Quảng Ngãi: Sống cạnh bể nước sạch, dân vẫn phải dùng nước suối
Đầu tư hơn 500 bể nước sạch nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân miền núi Quảng Ngãi, nhưng số công trình hoạt động tốt chỉ rất ít.
Hầu hết bể đều không có nước, khiến dân bản vẫn phải dùng nước sông suối ô nhiễm.
Dân mừng hụt vì nước sạch
Nhà cạnh công trình cấp nước sinh hoạt thôn Mang Đen (xã Ba Vì, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) nhưng hàng ngày, gia đình ông Phạm Văn Vy vẫn phải dùng các loại can, chậu ra múc nước ở con suối đầu bản về dùng.
Theo ông Vy, mọi sinh hoạt trong nhà đều dùng nguồn nước tự nhiên vì công trình nước sạch không có nước.
“Ngày thấy cơ quan chức năng về xây dựng hệ thống nước sạch, người dân ai cũng mừng. Nhưng khi hệ thống cấp nước sạch hoàn thành, tất thảy đều thất vọng vì bể không có nước”, ông Vy nói.
Không riêng thôn Mang Đen, tại thôn Y Van (xã Ba Vì), công trình cấp nước sinh hoạt cũng trong cảnh hết nước.
Theo ghi nhận của Báo Giao thông, các bể nước này được xây cao hơn 1,5m, chứa 3-4 khối nước, có hệ thống dẫn nước tự nhiên vào các hệ thống lọc, sau đó xả ra bằng các vòi đóng mở. Tuy nhiên, cả 2 bể trên đều trong cảnh cạn khô, ố vàng, các van vòi hoen rỉ, hư hỏng.
“Nước suối thì ô nhiễm, mà cũng đang mùa cạn, nắng nóng như thế này, chỉ vài tháng nữa chắc bà con ở đây không có nước để sử dụng”, ông Vy thở dài.
Thống kê riêng tại huyện miền núi Ba Tơ, trong số 75 công trình cấp nước sạch nông thôn thì đến nay chỉ có 3 công trình hoạt động bền vững, 40 công trình không có nước, còn lại lâm cảnh lúc có lúc không.
Rất nhiều công trình từ lúc thi công cho đến hoàn thành, sau nhiều năm vẫn chưa cấp được một giọt nước nào cho người dân.
Vì đâu nên nỗi?
Theo đại diện UBND huyện Ba Tơ, công trình cấp nước sinh hoạt thôn Mang Đen, đã được thi công hoàn thành 100% khối lượng, đảm bảo theo thiết kế được duyệt.
Tuy nhiên, tuyến ống từ đầu mối về khu xử lý có chiều dài 150m của giai đoạn I dự án bị mưa lũ cuốn trôi vào năm 2020 nên không thể dẫn nước từ suối về các bể chứa, khiến bể không có nước. Loạt công trình cấp nước “chết yểu” là thực trạng phổ biến trên địa bàn huyện, đang được địa phương xem xét để khắc phục.
Tương tự, tại huyện miền núi Minh Long, đến cuối năm 2022, toàn huyện có 33 công trình cấp nước sạch nông thôn được nhà nước đầu tư xây dựng tại các địa phương để cấp nước sạch cho người dân.
Thế nhưng, có đến 19 công trình không hoạt động và 6 công trình hoạt động cầm chừng. Người dân mỗi ngày phải băng qua các bể nước sạch, ra tận sông suối lấy nước sinh hoạt.
Lý giải nguyên nhân khiến các công trình cấp nước sạch sinh hoạt miền núi Quảng Ngãi hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đầu tư, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho rằng do công tác quản lý, đầu tư xây dựng còn thiếu sót.
Nhiều công trình sau khi đầu tư xây dựng hoàn thành, chủ đầu tư không kiểm tra, đánh giá các thông số thực tế so với thiết kế ban đầu, không có quy trình quản lý, vận hành, không có kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân lực vận hành… dẫn đến công trình nước sạch nhưng không có nước.
Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về việc sử dụng, bảo quản công trình cấp nước sạch còn hạn chế, bão lũ thiên tai góp phần làm hư hỏng, trong khi nguồn lực của UBND xã, UBND huyện không có để sửa chữa dẫn đến hư hỏng lớn làm cho công trình ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, theo ông Hồ Văn Tính ở xã Sơn Trà (Trà Bồng), đa phần công trình nước sạch vô tác dụng là do công tác khảo sát, chọn vị trí chưa phù hợp, sát với thực tế.
Nhiều công trình khi khảo sát là lúc mùa mưa, nước nhiều, nhưng khi mùa khô nước cạn không đủ cung cấp cho người dân.
477/513 bể nước sạch không hiệu quả
Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, tính đến ngày 31/12/2022, tại tỉnh có 513 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được đầu tư từ ngân sách Nhà nước.
Trong số đó, chỉ 27/513 công trình (tỷ lệ 5,26%) hoạt động bền vững, 9/513 công trình (1,75%) hoạt động tương đối bền vững, 344 công trình kém bền vững, 133 công trình (25,93%) không hoạt động.
Trong đó hầu hết là các công trình thuộc các xã miền núi có quy mô, công suất nhỏ, nằm xa khu dân cư, ở những vị trí có địa hình tương đối phức tạp.