Quảng Trị phát huy tối đa vùng đất địa linh, nhân kiệt, truyền thống lịch sử hào hùng
Sáng 27.7, trong chương trình công tác tại tỉnh Quảng Trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị về kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2025, phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, giải quyết các kiến nghị, đề xuất, tạo điều kiện, động lực cho Quảng Trị phát triển bứt phá.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Quảng Trị là mảnh đất địa linh, nhân kiệt, nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, Thủ tướng nhấn mạnh Quảng Trị có 74.041 Anh hùng liệt sĩ đã nằm lại, là nơi đau thương, mất mát lớn nhưng cũng rất vinh dự, tự hào. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là khác biệt không nơi nào có được, phải từ đau thương, mất mát để đứng dậy, vươn lên mạnh mẽ hơn, vượt qua giới hạn của chính mình.
Về điều kiện thiên nhiên, Quảng Trị có "nắng và gió" là 2 điều kiện rất khốc liệt trước đây, nhưng cũng là lợi thế hiện nay để phát triển năng lượng tái tạo.
Về địa lý, Quảng Trị là điểm hẹp nhất của đất nước nên có điều kiện dễ dàng để kết nối quốc tế; tất cả các phương thức giao thông vận tải của đất nước đều qua Quảng Trị với sân bay, cảng biển, đường sắt, đường sắt tốc độ cao, quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường bộ cao tốc Bắc-Nam, hệ thống đường thủy. Cùng với đó là điều kiện thuận lợi trong kết nối giữa hành lang kinh tế Bắc-Nam và hành lang kinh tế Đông-Tây, kết nối với các nền kinh tế trong khu vực.
"Quảng Trị không thiếu các tiềm năng phát triển. Nếu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị không phát huy để thoát nghèo, làm giàu thì có lỗi với dân tộc, có lỗi với nhân dân, có lỗi với hơn 76.000 liệt sĩ đã nằm xuống mảnh đất này', Thủ tướng chia sẻ.
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu vừa giữ ổn định chính trị-xã hội, vừa thúc đẩy phát triển, vừa chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, cùng cả nước đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 8,3-8,5% trong năm 2025.
Về quan điểm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng nêu rõ: "Việc suy nghĩ để khai thác, biến tiềm năng, lợi thế thành thế mạnh, hiện thực đều do chính người Quảng Trị; nên đã đoàn kết rồi thì cần đoàn kết hơn, đã cố gắng rồi thì cố gắng hơn, nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn, có hiệu quả rồi thì hiệu quả hơn nữa, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", đạt kết quả "cân, đong, đo, đếm" được".
Tỉnh cần phát huy tối đa truyền thống lịch sử hào hùng, tự tin, tự lực, tự cường, đoàn kết, thống nhất, vững bước "đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình", "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể; "nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn"; hành động quyết liệt, ưu tiên nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả nhất; làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó.
Triển khai công việc hiệu quả với tinh thần "6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền" và "3 có và 2 không": Có lợi cho Nhà nước, có lợi cho người dân, có lợi cho doanh nghiệp; và không có động cơ cá nhân, tham nhũng, tiêu cực và không để thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước, của nhân dân, tài nguyên của đất nước.
Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để chủ động hỗ trợ, đồng hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách thực chất, "nói đi đôi với làm"; huy động mọi thành phần kinh tế, doanh nghiệp, người dân tham gia phát triển KTXH.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Thủ tướng nhấn mạnh, Quảng Trị là khác biệt không nơi nào có được, phải từ đau thương, mất mát để đứng dậy, vươn lên mạnh mẽ hơn, vượt qua giới hạn của chính mình
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng trước hết yêu cầu tập trung rà soát, hoàn thiện, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự trong thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm vận hành thông suốt, trơn tru, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt nhất.
Quyết liệt, chủ động, tích cực thực hiện 4 nghị quyết "bộ tứ trụ cột" của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; về xây dựng và thực thi pháp luật; về phát triển kinh tế tư nhân; về hội nhập quốc tế. rà soát, quyết liệt triển khai các chỉ đạo theo Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyến thăm và làm việc mới đây tại tỉnh Quảng Trị.
Chuẩn bị, tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp, thành công cả về đường lối, nhân sự và bảo đảm an ninh, an toàn; xây dựng Đảng, hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả; nâng cao các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Tiếp tục hoàn thiện kế hoạch, quy hoạch để phát triển, huy động nguồn lực; chủ động rà soát quy hoạch phát triển của tỉnh Quảng Trị mới theo hướng tích hợp, liên kết vùng và phát huy lợi thế của hai tỉnh trước đây, bảo đảm sự phát triển hài hòa, nhịp nhàng, khả thi.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa, số hóa, dựa trên công nghiệp, dịch vụ, đột phá khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy mạnh mẽ các khu kinh tế, cửa khẩu, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao; nông nghiệp sạch, sinh thái; dịch vụ, du lịch chất lượng cao gắn với lịch sử, văn hóa đặc trưng, đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh.
Chú trọng, đầu tư phát triển giáo dục, y tế, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là cho các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đảm bảo an sinh xã hội, bảo đảm mức sống của người có công và gia đình từ trung bình khá trở lên; chú trọng phát triển nhà ở xã hội; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền trong tỉnh.
Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược (giao thông, năng lượng, đô thị, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, thể thao...), đẩy mạnh hợp tác công-tư; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các công trình, dự án lớn, góp phần tăng cường liên kết vùng và quốc tế, tham gia sâu các chuỗi cung, chuỗi giá trị.
Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu để bảo vệ các di tích, cảnh quan; bảo toàn các thành quả phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao môi trường sống.
Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hình thành các doanh nghiệp tư nhân lớn, nâng cao năng lực cho doanh doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, nhất là các dự án lớn.
Về một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng gợi ý nghiên cứu, lấy sân bay Quảng Trị làm trung tâm để nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch liên quan, phát triển khu vực giữa 2 con sông lớn trong tỉnh (sông Bến Hải phía bắc và sông Thạch Hãn phía nam) theo định hướng "4 trong 1" gồm khu đô thị sân bay, khu công nghiệp, khu khoa học công nghệ và khu dịch vụ, kết nối hành lang kinh tế Đông-Tây và hành lang kinh tế Bắc-Nam.
Cho ý kiến về các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng các dự án cụ thể với thứ tự ưu tiên phù hợp, khả thi, đồng thời rà soát, đề xuất xử lý các dự án vướng mắc, kéo dài.
Thủ tướng chỉ đạo hoàn thành dứt điểm dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, đường ven biển trên địa bàn; tập trung triển khai nhanh dự án cảng Mỹ Thủy đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư; đồng thời nghiên cứu quy hoạch, phát triển khu thương mại tự do, cảng chuyên dụng tại Mỹ Thủy; nghiên cứu tuyến đường sắt từ cảng Mỹ Thủy tới cửa khẩu Lao Bảo, kết nối với Lào, Thái Lan, đường sắt xuyên Á.
Để kết nối đường bộ giữa cảng Mỹ Thủy với cao tốc Bắc-Nam và 2 cửa khẩu Lao Bảo, La Lay, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Trị khẩn trương đầu tư với tuyến cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo theo phương thức đối tác công tư; đầu tư tuyến Quốc lộ 15D nối cảng Mỹ Thủy tới cửa khẩu La Lay dài 92 km với quy mô cao tốc 4 làn xe bằng nhiều hình thức đầu tư, nguồn vốn, gồm nguồn tăng thu tiết kiệm chi.