Quảng Ngãi: Tạm dừng tìm kiếm kỹ sư mất tích vụ sạt lở ở Kà Tinh
Việc tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở thủy điện Kà Tinh bị tạm dừng do mưa lớn.
Sáng 14/10, ông Đặng Minh Thảo - Bí thư Huyện ủy Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) thông tin, do đang có mưa lớn nên việc tổ chức tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở thủy điện Kà Tinh phải tạm dừng.
“Việc tạm dừng tìm kiếm ở khu vực sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn vì khu vực này nguy cơ cao tiếp tục sạt lở khi có mưa lớn. Khi nào thời tiết tốt hơn, công tác này sẽ được tiếp tục” - ông Đặng Minh Thảo nói.
Trước đó, chiều tối 10/10, tại khu vực Tỉnh lộ 622B, đoạn qua xã Trà Lâm (huyện Trà Bồng) xảy ra sạt lở núi nghiêm trọng làm 1 kỹ sư của nhà máy thủy điện Kà Tinh mất tích.
Ngay sau khi xảy ra vụ sạt lở, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan nhanh chóng xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn. Các lực lượng đã được huy động để tìm kiếm nạn nhân tại vị trí sạt lở và dọc theo hai bên sông Trà Bồng trên địa bàn huyện, nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy.
Đề phòng nạn nhân có thể bị nước lũ cuốn trôi theo dòng nước thoát ra từ nhà máy thủy điện, UBND huyện Trà Bồng đề nghị UBND huyện Bình Sơn, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bình Sơn phối hợp, chỉ đạo các lực lượng tổ chức tìm kiếm nạn nhân mất tích dọc theo sông Trà Bồng trên địa phận có dòng sông chảy qua. Đồng thời, thông báo cho người dân sinh sống, làm việc ở khu vực hai bên sông Trà Bồng nếu phát hiện nạn nhân bị nước cuốn trôi báo cáo ngay cho cơ quan chức năng.
Trong diễn biến khác, đến 18 giờ 30 phút chiều 13/10, ngành giao thông đã thông xe một vệt, ở khu vực sạt lở núi vùi lấp Tỉnh lộ 622B và trạm điều hành tổ máy phát điện thủy điện Kà Tinh, giải tỏa áp lực giao thông, tháo gỡ cô lập tại 6 xã của huyện miền núi Trà Bồng trong nhiều ngày liền.
Để thu dọn số đất, đá phủ lấp nền đường lên đến hàng chục nghìn mét khối, đơn vị thi công phải huy động hàng chục phương tiện cơ giới như máy đào, máy xúc, máy ủi, xe tải trung chuyển… và hàng chục nhân lực cùng vào công trường để thực hiện nhiệm vụ. Tổng chiều dài đoạn tuyến đã thông xe khoảng 300m. Trong đó, tảng đá chắn ngang lòng đường đã được nổ mìn và di dời đi nơi khác.
Điểm khó khăn nhất dẫn đến công tác khắc phục điểm sạt lở là vị trí đất phủ lấp có vực sâu, mặt bằng hạn chế nên phương tiện cơ giới phải hoạt động trong phạm vi hẹp. Đồng thời, nguy cơ sạt lở tiếp theo vẫn treo lơ lửng nên các tổ thi công phải cử người canh trực để cảnh báo khi có dấu hiệu không đảm bảo an toàn nhằm bảo vệ tài sản, tính mạng của công nhân, kỹ sư tại công trường.
Sáng 14/10, khu vực Quảng Ngãi đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Dự báo từ trưa 14/10 đến trưa 16/10, khu vực tỉnh Quảng Ngãi có mưa to đến rất to và dông; trong cơn dông đề phòng có lốc, sét và gió giật mạnh; với tổng lượng mưa phổ biến 200 - 400mm/đợt, có nơi trên 500mm/đợt.
Đợt mưa lớn này được cảnh báo rất nguy hiểm bởi Quảng Ngãi vừa hứng chịu đợt mưa rất lớn trong 2 ngày 10 - 11/10, đất đá đã no nước, độ kết dính rất kém, nên nguy cơ xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở, trượt lở đất ở ven các sông suối nhỏ và các huyện miền núi như: Trà Bồng, Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long..
Mặt khác, các hồ và dòng sông đang có nước lớn nên khi có mưa tiếp theo thì khả năng lũ sẽ lên rất nhanh, nguy cơ ngập lụt các xã vùng trũng của Nghĩa Hành, Bình Sơn, Đức Phổ và TP Quảng Ngãi.