Quảng Ngãi: phát triển công nghiệp là mục tiêu đột phá và xuyên suốt

Qua 3 nhiệm kỳ liên tiếp, Quảng Ngãi kiên trì với mục tiêu đột phá là phát triển công nghiệp để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Công nghiệp đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế

Quảng Ngãi có vị trí chiến lược quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vừa có đồng bằng, miền núi, vừa có biển, hải đảo. Đặc biệt, hệ thống cảng biển nước sâu rất thuận lợi cho phát triển công nghiệp, nhất là các ngành kinh tế biển, năng lượng và các ngành thương mại, dịch vụ.

Hệ thống cảng biển nước sâu rất thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp.

Hệ thống cảng biển nước sâu rất thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp.

Trên địa bàn tỉnh có 1 Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, diện tích quy hoạch hơn 45.000 ha, hạt nhân phát triển là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất và Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát- Dung Quất 2.

Ngoài 3 khu công nghiệp trong KKT Dung Quất đã đi vào hoạt động, trên địa bàn tỉnh còn có 2 khu công nghiệp và 20 cụm công nghiệp giữ vai trò là khu, cụm công nghiệp vệ tinh cho KKT Dung Quất.

Về hạ tầng thương mại, trên địa bàn tỉnh hiện có 145 chợ, 2 trung tâm thương mại hạng 3 và 8 siêu thị.

Giữa bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn và thuận lợi cùng đan xen, sản xuất công nghiệp của Quảng Ngãi vẫn có những dấu hiệu tích cực. GRDP 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 28,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt hơn 8 nghìn tỷ đồng.

Đa số các ngành công nghiệp thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo đã hồi phục sản xuất, trong đó có nhiều ngành tăng khá. Ngành luyện thép tiếp tục góp phần lớn vào tăng trưởng chung của ngành công nghiệp tỉnh.

Sản phẩm thép cuộn chất lượng cao của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát -Dung Quất.

Sản phẩm thép cuộn chất lượng cao của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát -Dung Quất.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,2%; kim ngạch xuất khẩu tăng 10,7%; kim ngạch nhập khẩu tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, Nhà máy lọc dầu Dung Quất thực hiện bảo dưỡng định kỳ tổng thể lần thứ 5 theo kế hoạch nên chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 4,32% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án, dự án có quy mô lớn, có tác động lan tỏa thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh như: xây dựng Đề án Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất; dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I, II và III thuộc Trung tâm Điện khí miền Trung…

Quảng Ngãi cũng đang triển khai thực hiện quy hoạch quốc gia về năng lượng, khoáng sản như: Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các giải pháp đảm bảo cung ứng điện năm 2024 và các năm tiếp theo.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân khẳng định, lãnh đạo tỉnh luôn nhận thức được lợi thế, tiềm năng và chọn phát triển công nghiệp là mục tiêu đột phá, xuyên suốt.

Vì vậy, kiên trì qua 3 nhiệm kỳ, ngành công nghiệp Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh, trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo cũng như giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Tập trung thực hiện nhiều giải pháp

Trong buổi làm việc với tỉnh Quảng Ngãi mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Quảng Ngãi là một trong những cực tăng trưởng tại khu vực miền Trung, giữ vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế trong vùng và cả nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong buổi làm việc tại Quảng Ngãi.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong buổi làm việc tại Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cho rằng, lĩnh vực công thương của tỉnh vẫn còn những hạn chế cần tập trung khắc phục như: tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong GRDP của tỉnh, nhưng cơ cấu các lĩnh vực trong ngành công nghiệp còn thiếu cân đối, còn phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực lọc, hóa dầu; công nghiệp khai khoáng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Phát triển kinh tế biển chưa tạo động lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chuỗi liên kết giữa ngành lọc, hóa dầu với các ngành hạ nguồn, nguyên vật liệu còn hạn chế, công nghiệp phụ trợ phát triển còn chậm.

Bộ trưởng đề nghị Quảng Ngãi tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội.

Chủ động rà soát lại tổng thể quy hoạch tỉnh, bảo đảm phù hợp, liên thông với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch ngành quốc gia. Đồng thời, rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch tỉnh để có đầy đủ cơ sở pháp lý, sẵn sàng tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư, tạo dư địa, động lực tăng trưởng mới.

Khẩn trương triển khai thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn. Theo đó, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh được quy hoạch 20 dự án nguồn điện; 15MW điện rác; 20 dự án lưới điện, 35 điểm mỏ khoáng sản…

Đến nay, tỉnh đã có đầy đủ điều kiện để triển khai các dự án trên nên cần đẩy nhanh tiến độ lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực để triển khai, bảo đảm đưa các dự án vào vận hành đúng tiến độ theo quy hoạch đã được phê duyệt, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đóng góp của sản xuất công nghiệp trong GRDP địa phương. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, khả thi.

Áp dụng linh hoạt các mô hình đầu tư có hiệu quả để huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng logicstic và hạ tầng các khu công nghiệp quan trọng đã được thành lập.

Đẩy mạnh phát triển thương mại theo hướng số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh. Chú trọng đầu tư phát triển hệ thống logistics theo hướng đồng bộ, hiện đại, thuận tiện nhằm phát triển Quảng Ngãi thành trung tâm logistics trung chuyển vận tải đa phương thức, kết nối khu vực miền Trung, khu vực Tây Nguyên, các nước Đông Nam Á, cũng như là một cửa ngõ vận tải hàng hóa qua biển Đông.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quang-ngai-phat-trien-cong-nghiep-la-muc-tieu-dot-pha-va-xuyen-suot.html