Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh đẩy mạnh khai thác, phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Các địa phương như Quảng Ninh, Bắc Giang đang đẩy mạnh khai thác, phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bảo hiểm xã hội các tỉnh đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp; đặc biệt là tăng cường công tác thu, giảm nợ đọng, phát triển đối tượng tham gia…
Trên 260.000 người tham gia Bảo hiểm xã hội tại Quảng Ninh
Tại tỉnh Quảng Ninh, thống kê trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng số thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp toàn tỉnh Quảng Ninh đạt 2.990 tỷ đồng, tăng 53 tỷ đồng so với cùng năm 2021. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với một số sở, ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền thực hiện các chính sách pháp luật, giải đáp vướng mắc về chế độ chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội tự nguyện và pháp luật lao động, Luật Công đoàn, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Việc làm cho công nhân viên chức, lao động và người sử dụng lao động.
Đồng thời, phối hợp với Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc cung cấp thông tin, thực hiện rà soát dữ liệu để đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh, tổ hợp tác thực hiện tham gia bảo hiểm đầy đủ cho người lao động. Phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai công tác Bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên.
Để tăng cường thu hồi nợ bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện công tác thanh kiểm tra liên ngành tại các đơn vị sử dụng lao động. Tổ chức thanh tra đột xuất đối với các đơn vị chưa tham gia hoặc tham gia bảo hiểm chưa đầy đủ cho người lao động, nhằm kịp thời phát hiện để có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Trong đó, tập trung công tác thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, nợ đọng kéo dài. Tổ chức linh hoạt các hình thức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với các đơn vị nợ trên 3 tháng, doanh nghiệp giảm tiền lương đóng bảo hiểm. Kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ lập hồ sơ chuyển cơ quan Công an khởi tố theo quy định.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng đã giao chỉ tiêu thu, nợ bảo hiểm năm 2022 cho văn phòng và Bảo hiểm xã hội các huyện để triển khai thực hiện phối hợp với các ban, ngành, đơn vị liên quan trong công tác thu nợ; đôn đốc các đơn vị thực hiện nộp bảo hiểm đối với các đơn vị nợ bảo hiểm.
Từ việc tăng cường các giải pháp, đến hết tháng 6/2022, toàn tỉnh đã có 268.835 người tham gia Bảo hiểm xã hội, tăng hơn 10.400 người so với cùng kỳ 2021. Cũng theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2022, tổng số thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp toàn tỉnh đạt 2.990 tỷ đồng (tăng 53 tỷ đồng so với cùng năm 2021).
Đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 9 nghìn người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, nâng số người tham gia loại hình này lên gần 34,8 nghìn người, đạt hơn 86,7% kế hoạch năm 2022. Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang, nhiều người đã tham gia nhưng lại dừng đóng khi đến hạn nộp tiền. 8 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có hơn 5,7 nghìn người dừng đóng, trong đó Việt Yên (870 người), Hiệp Hòa (851 người)...
Bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề như: Từ ngày 1/7, khi Bảo hiểm xã hội tỉnh ký hợp đồng ủy quyền thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế với Bưu điện tỉnh, có huyện xảy ra tình trạng hồ sơ thu Bảo hiểm xã hội từ hệ thống bưu điện chuyển sang Bảo hiểm xã hội tỉnh chậm hơn so với trước đây. Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang yêu cầu các cơ quan, đơn vị, huyện, thành phố đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 08 - CT/TU ngày 2/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện giai đoạn 2021-2025, đồng thời tham mưu với các huyện ủy, thành ủy đánh giá một năm thực hiện chỉ thị này vào tháng 10 năm nay; Đồng thời, yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện tỉnh bám sát địa bàn được phân công theo dõi, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, nhất là tại địa bàn có số người tham gia tăng chậm;
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, cơ quan Bảo hiểm xã hội đẩy mạnh tư vấn, tuyên truyền, phổ biến chính sách Bảo hiểm xã hội đến các tầng lớp nhân dân; đưa nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội vào chỉ tiêu thi đua hằng năm; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng vận động, tuyên truyền cho đội ngũ nhân viên bưu điện làm nhiệm vụ thu Bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhất là kỹ năng tiếp xúc, giới thiệu chính sách, thuyết phục người dân tham gia.
Song song với đó, các đại lý thu Bảo hiểm xã hội tự nguyện phải bám sát địa bàn, khai thác tiềm năng của từng hộ, từng địa bàn để phát triển đối tượng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, đa dạng hình thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu chuyển tiền đóng vào quỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia.
Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, trong năm học 2021 - 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp chặt chẽ các địa phương, đơn vị liên quan để triển khai hiệu quả công tác Bảo hiểm y tế học sinh trên địa bàn toàn tỉnh. Thống kê đến ngày 25/7/2022, toàn tỉnh có 26.254 em học sinh có thẻ Bảo hiểm y tế do nhà nước cấp; tổng số học sinh tham gia Bảo hiểm y tế tại trường học là 227.489; tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế học sinh đạt 99,2%. Trong đó, có nhiều đơn vị triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm học nên đạt tỷ lệ 100% và theo đúng tiến độ các đợt triển khai như: thị xã Hồng Lĩnh, Nghi Xuân, Vũ Quang, Lộc Hà.
Từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022, toàn tỉnh có 164.832 lượt học sinh đi khám chữa bệnh với chi phí quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán là 85,3 tỷ đồng; trong đó, nhiều em đã được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng. Chính sách Bảo hiểm y tế đã góp phần giúp các gia đình giảm chi phí y tế; giúp nhiều học sinh khó khăn có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế tiên tiến, chữa lành bệnh tật và sớm trở lại trường học.
Trong năm học 2022 - 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu 100% học sinh tham gia Bảo hiểm y tế theo quy định của Quyết định 546/QĐ-TTg ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Để thực hiện mục tiêu đó, các đơn vị liên quan sẽ tăng cường công tác phối hợp; chỉ đạo cơ sở, trường học trên địa bàn; đồng thời, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh về tầm quan trọng của Bảo hiểm y tế học sinh.
Nhật Khôi