Quảng Ninh đảm bảo ATGT đường thủy nội địa trong mùa mưa, bão
Với vùng biển rộng, đường thủy nội địa đa dạng, có hàng ngàn phương tiện thủy, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn có những cách làm hiệu quả, sáng tạo để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT).
Lên tàu, xuống thuyền vận động nhân dân phòng, chống bão
Chiều 22/7, khi thông tin bão số 2 sắp đổ bộ vào địa bàn, tổ công tác của Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Hòn Gai sử dụng xuồng máy phối hợp với các lực lượng khác đến các khu neo, đậu tàu, thuyền ở ven vịnh Hạ Long để kiểm tra công tác phòng, chống bão.
Trung tá Nguyễn Thanh Hoàng, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Gai cho biết, là địa phương ven biển, Quảng Ninh có hệ thống đường thủy nội địa rất đa dạng và có khoảng hơn 7.000 phương tiện thủy, nhà bè nuôi trồng thủy sản trên sông, biển.
Trong đó, trên địa bàn TP Hạ Long có khoảng 1.400 tàu, thuyền, gồm 505 tàu du lịch, 725 tàu cá và 200 tàu vận tải đang hoạt động trên biển.
"Đơn vị có nhiệm vụ phối hợp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trên biển tại địa bàn TP Hạ Long, TX Quảng Yên. Mỗi khi có tin bão đổ bộ vào hướng Quảng Ninh, đơn vị đều cử các tổ công tác khẩn trương xuống địa bàn để nắm tình hình.
Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn chủ tàu, thuyền nhanh chóng di chuyển về vị trí đảm bảo an toàn để tránh, trú...", trung tá Hoàng cho hay.
Đang chằng lại mấy thiết bị trên tàu ở khu bến cá Cái Xà Cong tại phường Hà Phong, TP Hạ Long, anh Nguyễn Viết Trung, chủ một tàu đánh bắt thủy sản cho biết, nghe thông tin từ đài báo bão số 2 sẽ sớm đổ bộ vào Quảng Ninh cùng với các chú bộ đội, công an gọi loa nhắc nhở, anh liền cho tàu quay về bến để đảm bảo an toàn.
"An toàn là quan trọng nhất, các lực lượng chức năng ở đây nhắc nhở ngư dân về tình hình mưa bão thường xuyên", anh Trung cho biết.
Từ sáng 22/7, Hải đội 2 thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã cử các tổ công tác cùng các đồn biên phòng kịp thời nắm bắt thông tin về phương tiện tàu, thuyền đang làm ăn trên vùng biển để thông báo về tình hình bão số 2 cũng như khu vực neo đậu, tránh trú bão gần nhất.
Đối với các phương tiện ở xa, lực lượng biên phòng sẽ tổ chức bắn pháo hoa để kêu gọi nhanh chóng di chuyển đến khu vực an toàn.
Trung tá Phạm Hồng Tuyến, Chính trị viên Hải đội 2 Biên phòng cho biết: Cùng với công tác vận động, tuyên truyền, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, đơn vị còn chuẩn bị sẵn sàng lực lượng để cơ động ứng phó kịp thời với các tình huống xảy ra trên biển.
Không để bị động, bất ngờ trước giông, bão lớn
Để đảm bảo trật tự ATGT đường thủy, nhất là trong mùa mưa bão, các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh luôn sớm chủ động triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, người dân, du khách khi tham quan trên tuyến đảo.
Trước hết, lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã tập trung rà soát, đánh giá và kiểm tra chặt chẽ các tuyến đường thủy nội địa, bến thủy hàng hóa, bến phà, đò vận chuyển hành khách ngang sông để chấn chỉnh kịp thời những nguy cơ mất ATGT.
Đặc biệt là đã chủ động đầu tư hàng tỷ đồng cho hạ tầng về luồng, tuyến, hạ tầng cảng, bến và vùng nước trước bến, hệ thống phao neo, khu tránh, trú bão. Lực lượng chức năng cũng thường xuyên thông tin về vị trí neo đậu, tránh trú bão an toàn cho chủ phương tiện, ngư dân làm ăn trên biển.
Nhằm triển khai có hiệu quả phong trào "người đi đò mặc áo phao", Công an tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức tặng áo phao cho một số hộ ngư dân, học sinh nghèo tại một số xã, phường, thị trấn ven biển ở huyện Hải Hà, TX Quảng Yên, huyện Vân Đồn...
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh cũng thường xuyên kiểm tra phương tiện, người điều khiển, rà soát về điều kiện an toàn kỹ thuật, phòng cháy, chữa cháy, phao cứu sinh...
Các số điện thoại trực ban của lực lượng chức năng trên tuyến biển cũng được công bố để bà con ngư dân, chủ phương tiện chủ động liên lạc kịp thời khi cần cứu hộ, cứu nạn.
Trung tá Nguyễn Văn Thìn, Thủy đội trưởng, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, cách làm hiệu quả nhất chính là tự mỗi cá nhân, tập thể phải nâng cao năng lực phòng, chống.
Do đó, đơn vị đã thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp, nhất là đơn vị vận tải khách du lịch tổ chức tập huấn cho thủy thủ, thuyền viên về kỹ năng xử lý tình huống tại chỗ khi gặp giông bão; yêu cầu các thủy thủ, thuyền viên ký cam kết chấp hành nghiêm mọi quy định của pháp luật về ATGT đường thủy.
Đối với các vi phạm thì lực lượng chức năng cương quyết xử lý để đảm bảo tính răn đe. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng Quảng Ninh đã xử lý 522 trường hợp vi phạm giao thông đường thủy với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng. Các lỗi chủ yếu là về trang bị không đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn...