Quảng Ninh: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả tích cực

Thời gian qua, việc triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chú trọng thực hiện với sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị xã hội.

Báo cáo từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết, từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo tại Quảng Ninh tăng mạnh qua các năm. Năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 48%, trong đó qua đào tạo nghề là 38%, đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 85%, trong đó tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ bằng cấp đạt 45,5%.

Quảng Ninh đang thu được nhiều trái ngọt từ đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Quảng Ninh đang thu được nhiều trái ngọt từ đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 42 cơ sở đào tạo nghề nghiệp gồm (7 trường cao đẳng; 1 trường trung cấp; 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên; 2 trường đại học và 19 đơn vị gồm các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp). Trong giai đoạn 2010-2020, toàn tỉnh đã tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 20.229 lao động, đạt 58,02% tổng số lao động được hỗ trợ đào tạo nghề. Tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho 14.614 lao động, chiếm 41,91% tổng số lao động được hỗ trợ đào tạo nghề.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, người lao động sau học nghề đã biết tiếp cận và vận dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ. Một số lao động có tay nghề đã được nhận vào làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình đã xây dựng được những mô hình sản xuất hiệu quả, có năng suất và thu nhập cao.

Đặc biệt, đến nay, chất lượng lao động ở các vùng nông thôn ngày càng đa dạng, thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững. Ước thực hiện năm 2020 là 29.882/34.414 lao động có tay nghề đạt hiệu quả sau đào tạo, bằng 86,83% so với số lao động được hỗ trợ đào tạo, vượt chỉ tiêu so với đề án đặt ra là 6,83%.

Thành quả nổi bật sau gần 10 năm thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tỉnh Quảng Ninh ghi nhận đó là tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề đạt và vượt mục tiêu đề ra. Chất lượng lao động đã có bước cải thiện đáng kể, giúp người lao động, nhất là người lao động thuộc nhóm đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, người nghèo, cận nghèo được tiếp cận khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề. Nhận thức về công tác đào tạo nghề đã có những thay đổi, nhất là trong đào tạo nghề nông nghiệp, hướng vào đào tạo có trọng tâm, trọng điểm, gắn với quy hoạch sản xuất và xây dựng nông thôn mới. Một số địa phương đã tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên đối tượng đào tạo là những nông dân nòng cốt, lao động nằm trong vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có liên kết sản xuất với doanh nghiệp...

Tuy nhiên, đến nay công tác đào tạo lao động nông thôn của Quảng Ninh vẫn còn một số hạn chế, nhất là trước đòi hỏi phát triển của kinh tế, xã hội trong tình hình mới. Trong đó, như: việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tham gia vào lĩnh vực dạy nghề còn hạn chế, một số cơ sở đào tạo quan tâm tuyển sinh đầu vào nhưng chưa quan tâm đến nhu cầu của thị trường lao động cần tuyển dụng, dẫn đến chất lượng đào tạo hạn chế, một bộ phận lao động nông thôn chưa thực sự cố gắng vươn lên, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn...

Những hạn chế nêu trên được cho là do trong tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành liên quan, chưa huy động được sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và doanh nghiệp, chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý ở một số lớp học, ở một số địa phương có lúc chưa cao...

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông thôn trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - cho biết, UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc tham mưu cho cấp ủy về nội dung này; kiện toàn ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, gắn trách nhiệm đối với từng thành viên; tiếp tục rà soát, bổ sung cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Theo đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh được giao chủ trì phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tổng điều tra, rà soát chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, báo cáo UBND tỉnh hết tháng 12/2020. Riêng Sở Giáo dục và Đào tạo được đề nghị chủ trì rà soát lại hoạt động của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ở các địa phương; các cơ sở dạy nghề cần chủ động rà soát, liên kết với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo.

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động nông thôn; chuyển mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu của người học, của thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, từng vùng, từng địa phương.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-ninh-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-dat-hieu-qua-tich-cuc-149593.html