Quảng Ngãi thăng hạng trong các chỉ số đánh giá quan trọng
Năm 2022, cả hai chỉ số đánh giá quan trọng thể hiện năng lực cạnh tranh và hiệu quả quản trị, hành chính công cấp tỉnh của Quảng Ngãi đều có sự thăng hạng đáng kể, phản ánh sự nỗ lực đáng ghi nhận của địa phương này.
PCI tăng 12 bậc
Theo số liệu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tại Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, điểm PCI của Quảng Ngãi là 65.18, xếp thứ hạng 33/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 12 bậc so với năm 2021.
Trong đó, các chỉ số tăng điểm của địa phương này so với năm 2021, gồm: Gia nhập thị trường, tính minh bạch, thiết chế pháp lý. Năm nay, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Tháp lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao trong bảng xếp hạng.
Báo cáo PCI năm 2022 được xây dựng trên thông tin phản hồi từ 11.872 doanh nghiệp, trong đó có 10.590 doanh nghiệp tư nhân và 1.282 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Theo VCCI, kể từ khi bắt đầu tiến hành vào năm 2005 tới nay, đã có 176.496 lượt doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI, phản ánh các khía cạnh đa dạng của môi trường kinh doanh Việt Nam.
Chỉ số PCI do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhằm đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều tra PCI năm 2022 cũng thấy được sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền các tỉnh, thành phố trong năm đầu tiên phục hồi sau đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tiếp tục có sự trải nghiệm tích cực về thay đổi trong cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và giảm thiểu chi phí không chính thức của các chính quyền địa phương Việt Nam.
Triển khai xây dựng và công bố từ năm 2005, chỉ số PCI là một bộ chỉ số hợp thành bởi 10 chỉ số thành phần, bao gồm: Chi phí gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; tính năng động của chính quyền địa phương; môi trường cạnh tranh bình đẳng; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp ý và an ninh trật tự.
Báo cáo năm nay được công bố trong dịp lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập VCCI (1963-2023) và cũng là dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ (2013-2023). Dịp này, VCCI và USAID đã giới thiệu và công bố về Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Theo đó, Quảng Ngãi đứng 33/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với 14,60 điểm (tính theo thang điểm 40).
Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.
Mục tiêu của chỉ số xanh là thúc đẩy các tỉnh, thành phố tại Việt Nam quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin kịp thời hỗ trợ chính quyền tỉnh, thành phố trong hoạch định chính sách, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường, góp phần thu hút các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường và các dự án “xanh”, chất lượng cho Việt Nam.
PAPI tăng 20 bậc
Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam vừa chủ trì tổ chức công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2022. Theo đó, năm 2022 Quảng Ngãi tăng 20 bậc ở chỉ số đánh giá này, với chỉ số tổng hợp đạt 42,9284, đứng thứ 23/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Cao hơn cả Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như: Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định.
Mục tiêu chung của chương trình nghiên cứu PAPI nhằm phản ánh đánh giá của người dân về việc thực hiện chính sách và các chương trình phát triển của Nhà nước, từ đó đóng góp vào việc cải thiện và tăng cường khả năng đáp ứng, tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền. Báo cáo PAPI 2022 cung cấp nguồn dữ liệu thực chứng quan trọng để các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương theo dõi hiệu quả hoạt động của mình trong công tác điều hành, quản lý Nhà nước, hành chính công và cung ứng dịch vụ công.
Cũng như góp phần cải thiện chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức công, đảm bảo quyền căn bản của con người, nhất là quyền được bày tỏ chính kiến, tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ công căn bản có chất lượng.
Sau 14 năm phát triển, PAPI đang ở năm thứ hai của nhiệm kỳ chính quyền các cấp thứ ba (2021-2026) sau hai nhiệm kỳ PAPI đã đồng hành trước đó (2011-2016 và 2016-2021). Chính vì vậy, PAPI được ví như ‘mỏ vàng’ phục vụ nghiên cứu và vận động đổi mới chính sách.
Ngoài vai trò là hệ thống theo dõi, đánh giá những gì chính quyền các cấp đạt hoặc chưa đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phục vụ nhân dân, dữ liệu PAPI giúp dự báo xu thế quản trị công, gợi mở giải pháp đổi mới phương thức và hiệu quả điều hành và quản lý Nhà nước, củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền các cấp, tạo động lực để người dân đóng góp vào sự phục hồi và phát triển bền vững của Việt Nam sau đại dịch và trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn.
Báo cáo PAPI 2022 trình bày kết quả cấp tỉnh ở 8 chỉ số nội dung gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử.
Năm 2022, Quảng Ninh là tỉnh đứng đầu trong bảng xếp hạng PAPI với chỉ số tổng hợp đạt 47,8763; tỉnh Cao Bằng đứng cuối cùng với 38,8037. Thủ đô Hà Nội đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng này, với chỉ số tổng hợp đạt 43,9049.