn, kinh tế kém phát triển, hành trình'gieo chữ' ở huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) gian nan hơn hẳn nhiều địa phương khác.

Hơn 2 giờ liền vượt chặng đường trên 80km đồi núi khúc khuỷu, đoàn thiện nguyện đến được thôn Đak Panh (xã Sơn Màu, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi).

Tại khu vực này, tuyến đường ĐH 83C (xã Sơn Màu đi xã Sơn Long) thi công dở dang với những khúc quanh gấp, vực sâu, đường phủ đầy đất đá vừa được xe múc “cạp” từ sườn núi cản bước xe ô tô. Cả đoàn đành lội bộ, mang theo quà, tiến sâu vào trong thôn.

Đường đến điểm trường mầm non thôn Đắk Panh.

Đường đến điểm trường mầm non thôn Đắk Panh.

Đến được trường điểm lẻ trường mầm non Sơn Màu ở thôn Đak Panh đã gần 11 giờ trưa. Bầu trời mùa hè trong xanh, nắng vàng gay gắt trước đó bỗng chốc chuyển sang xám xịt, báo hiệu mưa rừng đến sớm.

Lớp học chừng vài chục mét vuông nằm gọn trên đỉnh đồi nhỏ, được bài trí gọn sàng, sạch sẽ. Các em học sinh vừa xong bữa cơm trưa, đang ngồi thành hàng ngay ngắn nghe cô giáo dặn dò.

Thấy có người lạ đến thăm, những cô cậu bé, nước da đen nhẻm bẽn lẽn ngước nhìn, ánh mắt vừa hiếu kỳ vừa ngây thơ. Nhận được túi quà từ đoàn thiện nguyện, bé nào cũng háo hức, vui vẻ.

“Lớp có 26 em, toàn là người Cadong. Người đồng bào ở đây nghèo lắm, may mà hàng tháng các em đi học đều được nhận hỗ trợ theo quy định, lại có chương trình sữa học đường nên được bổ sung thêm dinh dưỡng, thỉnh thoảng có các đoàn từ thiện tới thăm, tặng quà, cô và trò đều vui”, cô giáo Trần Thị Ánh Ly cho hay.

Cô giáo Trần Thị Ánh Ly đã bám "núi" để dạy học hơn 10 năm.

Cô giáo Trần Thị Ánh Ly đã bám "núi" để dạy học hơn 10 năm.

Điểm mầm non thôn Đak Panh là bán trú dân nuôi, các em thường đi bộ đến trường, có em cách xa trường đến 3km, đường đi toàn đồi núi và băng phải qua con suối lớn.

“Mùa nắng các em tự đi đến trường, mùa mưa băng suối nguy hiểm nên thường có phụ huynh đi cùng, nếu không có phụ huynh thì cô giáo đưa đi”, cô Ly kể thêm.

Cô Ly là giáo viên phụ trách lớp, bám trụ với giáo dục Sơn Tây hơn chục năm nên có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với vùng sơn cước. Nhà ở dưới xuôi, chuyện ở trường dài ngày đã thành quen.

Đường giao thông ở Sơn Màu dù cải thiện nhiều so với trước nhưng vẫn còn nhiều đoạn rất khó đi.

Đường giao thông ở Sơn Màu dù cải thiện nhiều so với trước nhưng vẫn còn nhiều đoạn rất khó đi.

“Đầu tuần lên núi sơn, cuối tuần xuống núi. Dạy nơi xa nên ít có thời gian cho gia đình, con cái. Bây giờ đường đi đỡ nhiều so với trước, đi xe máy nhiều sẽ quen tay, còn ô tô vẫn khó lắm. Vào mùa mưa, khu này dễ bị cô lập do núi lở. Có năm, mưa lớn làm sạt quả núi, phải ở lại điểm trường gần 1 tháng trời. Gạo có sẵn, đồ ăn thì mình hái rau rừng ở quanh đây, có gì ăn đó, rồi cũng qua hết", cô Ly nói với giọng hóm hỉnh.

Không phải ai cũng đủ kiên trì để bám làng, bám trường như cô Ly. Đường xa lại quá xấu, đến được trường là tay tê mỏi, 2 đùi đau nhức khiến chân bước không nổi. Có người vì không chịu nổi vất vả, thiếu thốn, đêm đêm lại trải giường xếp nằm ngủ một mình trong phòng học, cô đơn giữa những âm thanh bí ẩn của rừng núi đã phải tìm cách rời đi sau một vài năm.

