Quảng Ngãi: Quốc lộ 24 đoạn qua huyện Ba Tơ bị sạt lở, nứt toác
Hiện tại, tuyến Quốc lộ 24 đoạn qua xã Ba Tiêu, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đang có hai điểm sạt lở và xuất hiện một vết nứt toác trên mặt đường, khiến giao thông bị chia cắt.
Trưa 16/11, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) cho biết: Hiện trên tuyến đường Quốc lộ 24 đoạn qua đèo Vi Ô Lắc, thuộc địa phận xã Ba Tiêu, huyện Ba Tơ đang xuất hiện hai điểm sạt lở và một đoạn mặt đường tại Km64+400 và Km63+350, đoạn giao giữa địa phận Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum bị nứt toác khoảng 50m, khiến giao thông từ tỉnh Quảng Ngãi lên Kon Tum tạm thời ách tắc.
“Ngay sau khi phát hiện sự việc, huyện đã cử lực lượng chức năng đến hiện trường chốt chặn để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi qua lại. Đồng thời, báo cáo Sở Giao thông vận tải và Hạt quản lý đường bộ tỉnh để phối hợp xử lý các điểm sạt lở trên”, ông Vinh cho biết thêm.
Cũng theo ông Phạm Xuân Vinh, hiện Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi đã cử lực lượng đến để phối hợp với lực lượng địa phương dọn dẹp số đất, đá bị sạt lở “Khả năng đến đầu giờ chiều nay (16/11) giao thông sẽ lưu thông trở lại”, ông Vinh nói.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi Nguyễn Phong, cho biết: Với vị trí mặt đường bị nứt toác, tạm thời cử lực lượng lập chốt, lắp biển cảnh báo các xe hạn chế tải trọng. Đồng thời, theo dõi điểm sạt lở ở taluy âm tại vị trí này để ứng phó phù hợp.
“Trước mắt, phải thông tuyến cho xe cộ qua lại, bởi đây là Quốc lộ nối Quảng Ngãi lên các tỉnh Tây nguyên”, ông Phong nói.
Trong khi đó, tại huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) cũng đang có rất nhiều tuyến đường giao thông và khu dân cư bị sạt lở. Nặng nhất là điểm sạt lở ở đường ĐH 77 (nối thị trấn Di Lăng đi xã Sơn Bao).
Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi Nhâm Xuân Sỹ cho biết, khả năng từ ngày 16 đến sáng 17/11, khu vực tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Mưa lớn có khả năng kèm theo lốc, sét và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng; cùng với đó có nguy cơ xảy ra lũ lớn, lũ quét, lạt lở đất tại khu vực miền núi và ngập úng tại khu vực vùng trũng.