Quảng Ngãi phát triển du lịch cộng đồng nông thôn
Không chỉ là vùng đất nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, Quảng Ngãi còn lưu giữ nhiều làng bản xưa mang vẻ đẹp bình dị, mộc mạc; những phong tục tập quán, làn điệu dân ca, ẩm thực mang đậm nét văn hóa xứ Quảng. Những giá trị văn hóa này đang được lựa chọn để phát triển du lịch cộng đồng, dịch vụ du lịch nông thôn.
Không chỉ là vùng đất nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, Quảng Ngãi còn lưu giữ nhiều làng bản xưa mang vẻ đẹp bình dị, mộc mạc; những phong tục tập quán, làn điệu dân ca, ẩm thực mang đậm nét văn hóa xứ Quảng. Những giá trị văn hóa này đang được lựa chọn để phát triển du lịch cộng đồng, dịch vụ du lịch nông thôn.
Làng cổ Gò Cỏ đón gió đông
Nằm cạnh đầm An Khê, làng cổ Gò Cỏ ở phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ) bên chân sóng biển Sa Huỳnh bình lặng, êm ả như thuở nào. Đường đá cổ, giếng cổ, đền thờ in dấu tích trăm năm của người Chăm, văn hóa Sa Huỳnh qua 3.000 năm. Trên gò cát cao của làng cổ, khu mộ chum niêm đại 2.500 năm, đường đá đến miếu cổ, đền thờ, giếng xưa lưu giữ những ký ức của cư dân Gò Cỏ bên dải biển xanh Sa Huỳnh. Làng cổ Gò Cỏ đang cất giữ nhiều nét văn hóa đa tầng của người Việt cổ xưa.
Gò Cỏ có khoảng 80 nóc nhà, giữa làng dừa, tre xanh tốt quanh năm. Cư dân Gò Cỏ sống bình lặng với những thuyền thúng nhỏ đánh cá gần bờ, những khu vườn nhà xanh tươi, yên ả cùng nghề truyền thống đan thúng, nong nia, rổ rá. Ngày lễ, Tết, hội hè vang lên những làn điệu bài chòi, hát đối, hát sắc bùa của bà con thiết tha, truyền cảm. Làng quê bình dị, con người chất phác, hồn hậu của làng Gò Cỏ vẫn còn giữ nhịp sống thong thả giữa dòng đô thị hối hả lấn dần khắp chốn.
Nhà bà Nguyễn Thị Đào, 56 tuổi đã đón 12 khách đến tham quan, cùng ăn ở, làm việc với gia đình. Khách được theo bà vá lưới, đan lát, chèo thuyền, trải nghiệm làm người xứ biển và đôi bên đều thích thú những khám phá mới. Niềm vui với thu nhập từ 100 đến 150 nghìn đồng/ngày, bà mong ước nhiều khách về làng cho cộng đồng, con cái được lập nghiệp mới. “Mình liệu sức mà tham gia làm du lịch, vừa có thu nhập vừa hiểu biết nhiều. Quê này bao năm nghèo lắm, giờ đã có hy vọng để bọn trẻ đi làm thuê ở xa về lập nghiệp”, bà Đào tâm sự.
Gò Cỏ là một trong số ít làng quê cổ giữ được nhiều dấu tích xưa, yên bình mộc mạc thuần chất nét đẹp làng quê ven biển Việt Nam. Nếu không bảo tồn, gìn giữ và phát huy thì cơn lốc đô thị hóa, bê-tông hóa sẽ xóa dần làng quê cổ xưa. Và du lịch cộng đồng là khởi đầu mới, hứa hẹn cải thiện đời sống cư dân bên chân sóng biển.
Hợp tác xã Du lịch đồng làng Gò Cỏ có 37 thành viên, hình thành các tổ dịch vụ thuyền nan, homestay, thuyết minh viên... Đường làng, cổng ngõ Gò Cỏ khang trang, sạch đẹp. Nghề truyền thống, nét văn hóa xưa như nhà tranh, đan lưới, hát bài chòi… đang được khôi phục, tái hiện để bảo tồn, đón du khách trải nghiệm miền biển giữ gìn văn hóa cư dân bản địa lâu đời.
Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ Nguyễn Thị Diễm Kiều cho biết: “Chúng tôi hỗ trợ người dân xây dựng làng Gò Cỏ thành điểm du lịch cộng đồng. Những sản phẩm, dịch vụ du lịch ở đây được tổ chức đúng nguyên bản, theo chuẩn để phục vụ du khách. Hợp tác xã cũng mong muốn liên kết hợp tác và có những chính sách, giải pháp bảo tồn, phát triển làng du lịch cộng đồng này”.
