Quảng Ngại tiếp tục phấn đấu cho mục tiêu giảm nghèo đa chiều

Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được các cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh Quảng Ngãi chú trọng triển khai, hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, tỷ lệ nghèo đa chiều của tỉnh hiện vẫn ở mức khá cao so với các tỉnh trong khu vực có nhiều tương đồng về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2024 hơn 1.000 tỷ đồng, đến tháng 10 đã giải ngân trên 627 tỷ đồng, đạt 62,67% tổng nguồn vốn.

Riêng trong năm 2024, tổng nguồn vốn được phân bổ là hơn 400 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư hơn 155 tỷ đồng, vốn sự nghiệp gần 245 tỷ đồng. Đến tháng 10, đã giải ngân được hơn 122,4 tỷ đồng, đạt khoảng 31% kế hoạch vốn.

Đối với chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, tổng vốn đã phân bổ để thực hiện giai đoạn 2021-2024 là hơn 1.798 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư công là 881,4 tỷ đồng và vốn sự nghiệp hơn 917,5 tỷ đồng.

 Từ các chính sách hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Tố Uyên

Từ các chính sách hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Tố Uyên

Theo Ban Dân tộc tỉnh, qua thực hiện chương trình, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022 giảm 5,37%, năm 2023 giảm 6,01%, năm 2024 dự kiến giảm 7%, vượt mục tiêu kế hoạch được cấp thẩm quyền giao.

Đến nay, có 8 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến, đến hết năm 2025 có 13 xã khu vực II, khu vực III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đạt chuẩn nông thôn mới. Nhằm kéo giảm tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh xuống còn 3,67% vào cuối năm 2025 để có thứ hạng nằm trong nhóm trung bình của khu vực, Giám đốc Sở Lao động,Thương binh và Xã hội tỉnh Nguyễn Thị Ánh Lan cho biết, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể đối với huyện ủy, thành ủy, thị ủy, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, vấn đề cấp thiết là các địa phương phải rà soát, phân loại cụ thể, niêm yết, thông báo công khai nhóm đối tượng hộ nghèo, cận nghèo có khả năng lao động để xây dựng kế hoạch hỗ trợ. Từ đó, giao nhiệm vụ cho từng đảng viên chi bộ thôn, tổ dân phố phụ trách hướng dẫn hộ nghèo, hộ cận nghèo nắm bắt thông tin liên quan đến công tác giảm nghèo, những kiến thức, kỹ năng lao động sản xuất, kinh doanh để phấn đấu lao động, sản xuất vươn lên thoát nghèo.

Đồng thời, phát huy tối đa nguồn lực từ ba chương trình mục tiêu quốc gia; nguồn vốn tín dụng ưu đãi; huy động sự tham gia đóng góp của hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập và giải quyết các chỉ số thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

"Để giảm nghèo bền vững, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nguồn lực đầu tư của Nhà nước thì ý thức, nghị lực, quyết tâm vươn lên của người dân là yếu tố then chốt. Do vậy, phải "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà" tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người nghèo thay đổi tư tưởng không muốn thoát nghèo, tích cực lao động, sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình. Có như vậy công cuộc giảm nghèo bền vững của địa phương mới thật sự hiệu quả", bà Nguyễn Thị Ánh Lan nhấn mạnh.

Dương Lê

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quang-ngai-tiep-tuc-phan-dau-cho-muc-tieu-giam-ngheo-da-chieu-post396456.html