Quảng Ninh: Công an hóa trang, ghi hình xử lý học sinh đi xe máy độ, chế
Hơn 1 năm qua, Đội CSGT - trật tự (Công an TP Hạ Long, Quảng Ninh) đã xử lý hơn 1.200 trường hợp thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm giao thông.
Sinh năm 2008, chưa đủ 16 tuổi nhưng em T.T.H., học sinh một trường THCS trên địa bàn TP. Hạ Long (Quảng Ninh) đã được gia đình giao cho xe mô tô dung tích động cơ 100 cm3 để tham gia giao thông.
Khi lực lượng CSGT - trật tự, Công an TP Hạ Long kiểm tra, em H. chưa đến tuổi để được cấp giấy phép lái xe. Trong khi đó, chiếc xe đã độ còi, đèn, ống xả.
Đặc biệt, vết mòn bất thường ở chắn bùn sau xe này chứng tỏ chiếc xe nhiều lần bị điều khiển bốc đầu.
Khi được hỏi lý do xe chắn bùn xe này mòn và rách, em H. vô tư trả lời: "Mấy anh cháu mượn xe, ép số để đầu xe nhấc lên".
H. chỉ là một trong số hàng nghìn trường hợp thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm giao thông đã được Đội CSGT - trật tự, Công an TP Hạ Long xử lý thời gian qua.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Trung tá Võ Quang Hòa, Đội trưởng Đội CSGT - trật tự, Công an TP Hạ Long cho biết: Theo Luật Giao thông đường bộ, trẻ em từ 16 tuổi được phép sử dụng xe máy có dung tích dưới 50 cm3 tham gia giao thông mà không cần giấy phép lái xe.
Đối với xe máy có dung tích trên 50 cm3, người điều khiển phải đủ 18 tuổi trở lên và bắt buộc phải có giấy phép lái xe.
"Song thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh vẫn giao xe máy có dung tích trên 50cm3, thậm chí cả xe phân khối lớn cho con em tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe", Trung tá Hòa cho hay.
Một phụ huynh khi được lực lượng CSGT mời lên làm việc sau khi con vi phạm giao thông cho biết, muốn mua xe máy cho con "bằng bạn bằng bè".
"Khi mua xe cho con, tôi cũng quán triệt không được lạng lách, đánh võng, đua xe. Tuy nhiên, cháu nghe lời bạn bè rủ rê nên mới thực hiện hành vi vi phạm. Giờ tôi sẽ tịch thu xe để cháu đi xe máy điện", phụ huynh này nói.
>>> Video: Chiếc xe đã được độ, chế của một học sinh vi phạm:
Theo Trung tá Võ Quang Hòa, đáng lo ngại hơn, việc xử lý học sinh đi xe máy có nhiều khó khăn. Bởi các em biết mình vi phạm, đều chưa có giấy phép lái xe nên có xu hướng tăng ga bỏ chạy khi thấy bóng dáng CSGT. Đây là hành vi rất nguy hiểm đối với bản thân các em và đối với người đi đường.
Để xử lý hiệu quả vi phạm này, Công an TP Hạ Long đã tổ chức hóa trang, ghi hình, thu thập bằng chứng vi phạm, phối hợp với công an các xã, phường đến tận trường học nơi cư trú để xử lý răn đe, giáo dục hoặc mời người giám hộ và thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm đến trụ sở công an để làm việc.
Từ năm 2022 đến nay, Đội CSGT - trật tự, Công an TP Hạ Long đã xử lý hơn 1.200 trường hợp thanh thiếu niên học sinh vi phạm giao thông trên địa bàn. Đồng thời, đã gửi thông báo đến các nhà trường và gia đình cùng phối hợp quản lý giáo dục.
Công an TP. Hạ Long cũng đã phối hợp với Phòng Giáo dục thành phố tổ chức ký cam kết với các trường học trên địa bàn về việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, xử lý đối với người giao xe cho người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện.
"Tuy nhiên, để không còn tái diễn những vi phạm như thế này, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả hơn từ gia đình và nhà trường", Trung tá Hòa khuyến cáo.