Câu chuyện đang dở dang thì cơn mưa rừng ập xuống. Chừng một tiếng sau, mưa dứt, tạm biệt cô trò ở điểm trường Đak Panh, đoàn tiếp tục cuộc hành trình. Con đường độc đạo dẫn vào thôn đã khó đi, giờ ngập ngụa bùn đất nhão nhoét và trơn trợt, dính chặt gót giày lại lần nữa cản bước của những người miền xuôi lên thăm miền ngược.

Đoàn thiện nguyện được xe keo "kéo" ra khỏi vùng núi nguy hiểm.

Đoàn thiện nguyện được xe keo "kéo" ra khỏi vùng núi nguy hiểm.

Chiếc xe tải chở keo của người đồng bào đã quen với đường núi vô tình gặp trên đường trở thành phương tiện “cứu hộ”, đưa cả đoàn cùng xe ô tô rời núi sau chặng đường gian nan hơn cả lúc đi.

Đường đến điểm trường mầm non thôn Mang Hin của xã Sơn Long (huyện Sơn Tây) không quá gian truân như ở Đak Panh nhưng vẫn thuộc vùng xa xôi, cuộc sống người dân còn kém phát triển.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Quảng Ngãi) tặng quà cho các em học sinh ở điểm trường Mang Hin.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Quảng Ngãi) tặng quà cho các em học sinh ở điểm trường Mang Hin.

“Người đồng bào ít có điều kiện chăm sóc cho con cái, cách sinh hoạt của họ cũng khác. Quần áo được các đoàn từ thiện tặng, cô giáo thường giữ lại ở lớp, giặt giũ sạch sẽ. Sáng sáng các em đến lớp sẽ thay ra, mặc đồ mới cho tươm tất, đến cuối giờ chiều đổi qua đồ ở nhà. Đưa cho các em mang về là đồ có màu khác liền”, cô Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết.

Bữa cơm của học sinh vùng cao chủ yếu là cơm trắng và rau rừng.

Bữa cơm của học sinh vùng cao chủ yếu là cơm trắng và rau rừng.

Lớp mẫu giáo hỗn hợp do cô Nga phụ trách có 17 em, phần lớn thuộc các gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn, bữa ăn chủ yếu là cơm trắng với rau rừng hoặc lá khoai mì. Đặc biệt, có trường hợp 4 chị em ruột trong cùng gia đình ngày ngày dắt díu nhau đến trường. Ấy vậy mà chẳng mấy khi các em vắng học.

“Chị gái lớn nhất là Đinh Thị Mỹ Vân, 6 tuổi, còn em út chưa đầy 2 tuổi. Cha mẹ đi rẫy nên chị đi học cõng theo em, nhìn nheo nhóc thấy thương lắm. Đến bữa ăn, chị lớn tự chia cơm cho các em. 3 đứa em nghe lời chị răm rắp”- cô Nga thấp giọng, ngậm ngùi.

Đinh Thị Mỹ Vân cõng theo em út đi học.

Đinh Thị Mỹ Vân cõng theo em út đi học.

Chẳng mấy khi có đoàn đến thăm, có em dạn dĩ xung phong hát tặng. Tiếng hát non nớt và còn ngọng nghịu trong tiếng vỗ tay theo nhịp của mọi người vang lên giữa không khí đìu hiu nơi miền sơn cước.

“Đặc điểm chung là các em mới đi học hầu như không biết tiếng Việt, chỉ biết tiếng Cadong, phải mất nửa năm để cô giáo “học” và biết các bé đang nói gì. Cô trò hiểu nhau thì mới dạy được”, cô Nga nói.

Tiễn đoàn ra xe, cô Nga bắt tay từng người một, bịn rịn hẹn ngày gặp lại. “Những năm gần đây, phụ huynh quan tâm hơn đến việc cho con đi học. Bây giờ trên này phát triển nhiều so với trước, trường lớp học khang trang, chế độ cho các em tốt hơn. Chính quyền đang mở thêm đường vào các vùng sâu, vùng xa, bà con đi lại thuận lợi, đường đến trường của giáo viên cũng bớt gian truân", cô Nga chia sẻ.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quang-ngai-nhung-lop-hoc-tren-nui.html