Quảng Ngãi: Xây dựng hệ sinh thái công dân số

Hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương tại Quảng Ngãi quan tâm đầu tư nhằm phục vụ phát triển hệ sinh thái công dân số.

Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), cơ sở dữ liệu về dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi dần được hoàn thiện và đưa vào khai thác phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội.

Tính đến tháng 8/2024, Công an tỉnh đã thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân cho trên 1,18 triệu trường hợp và 908 nghìn hồ sơ đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2, đạt 77,3%.

Toàn tỉnh đã kích hoạt trên 812 nghìn tài khoản định danh điện tử, đạt gần 90%. Riêng trong tháng 8/2024, lực lượng công an đã thu nhận hơn 15 nghìn hồ sơ cấp mới căn cước cho công dân.

Thông qua nguồn cơ sở dữ liệu về dân cư được xây dựng, hoàn thiện và đưa vào khai thác đã thúc đẩy triển khai các nhóm tiện ích nhằm hình thành công dân số, hoàn chỉnh hệ sinh thái số và phát huy nguồn tài nguyên số về dân cư.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng từng bước hoàn thiện hệ sinh thái số phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư.

Hệ thống thông tin của tỉnh đã kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác, sử dụng dịch vụ xác thực thông tin công dân khi giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến một cách thuận lợi.

Ngày càng có nhiều người lựa chọn thanh toán trực tuyến khi sử dụng các dịch vụ. Ảnh: BS

Ngày càng có nhiều người lựa chọn thanh toán trực tuyến khi sử dụng các dịch vụ. Ảnh: BS

Với sự tập trung đầu tư của Nhà nước và các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông của tỉnh đáp ứng tương đối tốt nhu cầu sử dụng phục vụ chuyển đổi số của người dân. Ngành viễn thông đã phủ sóng 100% sóng băng rộng di động và Internet ở tất cả các thôn trong tỉnh.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến. “Việc các cơ quan hành chính nhà nước đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến đã tạo thuận lợi cho công dân trong giải quyết các thủ tục hành chính. Qua đó, rút ngắn thời gian, công sức và tiền bạc của công dân”, chị Phạm Thị Yến Ngọc, ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) nhận định.

Số người trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử ngày một tăng. Xu hướng người dân thực hiện mua sắm, thanh toán trực tuyến ngày một phát triển. Đây là tín hiệu cho thấy chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên trụ cột xã hội số, trong đó trọng tâm là hình thành và phát triển hệ sinh thái công dân số.

Em Nguyễn Thị Nhi, ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) cho biết, em vừa trúng tuyển vào Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế. Tất cả các bước từ giấy thông báo trúng tuyển, giấy báo nhập học đến việc xác nhận nhập học đều được thực hiện trên môi trường điện tử. Bên cạnh đó, các khoản tiền nộp đầu năm học, đóng tiền ký túc xá... em đều thực hiện trực tuyến nên rất thuận tiện, nhanh chóng.

Hiện nay, nhiều đơn vị, cơ sở kinh doanh áp dụng hình thức thanh toán điện tử thay cho thanh toán trực tiếp. Nhiều cơ sở kinh doanh tạo mã QR để thuận lợi cho khách hàng khi thanh toán tiền. Không chỉ chuyển đổi số trong thanh toán, tiêu dùng, nhiều ứng dụng số được triển khai trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục... giúp người dân thay đổi cách tiếp cận, góp phần hình thành những công dân số.

Riêng trong lĩnh vực y tế, nhiều nền tảng số đã được triển khai như: Hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; quản lý tiêm chủng; hồ sơ sức khỏe điện tử... Các cơ sở y tế thực hiện kết nối liên thông giữa các cơ sở khám, chữa bệnh với hệ thống giám định của cơ quan BHXH; triển khai phần mềm quản lý thông tin bệnh viện, góp phần quản lý tốt công tác khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT...

Theo BÁ SƠN (Báo Quảng Ngãi)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/xay-dung-he-sinh-thai-cong-dan-so-2320412.html