Quảng Ninh cán đích sớm thu hút vốn đầu tư trong nước, tiếp tục 'dọn tổ' đón FDI
Với vai trò là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, Quảng Ninh đang là 'thỏi nam châm' thu hút khối nguồn lực và vốn đầu tư lớn.
Điểm sáng thu hút FDI
Năm 2023, Quảng Ninh thực hiện chủ đề công tác năm “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Quảng Ninh đã phối hợp với các bộ, ngành trung ương tổ chức các hội nghị quy mô cấp quốc gia, cấp vùng gắn với các hoạt động xúc tiến đầu tư. Tỉnh cũng hoàn thành ban hành Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2023 và triển khai xây dựng Đề án thu hút nhà đầu tư FDI lớn, có thương hiệu vào tỉnh.
Cụ thể, tỉnh đã tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới vào các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT), trọng điểm là KKT ven biển Quảng Yên, KKT cửa khẩu Móng Cái; ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, đóng góp lớn cho ngân sách.
Đồng thời, xây dựng các giải pháp, chiến lược xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn kinh tế nước ngoài lớn, có thương hiệu và uy tín.
Tỉnh đã đón tiếp và làm việc với các tập đoàn, nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư vào KCN, KKT trên địa bàn tỉnh như: Tập đoàn Lite-On Technology, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Đoàn doanh nghiệp điện tử Đài Loan (Trung Quốc), Tập đoàn Adani và Công ty TNHH Mitsubishi Corporation Việt Nam…
Cùng với đó, Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo hoàn thành các quy hoạch, kế hoạch, nhất là quy hoạch chung, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu và kế hoạch sử dụng đất đai, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đất đai, đầu tư, xây dựng. Nhờ đó, đã thu hút các nhà đầu tư quan tâm, triển khai đầu tư các dự án, nhất là tại các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh.
Nhờ đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã hoàn thành gần xong mục tiêu cả năm về thu hút đầu tư với kết quả đạt 83% chỉ tiêu về vốn FDI và 102,4% chỉ tiêu về vốn trong nước.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng vốn FDI 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh ước đạt gần 832,17 triệu USD, đạt 83% chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy (ít nhất 1,0 tỷ USD), đạt 69,3% kế hoạch của UBND tỉnh (đạt 1,2 tỷ USD).
Số dự án FDI được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 17 dự án, cao gấp 2,5 lần cùng kỳ, chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (trong đó có 2 dự án quy mô lớn với vốn đầu tư trên 100 triệu USD) thực hiện tại địa bàn các KCN, KKT.
Bên cạnh việc tiếp tục thu hút FDI từ các nhà đầu tư thuộc thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh đón nhận dòng vốn của nhà đầu tư đến từ Thụy Điển, góp phần làm đa dạng đối tác đầu tư của tỉnh, nâng tổng số đối tác đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh từ 19 lên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Đặc biệt, chỉ trong 6 tháng, Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu đặt ra của cả năm 2023 về thu hút vốn đầu tư trong nước. Cuối tháng 6/2023, tổng vốn thu hút đầu tư trong nước 6 tháng đầu năm của tỉnh ước đạt 44.017,15 tỷ đồng, bằng 102,4% kế hoạch năm của UBND tỉnh (43.000 tỷ đồng), tăng 29,8% cùng kỳ (33.923 tỷ đồng).
Trong đó có một số dự án lớn như Nhà máy hóa dầu Stavian Quảng Yên tại KKT ven biển Quảng Yên do Công ty CP Hóa dầu Stavian Quảng Yên đề xuất với tổng vốn đầu tư dự kiến là 36.034,94 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng lỏng Yên Hưng 792 tỷ đồng...
"Dọn tổ" đón "đại bàng"
Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Hồng Biên cho hay, năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút khoảng 1,2 tỉ USD vốn FDI.
Để hoàn thành mục tiêu nói trên, Quảng Ninh đã có quyết định 1761/QĐ-UBND để thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhà đầu tư.
Tổ công tác có nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo việc tiếp cận, nắm bắt, tiếp nhận thông tin, tổng hợp, xử lý các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và nhà đầu tư có dự án trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là theo dõi, đôn đốc quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; kịp thời đề xuất khen thưởng, kỷ luật các tổ chức, cá nhân vi phạm, gây khó khăn.
Tổ công tác còn có quyền yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan thuộc tỉnh và UBND các địa phương cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện, cử cán bộ và giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc.
Trong quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục coi trọng nguồn lực đầu tư nước ngoài và sẽ thực hiện nhiều giải pháp để đưa nguồn lực này trở thành động lực phát triển quan trọng của địa phương.
Thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục đưa ra các chính sách, biện pháp thu hút đầu tư hấp dẫn để thu hút dòng vốn FDI.
Tỉnh cam kết thực hiện đầu tư, hoặc chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tổ chức xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào dự án như: Đường giao thông, hệ thống cung cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, các điểm đấu nối kỹ thuật với các công trình kết cấu hạ tầng trong hàng rào dự án; quy hoạch và bố trí các quỹ đất để kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng xã hội, khu nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho công nhân trong KCN, KKT.
Đồng thời, tỉnh sẽ hỗ trợ tuyển dụng lao động và đào tạo nghề đối với lao động làm việc trong KCN, KKT; giải quyết thủ tục hành chính với thời gian nhanh nhất, hiệu quả nhất; luôn đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt quá trình nghiên cứu, triển khai đầu tư và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: "Tỉnh tiếp tục tăng cường mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nghiên cứu đầu tư vào các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất linh kiện điện tử; công nghiệp phụ trợ ô tô; cảng biển; dịch vụ logistics; nông nghiệp xanh, sạch thân thiện môi trường... Hiện quỹ đất công nghiệp của tỉnh còn rất lớn, đủ đáp ứng cho các nhà đầu tư".