Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm vận dụng thể chế pháp luật để phát triển kinh tế - xã hội
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn nêu một số kinh nghiệm vận dụng thể chế pháp luật để khai thác nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 16/9, tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn nêu một số kinh nghiệm vận dụng thể chế pháp luật để khai thác nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, để khai thác nguồn lực phát triển kinh tế- xã hội, tỉnh đã và đang vận dụng hiệu quả thể chế pháp luật, cả hệ thống chính trị Quảng Ninh vào cuộc, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất... Tỉnh đổi mới tư duy, nhận thức, xây dựng mô hình phát triển đột phá như đề xuất thành lập Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh, đề xuất thành lập Ban Quản lý khu kinh tế Vân Đồn.
Xây dựng mô hình và vận dụng sáng tạo hình thức đối tác công- tư (PPP) để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng đồng bộ; mạnh dạn đổi mới công tác xúc tiến và quản lý đầu tư; thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã nêu lên những vướng mắc của tỉnh về mặt thể chế, đó là hệ thống pháp luật nhìn chung còn cồng kềnh, phức tạp, thiếu đồng bộ, tính ổn định chưa cao; một số quy định chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, khó đi vào cuộc sống.
Một số quy định của pháp luật và quy chế của Trung ương ban hành chưa theo kịp với yêu cầu phát triển, không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được đổi mới, thay thế; có những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng thiếu quy định pháp lý như mô hình thí điểm "cơ quan tham mưu, giúp việc chung trong khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp huyện" (vướng mắc trong sử dụng ngân sách và chế độ quản lý tài chính).
Nhiều vấn đề được tổ chức thực hiện trong thực tiễn có hiệu quả nhưng chậm được tổng kết, đánh giá bổ sung vào lý luận và điều chỉnh các quy định pháp luật. Các khó khăn, kiến nghị của địa phương chậm được xử lý, tháo gỡ; nhất là những đề xuất, kiến nghị có tính đổi mới, đột phá.
*Hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách đồng bộ, ổn định, minh bạch
UBND tỉnh Quảng Ninh kiến nghị, đề xuất với Quốc hội tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) theo hướng rà soát nhiệm vụ, quyền hạn để phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ và các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương.
Trong đó, đối với các địa phương được xác định là đầu tầu kinh tế trọng điểm cần có các cơ chế, chính sách đặc thù mở rộng phân cấp, tăng quyền chủ động cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, quản lý nguồn vốn, quản lý đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài, quản lý đất đai...; chính sách tái phân phối nguồn thu thuế xuất nhập khẩu để đầu tư hạ tầng giao thông thiết yếu tại khu vực cửa khẩu, biên giới tạo đòn bẩy để các địa phương chủ động, phát triển trở thành những điểm đột phá về tăng trưởng kinh tế đóng góp cho vùng và đất nước.
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách đồng bộ, ổn định, minh bạch cho sự phát triển các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, nhất là các hình thức sở hữu mới, loại hình doanh nghiệp mới, các loại sản phẩm mới, cho khởi nghiệp đối mới, sáng tạo.
Có cơ chế chính sách khuyến khích đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn trong nước có vai trò đầu tàu, đi đầu đổi mới công nghệ, có năng lực cạnh tranh quốc tế; cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng hiện đại và chất lượng cao.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương tập trung rà soát, xem xét việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu thực tiễn để chủ động đề xuất các lĩnh vực cần ưu tiên trong xây dựng, hoàn thiên hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật theo những nội dung định hướng trong các văn kiện của Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy về từng lĩnh vực cụ thể.
Chính phủ sớm phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; ban hành các bộ tiêu chí nông thôn mới cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh theo các cấp độ đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu; sớm ban hành Bộ tiêu chí và Quy định Tỉnh đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2030.
Đẩy mạnh thực hiện chiến lược biên giới, biển đảo, tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng ở tuyến biên giới, biển đảo vững mạnh hơn, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Trong đó, chỉ đạo triển khai Dự án đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long; thực hiện nâng cấp cải tạo Quốc lộ 4B đoạn Lạng Sơn - Mũi Chùa (Quảng Ninh); tiếp tục triển khai xây dựng hoàn thành việc nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân để phát huy hiệu quả liên kết vùng.../.