Quảng Ngãi thông tin các nội dung liên quan đến Nhà máy bột-giấy VNT19
Ngày 14/2, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp báo thông tin về Nhà máy bột-giấy VNT19 nhằm tạo sự đồng thuận trong người dân, sớm đưa nhà máy vào hoạt động.
Ngày 14/2, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp báo chuyên đề về các nội dung liên quan đến Nhà máy bột-giấy VNT19.
Phát biểu mở đầu buổi họp báo, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi Trần Thanh Trường cho biết Nhà máy bột-giấy VNT19 đã được cấp chủ trương đầu tư trong một thời gian dài, tuy nhiên trong quá trình xây dựng dự án chưa nhận được sự quan tâm đồng thuận từ người dân.
Với mong muốn cung cấp đầy đủ thông tin nhất, trung thực, khách quan nhất về nhà máy, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin đến các cơ quan thông tấn, báo chí, các cơ quan liên quan để người dân hiểu nhằm tạo sự đồng thuận nhất, sớm đưa nhà máy vào hoạt động.
Nhà máy bột-giấy VNT19 (Công ty Cổ phần bột-giấy VNT19) được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 3/2011, với công suất thiết kế 350.000 tấn bột giấy/năm.
Đây là nhà máy bột giấy lớn nhất Việt Nam, dự kiến cuối quý 4 năm 2024 đưa vào hoạt động, sẽ tiêu thụ 1,4 triệu tấn dăm gỗ/năm, bằng khoảng 55-60% lượng gỗ dăm đang xuất khẩu qua cảng Dung Quất, góp phần giảm xuất thô dăm gỗ, gia tăng giá trị trồng rừng sản xuất.
Nhà máy sử dụng công nghệ nấu bột liên tục đẳng nhiệt với công nghệ nấu sunphat. Đây là một trong những công nghệ nấu tiên tiến, phổ biến của thế giới hiện nay.
Tại buổi họp báo, đại diện phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn đã đặt câu hỏi đối với các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh đánh giá về việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường khi nhà máy đi vào hoạt động; các phương án xử lý khi xảy ra sự cố môi trường.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Quốc Tân khẳng định công tác giám sát dữ liệu về môi trường tại nhà máy đang được thực hiện đúng pháp luật, chặt chẽ.
Ngoài chính quyền địa phương, còn có sự giám sát đặc biệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cộng đồng dân cư. Qua báo cáo của Nhà máy và những dữ liệu hiện có đảm bảo đủ cơ sở để hỗ trợ nhà máy tiếp tục hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành.
Về công tác bảo vệ môi trường, hiện Nhà máy bột-giấy VNT19 đã đầu tư phân xưởng xử lý nước thải hoàn toàn mới 100% với công nghệ và thiết bị xử lý tốt nhất châu Âu hiện nay do Công ty Aquaflow (đơn vị đã thiết kế xử lý nước thải cho khoảng 200 nhà máy sản xuất giấy và bột giấy trên toàn thế giới) đến từ Phần Lan thiết kế, cung cấp thiết bị, giám sát lắp đặt, chạy thử và chuyển giao đảm bảo nước thải sau xử lý đạt và tốt hơn tiêu chuẩn của QCVN 12-MT: 2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp giấy và bột giấy.
Đại diện nhà máy đã tiếp thu các ý kiến của các sở, ngành, Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố, giám sát, bảo vệ cụ thể như nâng công suất của hồ sự cố theo thiết kế của nhà thầu Aquaflow - Phần Lan từ 20.000m3 lên 50.000m3; bổ sung hồ sinh học với dung tích 25.000m3 tạo hệ thống liên hồ gồm hồ sự cố và hồ sinh học với sức chứa 75.000m3 đủ để duy trì hoạt động và xử lý sự cố trong vòng 3 ngày; bổ sung hồ nuôi cá kiểm chứng (thả cá, sinh vật phù du, bọ nước, bèo, rong rêu là những động thực vật thủy sinh vật chỉ thị rất nhạy cảm với môi trường để kiểm chứng mức độ độc hại của nước thải).
Nước thải trước khi xả ra môi trường tiếp tục được kiểm tra tự động, có camera giám sát tại hai điểm trước hồ sinh học và sau hồ nuôi cá. Kết quả kiểm tra và hình ảnh được truyền trực tiếp, liên tục 24/7 về Sở Tài nguyên và Môi Trường, Bộ Tài nguyên và Môi Trường.
Quá trình xây dựng, lắp đặt, vận hành phân xưởng xử lý nước thải được sự giám sát, thanh, kiểm tra chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước và người dân địa phương. Đến nay, dự án Nhà máy bột-giấy VNT19 đã thực hiện được 75% khối lượng; trong đó công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đạt 95%. Dự án sau khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động địa phương./.