Quảng Ngãi phải quyết liệt hơn với chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, tỉnh Quảng Ngãi cần làm tốt công tác thực thi pháp luật, tập trung vào 4 nhóm vấn đề của EC đã đưa ra; phải lập ra danh sách các tàu cá có nguy cơ cao, kể cả nằm bờ, ra khơi, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc thủy sản rất quan trọng...
Sáng ngày 14-2, Đoàn Công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ngãi về tình hình sản xuất, quản lý hoạt động thủy sản và triển khai các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (viết tắt chống khai thác IUU).
Tại buổi làm việc, ông Hồ Trọng Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã báo cáo về tình hình sản xuất, quản lý thủy sản và triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Tính đến cuối tháng 12-2019, toàn tỉnh có 5.571 tàu cá với tổng công suất hơn 1.8 triệu CV, 38.000 lao động nghề cá. Sản lượng thủy sản khai thác năm 2019 là 250.667 tấn, đạt 119,6% kế hoạch năm.
Về quá trình thực thi pháp luật, từ năm 2017 trở về trước, Quảng Ngãi là tỉnh đứng đầu của cả nước về số tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, nhất là vùng biển các quốc đảo Thái Bình Dương. Nhưng từ đầu năm 2018 đến nay, không có tàu cá và ngư dân nào xâm phạm trái phép vùng biển của Australia và quốc đảo Thái Bình Dương. Việc triển khai các khuyến nghị EC trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được kết quả, ngăn chặn triệt để tàu cá và ngư dân xâm phạm trái phép vùng biển các quốc đảo Thái Bình Dương và Australia, nhận thức ngư dân về Luật Thủy sản và nội dung chống khai thác IUU được nâng lên rõ rệt.
Ngoài những mặt tích cực và kết quả đạt được, ông Hồ Trọng Phương cũng chỉ ra những tồn tại, trong đó, đặc thù nghề cá địa phương quy mô nhỏ, lạc hậu, trình độ yếu nên chưa kịp thích nghi.
Tỉnh Quảng Ngãi có 5 cảng cá được Bộ NN-PTNT chỉ định cho tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra cập cảng nhưng không có cảng nào đáp ứng đủ các tiêu chí cảng loại I, II. Nếu như không được đầu tư, nâng cấp kịp thời thì sau ngày 30-9-2020, các cảng cá này sẽ không được Bộ NN-PTNT chỉ định, đồng nghĩa với việc tàu cá từ 15m trở lên của tỉnh Quảng Ngãi sẽ không có cảng để cập bến.
Dẫn chứng cho thấy, khu vực cửa Sa Cần và cửa Cổ Lũy, nơi có trên 1.000 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên nhưng chưa có cảng cá nên nhiều tàu cá về cập bến tư nhân hoặc mất thêm chi phí, thời gian để cập các cảng cá theo chỉ định.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Có 4 cảng cá nhưng chỉ có 2 văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá, nhiều trạm kiểm soát biên phòng không có cầu tàu nên khó khăn cho việc dừng tàu để kiểm tra, kiểm soát. Vùng biển Quảng Ngãi có nhiều bãi ngang nên nhiều tàu chưa đăng ký, đăng kiểm, không có giấy phép khai thác thủy sản vẫn lén lút hoạt động.
Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản, tỉnh Quảng Ngãi cũng nhìn nhận tỉnh chưa làm tốt nên việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác thời gian qua chủ yếu là hợp thức hóa, chưa đảm bảo cho việc truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu, quy định của châu Âu.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu, quy định của EC, qua kiểm tra sổ sách thực địa tại 2 cảng cá Tịnh Kỳ và Tịnh Hòa thì gần như ghi chép thiếu, chỉ kiểm soát tàu ra, chưa kiểm soát tàu vào, kiểm soát sản lượng khai thác. EC rất cần sự trung thực trong truy xuất nguồn gốc, xác nhận thủy sản. Về bố trí nhân lực, thiết bị cho các cảng cá, văn phòng đại diện cần phải đảm bảo trực 24/24.
“Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi có tỷ lệ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình rất thấp so với các tỉnh khác. Tỉnh Quảng Ngãi cần phải kịp thời thực hiện lắp đặt, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các tiêu chí EC”, ông Nguyễn Quang Hùng nói.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, các Sở, ngành của tỉnh Quảng Ngãi phải tích cực tham mưu cho UBND tỉnh để làm tốt công tác thực thi pháp luật, tập trung vào 4 nhóm vấn đề của EC đã đưa ra. Tỉnh Quảng Ngãi cần phải quyết liệt hơn nữa trong thực thi pháp luật. Phải lập ra danh sách các tàu cá có nguy cơ cao, kể cả nằm bờ, ra khơi, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc thủy sản rất quan trọng. Việc cung cấp nhận thức cho cán bộ về mặt chuyên môn, kiện toàn bộ máy, hướng dẫn tỉ mỉ các Thông tư, Luật Thủy sản, tổ chức tuyên truyền ngư dân và phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nhìn nhận những đánh giá của Đoàn công tác là hoàn toàn chính xác, đề nghị các giám đốc, phó Giám đốc, Sở, Chi cục,…thấy được trách nhiệm.
“Cách làm của chúng ta vẫn là hình thức đối phó và tới đây phải đi vào hoạt động, triển khai đoàn công tác về các địa phương. Xem lại dự phòng kinh phí để bố trí nguồn lực phù hợp và Bộ đội Biên phòng cũng ưu tiên bố trí cán bộ túc trực tại văn phòng đại diện nghề cá. Cho đến tháng 5-2020, tỉnh Quảng Ngãi phải khắc phục những tồn tại, hạn chế”, ông Nguyễn Tăng Bính nói.
Dự kiến đến tháng 6-2020, Đoàn thanh tra của EC sẽ làm việc tại Việt Nam về chống khai thác IUU.