Quảng Ngãi: thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến
Nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực miền núi, nông thôn tại Quảng Ngãi được triển khai đã góp phần thay đổi thói quen của người dân.
Thay đổi thói quen của người dân
Sau hơn 1 năm triển khai, mô hình thí điểm "Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt” tại đường Tế Hanh (tổ dân phố 6, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã mang lại hiệu ứng tích cực, thúc đẩy các hộ kinh doanh và người tiêu dùng sử dụng phương thức giao dịch thanh toán trực tuyến, tự tin thụ hưởng những tiện ích của công nghệ số.
Tuyến phố này có hơn 30 hộ dân, hộ sản xuất, kinh doanh đăng ký triển khai. Để thực hiện hiệu quả mô hình, UBND thị trấn Châu Ổ phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ dân phố, các ngân hàng chi nhánh trên địa bàn thị trấn thành lập tổ công tác tới từng hộ kinh doanh để tuyên truyền, hỗ trợ đăng ký tài khoản, QR code, hướng dẫn người dân thực hiện giao dịch, thanh toán qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Châu Ổ Lê Văn Huyên cho biết: "Thực hiện công tác chuyển đổi số, thị trấn đã chọn tuyến đường Tế Hanh để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, đa số người dân trên tuyến đường đã thực hiện khá hiệu quả. Hiện thị trấn Châu Ổ đang triển khai thêm ở tuyến đường Phạm Văn Đồng và một số tuyến đường ở khu dân cư Đông Nam, chợ Châu Ổ”.
Thị trấn Châu Ổ là địa phương tiên phong trên địa bàn huyện Bình Sơn xây dựng mô hình tuyến phố thanh toán không tiền mặt. Khi mới triển khai mô hình, một số người dân chưa quen sử dụng các ứng dụng thanh toán trực tuyến nên còn lúng túng, thao tác chậm.
Sau một thời gian tiếp cận, người dân thấy được sự tiện lợi khi chỉ mất chưa đầy một phút thao tác trên điện thoại là có thể thanh toán, giao dịch bất kỳ dịch vụ nào nên đã chủ động tìm hiểu, tiếp cận.
Chị Huỳnh Thị Thu Xuân- chủ một hộ kinh doanh chia sẻ: “Từ khi thị trấn Châu Ổ triển khai quét mã QR không dùng tiền mặt, quán tích cực hướng ứng. Số lượng khách đông nên quán cũng khuyến khích khách chuyển khoản qua mã QR vừa thuận lợi trong việc kiểm soát thu ngân hàng ngày".
Tại huyện đảo Lý Sơn, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng thường xuyên tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân mở tài khoản ngân hàng, sử dụng ngân hàng số.
Bên cạnh đó, khuyến khích người dân, doanh nghiệp thanh toán điện tử trong việc nộp lệ phí, thủ tục hành chính; thanh toán cước, phí cho các dịch vụ thường xuyên, định kỳ, như: điện, nước, điện thoại, internet,...
“Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt rất thuận lợi. Tôi có thể thanh toán các khoản tiền điện, nước, đóng tiền học cho con...ở bất cứ nơi đâu. Đồng thời, tôi cũng có thể truy cập, kiểm tra lại các khoản tiền đã thanh toán trước đó”- anh Nguyễn Văn Nhựt (thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn) chia sẻ.
Đến cuối tháng 7/2024, trên địa bàn huyện Lý Sơn có khoảng 20 nghìn lượt giao dịch qua kênh ngân hàng điện tử với doanh số thanh toán trên 500 tỷ đồng; 112 khách hàng nộp thuế điện tử với số tiền 5 tỷ đồng; 100% người thụ hưởng lương hưu, bảo trợ xã hội đều có tài khoản ngân hàng,...
Ở khu vực miền núi, việc chi trả không dùng tiền mặt cũng có những chuyển biến tích cực. Tại huyện Trà Bồng, nếu như từ tháng 1 - 6/2024, chỉ có từ 13,7 - 15,2% đối tượng đồng ý mở tài khoản và đăng ký nhận tiền qua tài khoản ngân hàng thì đến tháng 8/2024, tỷ lệ này đã tăng lên 44,4%.
Tại huyện Sơn Tây, qua tuyên truyền, vận động, số người mở tài khoản và đăng ký nhận tiền qua tài khoản ngân hàng không ngừng tăng lên. Nếu trong quý I/2024, việc thực hiện thanh toán chế độ bảo trợ xã hội chưa đến 1%, thì đến tháng 8/2024, tỷ lệ này đã tăng lên 85,1%.
Tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt
Với việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Quảng Ngãi đã được những kết quả tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2024, thanh toán trực tuyến toàn tỉnh đạt khoảng 40 tỷ đồng, với khoảng 112 nghìn giao dịch, giúp tỉnh Quảng Ngãi nằm trong nhóm đứng đầu các tỉnh, thành phố có thứ hạng cao về thanh toán trực tuyến.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn không ngừng triển khai thực hiện kế hoạch phát triển tài khoản giao dịch tại ngân hàng cho người dân từ 15 tuổi trở lên, đặc biệt người dân cũng có thể dễ dàng mở tài khoản thanh toán bằng phương thức EKYC mà không cần đến ngân hàng.
Tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu đến cuối năm 2025 thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm,...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên, để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác. Các doanh nghiệp viễn thông phải phát triển nền tảng thanh toán trực tuyến, trong đó chú trọng hạ tầng kỹ thuật tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0. Đồng thời, đẩy mạnh thanh toán điện tử trong dịch vụ hành chính công.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quang-ngai-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-ngay-cang-pho-bien.html