Phát triển dịch vụ du lịch chuyên nghiệp
Là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh, di sản lâu đời cùng di tích lịch sử văn hóa như: Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, thắng cảnh Ba Làng An, văn hóa Sa Huỳnh, làng văn hóa thổ cẩm Làng Teng, Khu chứng tích Sơn Mỹ, làng nghề truyền thống… tỉnh Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Đặc biệt, với xu hướng quay về với thiên nhiên, văn hóa làng bản xưa, những trải nghiệm cùng cư dân bản địa thì du lịch cộng đồng Quảng Ngãi đang đón cơ hội mới phát triển. Những di sản văn hóa với du lịch cộng đồng sẽ được bảo tồn, phát huy giá trị để nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn.
Từ trăm năm qua, làng Dương Quang ở xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức nằm một bên núi Long Phụng yên ả, thanh bình. Đường làng đầy hoa và cây xanh uốn cong vòng quanh những mái nhà ngói cũ rêu phong. Những mộ chum được phát hiện là di chỉ của văn hóa Sa Huỳnh, núi Long Phụng, chùa Ông Râu cùng làng quê còn lưu giữ nét mộc mạc xưa là điểm mới du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Ngãi. Huyện Mộ Đức đã hỗ trợ người dân lựa chọn sản phẩm dịch vụ để làm du lịch cộng đồng; có 20 hộ tham gia làm vườn kiểu mẫu với các dịch vụ hướng dẫn trồng sắn, đánh cá để thu hút khách tham quan, trải nghiệm.
“Nhà tôi chuyên canh rau, củ nên tôi làm vườn kiểu mẫu để khách tham quan. Tôi tập huấn lớp quản lý du lịch, mình có gì thì phát huy nấy thôi. Làm du lịch sẽ có thêm thu nhập, bà con cũng đỡ vất vả hơn”, chị Vy Thị Cẩm Loan chia sẻ.
Để làng Dương Quang trở thành làng quê kiểu mẫu xưa, là điểm đến du lịch cộng đồng, chính quyền địa phương đã chỉnh trang đường làng, trùng tu di tích, củng cố nhóm nghề truyền thống, gắn kết các dự án nông nghiệp sạch với nhà vườn làm sản phẩm du lịch trải nghiệm.
Ông Võ Việt Cường, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Mộ Đức cho biết: “Dựa trên lợi thế nền về di tích lịch sử, thắng cảnh chúng tôi hình thành những sản phẩm du lịch chất lượng. Sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn do người dân thực hiện và hưởng lợi từ chính sản phẩm của mình. Dịch vụ chất lượng, đạt chuẩn thì thu hút nhiều du khách, thu nhập, cuộc sống vùng nông thôn cũng tốt hơn”.
Với xu hướng du lịch về thiên nhiên, văn hóa xưa, vùng nông thôn đang phát triển, tỉnh Quảng Ngãi hình thành một đến hai điểm du lịch cộng đồng với các sản phẩm, dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn OCOP. Các sản phẩm dịch vụ du lịch bản địa đặc sắc về nông thôn, văn hóa lịch sử, biển đảo, làng nghề truyền thống, nông nghiệp nông thôn, làng bản vùng cao được ưu tiên lựa chọn. Các địa phương xây dựng tiêu chí như văn hóa giao tiếp văn minh, vệ sinh môi trường, không sử dụng sản phẩm hoang dã làm thực phẩm… phổ biến đến người dân. Hướng đến sản phẩm OCOP, dịch vụ dần chuẩn hóa, hoàn thiện quy chế; các tiêu chí về môi trường cũng được thực hiện chặt chẽ để sản phẩm dịch vụ tốt hơn.
“Phát triển du lịch vùng nông thôn rất tốt cho địa phương và người dân. Bà con tiếp nhận tư duy mới, có nguồn thu nhập từ chính những đặc sản, văn hóa bản địa như gốm, hát bài chòi độc đáo thu hút khách. Sản phẩm du lịch, dịch vụ đạt tiêu chuẩn OCOP thì mới tăng giá trị”, Bí thư Thị ủy Đức Phổ Trần Phước Hiền khẳng định.
Những khởi sắc về du lịch cộng đồng, sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn theo chuẩn OCOP chất lượng, chuyên nghiệp, có giá trị gia tăng cao. Từ đó, nâng cao thu nhập cho cư dân vùng nông thôn và góp phần bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống quê hương.