Quảng Ngãi: Nuôi thành công rong nho Nhật Bản tại Lý Sơn
Mô hình nuôi rong nho biển trong bể xi măng thành công mở ra hướng làm kinh tế mới cho người dân Lý Sơn, thay thế phương thức canh tác không hiệu quả.
Viện Nghiên cứu Hải sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa nuôi thành công rong nho biển Nhật Bản tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Thành công này hứa hẹn là nghề mới cho người dân huyện đảo, giúp người dân làm giàu bền vững.
Mô hình nuôi rong nho biển được Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai thực hiện trong 2 năm (2018 – 2019). Rong nho được nuôi bằng nước biển trong 5 bể xi măng với diện tích 50m2. Trang thiết bị nuôi gồm vỉ lưới, máy sục khí và hệ thống xả thải.
Phương pháp nuôi rong nho khá đơn giản, rong được cho vào trong vỉ lưới đặt trên nền đáy bể đã có cát. Vỉ lưới được xếp thành 2 hàng dọc theo bể, mỗi hàng 5 vỉ. Qua 6 đợt nuôi, rong phát triển tốt, thân rong cao 5cm có màu xanh sáng bóng, mềm và mọng nước. Mỗi tháng cung cấp trên 100kg rong nho thành phẩm cho huyện đảo.
Ông Đỗ Anh Duy, cán bộ Viện Nghiên cứu Hải sản cho biết, ở Việt Nam, loài rong nho này đã phát hiện phân bố tự nhiên ở đảo Phú Quý, Côn Đảo và Phú Quốc, Lý Sơn nhưng các dạng này không được nuôi trồng do kích thước nhỏ. Rong nho đang nuôi trồng ở Lý Sơn có nguồn gốc từ Nhật Bản.
Hiện nay, nghề nuôi trồng rong nho biển đang phát triển rộng rãi tại tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên do điều kiện môi trường sống phù hợp với địa phương ven biển và có giá trị xuất khẩu lớn. Rong nho có giá trị kinh tế và dinh dưỡng rất cao, vì trong rong nho có khoáng vi lượng, vitamin, axit amin... rất có lợi cho sức khỏe. Vì vậy, mô hình này có triển vọng rất lớn và phát triển mạnh tại các huyện đảo.
Theo ông Đỗ Anh Duy, quy trình thực hiện mô hình này tương đối đơn giản, yêu cầu đầu tiên là nguồn nước phải đảm bảo mặn cao và ổn định từ 30-34%: “Quy trình thực hiện mô hình này tương đối đơn giản. Yêu cầu đầu tiên là nguồn nước. Nguồn nước tại Lý Sơn tốt nhất là nên triển khai ở vùng ven biển. Vì chúng ta sử dụng nguồn nước trực tiếp từ biển. Nguồn nước từ biển chính là nguồn dinh dưỡng cho rong sinh trưởng và phát triển. Thứ 3, đối tượng này không đòi hỏi cao về kỹ thuật cũng như công chăm sóc, quản lý. Bước đầu triển khai mô hình, tôi nhận thấy, mô hình này có triển vọng rất lớn”.
Mô hình nuôi rong nho biển trong bể xi măng thành công mở ra hướng làm kinh tế mới cho người dân Lý Sơn, giúp người dân chuyển đổi ngành nghề, thay thế các phương thức canh tác không hiệu quả. Bởi rong nho dễ nuôi, tốc độ phát triển nhanh, chi phí đầu tư thấp, vốn đầu tư ban đầu trên 120 triệu đồng để xây bể, trang thiết bị hỗ trợ.... Rong nho giống có giá từ 60.000 - 80.000 đồng/kg. Thời gian thu hoạch ngắn, chỉ từ 30 – 40 ngày, những lần thu hoạch tiếp theo cách nhau 10-15 ngày.
Ông Nguyễn Đình Trung – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lý Sơn, cho biết, hiệu quả ban đầu của mô hình nuôi rong nho biển đem lại rất cao.
“Nếu một hộ gia đình tham gia thực hiện mô hình với diện tích khoảng 50m2 cho 1 hộ làm, sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng. Sắp tới, Viện nghiên cứu Hải sản chuyển giao cho huyện. Trung tâm là đơn vị tiếp nhận và sẽ nhân rộng mô hình này cho người dân tham gia. Nếu người dân có nhu cầu trồng thì Trung tâm sẽ nhận hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân xây bể và chăm sóc rong nho và xây dựng hạ tầng”, ông Nguyễn Đình Trung nói.
Trong những năm gần đây, lượng du khách ra đảo Lý Sơn tham quan và thưởng thức sản vật biển rất nhiều. Tuy nhiên, rong biển trên đảo Lý Sơn ngày khan hiếm. Do đó, việc đưa một đối tượng nuôi có giá trị kinh tế như rong nho ra Lý Sơn sẽ cung cấp nguồn rau xanh phục vụ du khách, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình.