Quảng Ngãi: Phấp phỏng bên triền sông
Người dân sống dọc sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) luôn thấp thỏm lo âu bởi tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Sông “nuốt” đất
Đi dọc bờ sông Trà Khúc, nhiều người không khỏi xót xa khi chứng kiến hàng trăm mét đất nông nghiệp màu mỡ thuộc địa phận các xã Tịnh Hà, Tịnh Minh và Tịnh Sơn (huyện Sơn Tịnh) đã bị "nuốt chửng". Nhà ở, vườn tược của người dân khu vực ven sông đang trong cảnh bị sạt lở đe dọa.
Gia đình ông Nguyễn Thanh Hồng (60 tuổi, thôn Minh Long, xã Tịnh Minh) nhiều đời gắn bó với sông Trà Khúc, nay phải chứng kiến cảnh sạt lở nghiêm trọng.
Chỉ tay vào lũy tre hàng chục năm tuổi vốn ở ven bờ nay lại "nằm" dưới lòng sông, ông xót xa: “Trồng để giữ đất, giữ làng nhưng nay bị cuốn hết xuống sông rồi. Vết nứt đất đã ăn vào sâu bên trong đất liền, kéo cả chuồng trại chăn nuôi của gia đình sập theo.”
Ông Hồng phản ánh, khu vực này có 4 mỏ hàn bằng đá được huyện Sơn Tịnh đầu tư từ năm 2017 để giảm sạt lở. Tuy nhiên, tình hình vẫn không cải thiện mà các mỏ hàn có dấu hiệu thay đổi dòng chảy, tạo lực nước mạnh ngoạm bờ sâu hơn. Căn nhà cấp 4 của ông Nguyễn Thanh Hồng nay chỉ cách mép sông Trà Khúc khoảng 3 mét. Chắc chắn sạt lở dọc bờ sông nơi đây không chỉ dừng lại, nên chỉ cần 1 đợt lũ nhỏ, nhà ông và những hộ sống cạnh sẽ bị đổ sập xuống sông.
Ngoài ra, đất canh tác ven sông vốn là kế sinh nhai của những hộ dân như ông Hồng cũng không còn. Một số đất vườn, đất bãi bồi đã trở thành lòng sông. Con đường liên xóm cũng có nguy cơ bị mất do mép sông đã ở sát chân đường.
“2 sào đất nông nghiệp của gia đình sắp bị trôi tuột xuống sông rồi. Vườn chuối đang độ ra quả cũng bị đất lở làm đổ ngã, hư hỏng hết”, ông Nguyễn Thái Binh cho biết.
Đặc biệt hơn, phần sạt lở chỉ còn cách chân trạm bơm Hợp tác xã nông nghiệp xã Tịnh Minh chưa đầy 2m và việc nước sông dâng cao, xoáy sâu liên tục vừa qua đã gây nứt nhiều đoạn. Nếu không sớm có phương án khắc phục, khả năng sẽ làm sập luôn trạm bơm.
Tương tự, tại bờ bắc sông Trà Khúc, đoạn qua xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, cũng sạt lở hơn 500m đe dọa đến nhà ở của 10 hộ dân ở thôn Thọ Lộc Tây. Hàng tre dài giữ đất được người dân trồng để giữ đất cũng không còn trong mùa mưa bão vừa qua.
Cần có giải pháp kịp thời
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Mậu Văn cho biết, Quảng Ngãi có 4 sông lớn gồm: Sông Trà Khúc, sông Trà Bồng, sông Vệ và sông Trà Câu. Do mưa lũ cực đoan nên tình trạng xói lở ngày càng nhiều, đặc biệt là ở khu vực sông Trà Khúc và bờ Bắc sông Vệ.
Năm 2020 là năm tình trạng sạt lở xảy ra nghiêm trọng nhất từ trước tới nay. Thống kê sơ bộ, hiện trên toàn tỉnh có 152 điểm sạt lở bờ sông. Bên cạnh những điểm sạt lở cũ thì đã xuất hiện một số vị trí mới tại khu vực xã Tịnh Minh (huyện Sơn Tịnh), thôn Đông Yên (xã Bình Dương, huyện Bình Sơn), sông Rin (thị trấn Sơn Hà, huyện Sơn Hà), sông Phước Giang (huyện Minh Long)...
Theo ông Nguyễn Mậu Văn, đặc điểm địa hình, địa chất, diễn biến phức tạp của mưa lũ là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở.
“Một cách chung nhất, hệ số điều tiết dòng chảy lớn nên nguy cơ sạt lở bờ sông tăng cao. Nguyên nhân của tình trạng này do diện tích đất rừng sản xuất ngày càng lớn, trong khi đó diện tích rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ lại ít đi, thảm phủ thực vật suy giảm nên khả năng điều tiết của rừng kém so với trước đây", ông Nguyễn Mậu Văn nói.
Ngoài ra, nguyên nhân khiến sạt lở gia tăng còn do tình trạng hút cát, khai thác cát trái phép dọc theo các mép sông trên địa bàn diễn ra ngày càng nhiều. Nếu không có giải pháp làm giảm tình trạng sạt lở thì tình hình sẽ càng nghiêm trọng. Những bãi đất bồi màu mỡ dọc các sông Trà Khúc, sông Vệ, Trà Câu... sẽ bị thu hẹp, thậm chí một số nơi sẽ không còn đất để canh tác. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân.
"Hiện Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra để có báo cáo cụ thể và hướng giải pháp phù hợp", ông Nguyễn Mậu Văn thông tin.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/quang-ngai-phap-phong-ben-trien-song-404972.html