Quảng Ngãi: Thời tiết thất thường, nông dân trồng sầu riêng khốn đốn
Thời tiết khắc nghiệt, diễn biến thất thường khiến nông dân trồng sầu riêng ở Quảng Ngãi mất trắng hàng trăm triệu đồng.
Trắng tay vụ sầu riêng
“Năm nay không có sầu riêng đâu, thời tiết khắc nghiệt quá, vụ này coi như trắng tay. Bao nhiêu hoa đều hư, rụng sạch!”, ông Nguyễn Ngọc Cư (thôn Tân Lập, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) xót xa.
Xã Hành Nhân (huyện Nghĩa Hành) là vùng chuyên canh cây ăn quả lớn nhất nhì tỉnh Quảng Ngãi và cũng là nơi tập trung nhiều diện tích trồng sầu riêng. Thời tiết diễn biến bất thường khiến hàng loạt hộ dân trồng loại cây ăn quả giá trị cao này lâm vào cảnh khốn đốn.
Vườn sầu riêng của ông Cư có 95 cây được trồng từ 7 năm trước. Cứ ngỡ sắp trồng cây sắp đến ngày hái quả ngọt, nhưng ông Cư lại “bật ngửa” vì đến giờ này, cả vườn hầu như chẳng có cây nào đậu quả.
“Năm ngoái là vụ đầu tiên cây đến độ ra hoa, đậu quả nên chỉ mới thu hoạch lác đác, bù được vài bao phân. Năm nay là vụ thứ 2, hoa ra nhiều lắm, nếu trời không hại thì chắc chắn khoản tiền kiếm được không nhỏ. Nhưng giờ này là thua rồi, không cách nào cứu vãn”, ông Cư buồn thiu.
Uống ngụm nước, ông Cư ngẫm nghĩ giây lát rồi tiến đến gần một cây sầu riêng, vạch tán lá và đưa tay chạm vào những chùm hoa sầu riêng chỉ còn trơ lại cuống, lý giải: “Hiện tại vùng này vẫn chưa đến nỗi thiếu nước mà dẫn đến rụng hoa, không có quả, nguyên nhân có lẽ là do đợt cây ra hoa rộ thì gặp mưa kéo dài, sau đó lại nắng gắt liên tục nên cây không thích ứng kịp”.
Tốn không ít thời gian, công sức và tiền bạc “đổ” vào sầu riêng, ông Cư chỉ biết ngậm ngùi than trời và hy vọng vụ mùa năm sau gỡ gạc lại.
“Sầu riêng mỗi năm chỉ có 1 vụ, nên giờ chỉ biết tiếp tục làm cỏ, dưỡng cây để chờ sang năm. Nói chứ nếu thời tiết thuận lợi, trồng sầu riêng cho thu nhập ổn lắm. Tôi cũng vừa phá mấy gốc chôm chôm trồng xen trong vườn, chuyển sang trồng sầu riêng”, ông Cư nói.
Sầu riêng biến thành sầu “chung”
Cùng cảnh ngộ với ông Cư, bà Võ Thị Lạt (thôn Tân Lập, xã Hành Nhân) cũng não cả ruột gan bởi chỉ có vài cây trong gần một trăm gốc sầu riêng ở vườn cho "sản phẩm".
“Cách đây chừng một tháng, khi cây đang độ đậu quả thì gặp đợt mưa nhiều, gió lớn nên rụng hết. Cây nào đậu quả trước đợt mưa đó cũng bị hư, rụng. Hiếm hoi sót lại được vài quả thì bị lép chứ không tròn đầy như những năm khác. Quanh đây, nhà nào trồng sầu riêng đều gặp tình trạng này”, bà Lạt chia sẻ.
Năm 2020, khu vườn rộng 1,5 hecta trồng cây ăn quả của bà Lạt đã bị bão số 9 “quật” tơi tả, nhiều cây sầu riêng hơn chục năm tuổi ngã đổ, bật gốc, gây thất thu lớn. Lứa cây trồng sau này năm nay đến vụ cho quả rộ thì lại gặp tình cảnh “trơ cuống”, làm tiêu tan bao dự định của gia đình.
Cách vườn bà Lạt không xa, khu vườn hơn 1,2 hecta của ông Võ Duy Chánh cũng trong trình trạng “tìm mỏi mắt” mới thấy có cây sầu riêng có quả.
“Vườn trồng 120 cây, trong đó có nhiều cây trồng được chừng chục năm, cho quả ổn định nhưng vẫn không “trụ” được với thời tiết. Đang trong giai đoạn đậu quả thì mưa dài ngày kèm theo gió mạnh. Sau đợt mưa, cây ra nhiều lá non, vừa nuôi lá vừa nuôi quả cây không đủ sức. Đến lúc cây đậu quả rồi, cần mưa lại nắng nóng liên tục nên quả non rụng hết. Sầu riêng không phải quá khó trồng, nhưng mưa nhiều hay nắng nhiều vào lúc cây đậu quả đều sẽ ảnh hưởng rất xấu”, ông Chánh cho hay.
Toàn huyện Nghĩa Hành có trên 798 hecta cây ăn quả, trong đó bưởi da xanh hơn 238 hecta, sầu riêng gần 121 hecta, mít Thái hơn 166 hecta, chuối gần 162 hecta... Trước tình hình nắng nóng diễn ra trên diện rộng, huyện chỉ đạo các địa phương, chủ vườn chủ động các nguồn nước giếng, nguồn nước dự trữ để tưới.
Đồng thời, huyện tập trung đưa nguồn điện về các vùng chuyên canh cây ăn quả càng sớm càng tốt để đóng giếng, tìm nguồn nước chống hạn.
Không chỉ có sầu riêng, hơn 50 gốc bưởi da xanh của ông Chánh cũng trong tình trạng "thất thu". Chẳng còn cảnh lúc lỉu trĩu cành như những vụ trước, các cây bưởi giờ chỉ lưa thưa vài quả.
“Sau Tết bưởi ra hoa gặp dịp mưa nhiều, đậu được một ít nên tôi bỏ luôn, không bọc quả, giờ bị côn trùng chích nên cũng hư. Làm ăn bây giờ khó quá...”, ông Chánh cười buồn.
Nếu thuận lợi như các năm, vườn cây ăn quả của ông Chánh sẽ mang về hàng trăm triệu đồng cho gia đình.
“Giờ đang thời điểm nắng gắt, còn phải lo chống hạn cho cây trồng. Tui đã bỏ ra hơn 70 triệu đồng để đóng ba cái giếng, nhưng giờ chỉ còn một giếng có nước, đủ tưới nhỏ giọt để giữ ẩm cho cây trong 1 giờ là cạn kiệt. Năm nay mùa khô khắc nghiệt hơn mọi năm. Thiệt lòng mà nói thì nhiều khi nghĩ chán quá, muốn bỏ, nhưng rồi vẫn phải ráng… Làm nông thì chấp nhận hên xui, chỉ biết trách ông trời mà thôi”, ông Chánh nhẹ giọng, nhìn mông lung ra vườn cây- vụ này, không có quả!