Quảng Ngãi: Xã Kon Đào hướng tới đột phá mới từ du lịch sinh thái

Với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ và Nhân dân xã Kon Đào (Quảng Ngãi) đã từng bước vượt qua nhiều khó khăn để đạt được những kết quả toàn diện trong nhiệm kỳ 2020–2025. Bước sang nhiệm kỳ mới, địa phương này xác định các giải pháp đột phá, trong đó nổi bật là định hướng khai thác du lịch sinh thái cộng đồng gắn với suối nước nóng Kon Đào.

Công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ xã Kon Đào lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030

Công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ xã Kon Đào lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030

Xã Kon Đào được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã Kon Đào, Văn Lem và Đăk Trăm (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum cũ). Tổng diện tích tự nhiên 12.934 ha. Toàn xã có 19 thôn làng, với 2867 hộ, hơn 13.500 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào DTTS chiếm 75%.

Giai đoạn 2020–2025 diễn ra trong bối cảnh khó khăn chung: đại dịch Covid-19, thời tiết cực đoan, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, đầu ra nông sản bấp bênh... nhưng với tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực và sự lãnh đạo linh hoạt của Đảng bộ xã, địa phương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên nhiều mặt trận.

Mô hình chuyển đổi trồng sắn (mì) sang trồng dứa ở xã Kon Đào đem lại hiệu quả kinh tế cao

Mô hình chuyển đổi trồng sắn (mì) sang trồng dứa ở xã Kon Đào đem lại hiệu quả kinh tế cao

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố; việc học tập và làm theo Bác trở thành phong trào sâu rộng. Đặc biệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đã giúp nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả quản lý.

Trong nhiệm kỳ, toàn xã kết nạp được 96 đảng viên mới, 84% trưởng thôn là đảng viên, con số ấn tượng đối với một xã miền núi còn nhiều khó khăn.

Về phát triển kinh tế, xã đạt mức thu nhập bình quân đầu người 44 triệu đồng/năm, thu ngân sách đạt hơn 56 tỉ đồng.

Nông nghiệp từng bước chuyển đổi theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ và hình thành vùng sản xuất tập trung. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP địa phương như mắc ca, cà phê, dược liệu đang dần khẳng định vị thế trên thị trường.

Mô hình trồng cây mắc ca là hướng đi mới được kỳ vọng đem lại thu nhập ổn định cho người dân xã Kon Đào

Mô hình trồng cây mắc ca là hướng đi mới được kỳ vọng đem lại thu nhập ổn định cho người dân xã Kon Đào

Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai bài bản, đến nay xã đã đạt 13/19 tiêu chí. Hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông, trường học và cơ sở y tế được đầu tư đồng bộ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,9%, nhà tạm, nhà dột nát gần như được xóa bỏ.

Văn hóa, xã hội được chú trọng với nhiều chuyển biến tích cực. Giáo dục được đầu tư, 87,5% trường học đạt chuẩn quốc gia. Văn hóa dân tộc, đặc biệt là bản sắc người Xơ Đăng được gìn giữ và phát huy. Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 96,5%.

Quốc phòng, an ninh được giữ vững; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” lan tỏa sâu rộng; công tác đối ngoại nhân dân được quan tâm đúng mức.

Bước vào nhiệm kỳ 2025–2030, Kon Đào đặt mục tiêu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người đạt 95 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều xuống dưới 5%; đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Để hiện thực hóa điều này, xã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá, gồm: Phát triển nông nghiệp hàng hóa, gắn với công nghệ và chuyển đổi số là trụ cột chính.

Một trong những điểm nhấn đột phá giai đoạn 2025 - 2030 xã Kon Đào xác định đó là kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển dự án du lịch sinh thái suối nước nóng Kon Đào

Một trong những điểm nhấn đột phá giai đoạn 2025 - 2030 xã Kon Đào xác định đó là kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển dự án du lịch sinh thái suối nước nóng Kon Đào

Kon Đào sẽ mở rộng vùng sản xuất mắc ca, cà phê, cây ăn quả, cây dược liệu; liên kết doanh nghiệp – hợp tác xã – nông dân; ứng dụng mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị sản phẩm.

Thu hút đầu tư vào du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng là mũi nhọn tạo đột phá. Dự án khu du lịch suối nước nóng Kon Đào nếu được triển khai sẽ trở thành điểm nhấn, kết nối với thác Đăk Sing và các làng văn hóa dân tộc để hình thành tuyến du lịch đặc sắc;

Phát triển kinh tế lâm nghiệp và bảo vệ rừng bền vững, xã sẽ tiếp tục trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, gắn với khai thác hợp lý dịch vụ môi trường rừng, từng bước tăng độ che phủ rừng lên trên 54%.

Ông Bùi Tiến Lý, Bí thư Đảng ủy xã Kon Đào cho biết: “Chúng tôi xác định phát triển du lịch gắn với suối nước nóng là một hướng đi chiến lược và đột phá. Đây không chỉ là tiềm năng tự nhiên quý giá, mà còn là động lực giúp cải thiện hạ tầng, tạo sinh kế, gìn giữ bản sắc văn hóa và thu hút đầu tư cho địa phương”.

Song song đó, xã Kon Đào chú trọng cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số, hạ tầng số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi năng lượng để thích ứng với biến đổi khí hậu. Chính quyền sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong điều hành, dịch vụ công, đồng thời nâng cao chất lượng cán bộ thông qua đào tạo bài bản.

Một trong những đột phá nhân lực là tập trung quy hoạch, đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số có đủ phẩm chất, năng lực và tư duy đổi mới nhằm tạo lớp kế cận xứng đáng, nâng tầm phát triển của địa phương.

Ông Bùi Tiến Lý, Bí thư Đảng ủy xã Kon Đào nhấn mạnh: “Nhiệm kỳ 2025–2030 là thời kỳ bản lề, đòi hỏi toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Kon Đào phải đồng lòng, đổi mới tư duy, khát vọng vươn lên.

Chúng tôi xác định lấy người dân làm trung tâm, phát huy nội lực là yếu tố quyết định, kết hợp với các nguồn lực bên ngoài để phát triển bền vững. Từng cán bộ, đảng viên phải thực sự nêu gương, từng người dân phải ý thức rõ vai trò của mình trong sự phát triển của xã nhà”.

NGỌC HÒA

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/kinh-te/quang-ngai-xa-kon-dao-huong-toi-dot-pha-moi-tu-du-lich-sinh-thai-156631.html