Quảng Ninh: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số
Theo kết quả được Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ công bố hàng năm, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index). Phát huy kết quả này, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số, tạo sự thuận lợi và hài lòng hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, qua đó góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những năm qua, Quảng Ninh nổi bật là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt: Giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Kết quả này là minh chứng khẳng định những chủ trương, quyết sách chiến lược của tỉnh Quảng Ninh trên hành trình chuyển đổi mạnh mẽ của mô hình tăng trưởng mới được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ tỉnh (2010-2015), cụ thể hóa 3 khâu đột phá chiến lược của tỉnh là hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, Quảng Ninh đã ưu tiên dồn nguồn lực quyết tâm xây dựng một nền hành chính hiệu quả, thống nhất, tập trung, hiện đại, tương xứng với tiềm năng cũng như tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm 2013 được xem là dấu mốc quan trọng của tỉnh Quảng Ninh trên tiến trình cải cách hành chính. Đầu năm 2013 tỉnh Quảng Ninh ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Đề án xây dựng chính quyền điện tử và trung tâm hành chính công đồng thời tỉnh cũng quyết định thành lập và đưa vào hoạt động mô hình trung tâm hành chính công tỉnh và 5 trung tâm hành chính công cấp huyện (Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Cẩm Phả, Vân Đồn). Mô hình thí điểm trung tâm hành chính công là bước cụ thể hóa quan trọng đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh trong chiến lược đẩy mạnh cải cách hành chính thu hút nguồn lực đầu tư vào tỉnh, đây cũng là mô hình thí điểm đầu tiên trong cả nước thực hiện dịch vụ trong việc giải quyết các TTHC của các cơ quan Nhà nước đối với tổ chức và người dân.
Sau hơn 10 năm triển khai và kiên trì xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp chính quyền địa phương và của cả hệ thống chính trị nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đạt những bước đột phá trong công tác cải cách hành chính. Toàn bộ quy trình giải quyết TTHC được thực hiện “5 bước tại chỗ”, “5 bước trên môi trường điện tử” thông qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và được xây dựng quy trình đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết; trên 77% hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến; 100% phí, lệ phí được thanh toán không dùng tiền mặt... Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc toàn trình cả 3 cấp đạt trên 82%, gấp 1,5 lần trung bình toàn quốc...
Nhờ tích cực cải cách, thời gian giải quyết TTHC của tỉnh Quảng Ninh hiện được cắt giảm từ 40-60% so với quy định của Trung ương. Đặc biệt, một số thủ tục liên quan trực tiếp đến hoạt động thu hút đầu tư như chấp thuận chủ trương, phê duyệt địa điểm đầu tư... được cắt giảm trên 70% thời gian, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Hiện 100% số TTHC ở cấp tỉnh đủ điều kiện (tương đương 1.367 thủ tục) đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 908 thủ tục được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Những nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong công tác cải cách hành chính, nhất là trong lĩnh vực cải cách TTHC đã được Chính phủ ghi nhận xứng đáng. Theo kết quả được Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố hàng năm, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index). Theo đó, năm 2023, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số SIPAS và Chỉ số PAR Index với kết quả lần lượt là 90,61% và 92,18%. Với kết quả này, tỉnh Quảng Ninh đã có 5 năm liên tục giữ vị trí dẫn đầu Chỉ số SIPAS (2019-2023) và 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số PAR Index cả nước (từ năm 2017 đến năm 2020 và 2022 - 2023).
Phát huy kết quả này, tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, tạo sự thuận lợi và hài lòng hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, qua đó góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, thời gian qua, Trung tâm Hành chính công các cấp tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chú trọng cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số. Nổi bật là đẩy mạnh triển khai việc giải quyết TTHC theo quy trình 5 bước trên môi trường điện tử (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả). Trong tháng 9/2024, kết quả thực hiện số hóa hồ sơ và trả kết quả bản điện tử đạt trên 99%.
Việc giải quyết TTHC theo quy trình 5 bước trên môi trường điện tử (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả) gắn với áp dụng chữ ký số trong tất cả các bước giải quyết không chỉ giúp giảm chi phí, thời gian giao dịch, tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC theo hướng thuận tiện, nhanh chóng, cắt giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; mà còn tạo sự công khai, minh bạch trong cơ chế kiểm tra, giám sát, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, quan liêu...
Hiện nay, các Sở, ban, ngành tỉnh Quảng Ninh cung cấp 1.000 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 628 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 62,8%) và 372 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần (đạt 37,2%). Cấp huyện cung cấp 200 dịch vụ công trực tuyến, trong đó 97 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 48,5%) và 103 dịch vụ công trực tuyến một phần (đạt 51,5%). Cấp xã cung cấp 78 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 31 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 39,7%), 47 dịch vụ công trực tuyến một phần (đạt 60,3%).
Trong tháng 9/2024, số hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh là 5.819/5.863 hồ sơ (đạt 99,2%); cấp huyện là 15.163/15.212 hồ sơ (đạt 99,7%), cấp xã là 12.259/12.285 hồ sơ (đạt 99,8%); tiền phí, lệ phí giải quyết TTHC qua các hình thức không dùng tiền mặt đạt 100%.
Để tiếp tục tạo sự tiện lợi cho người dân trong thực hiện TTHC, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh cùng doanh nghiệp công nghệ triển khai mô hình “Tự động hóa Trung tâm Phục vụ hành chính công thông qua tương tác kiosk” đối với 29 TTHC của 3 cấp chính quyền. Khi mô hình này chính thức đưa vào vận hành tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, người dân có thể sử dụng kiosk này đăng nhập tài khoản dịch vụ công qua VNeID hoặc số căn cước, nộp thủ tục trực tuyến. Kết quả TTHC sẽ được chuyển về bằng đường bưu điện hoặc kết quả bản điện tử được chuyển vào tài khoản dịch vụ công của người dân.
Việc nỗ lực phổ cập hạ tầng số trên toàn tỉnh Quảng Ninh cũng góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết TTHC ở những địa phương biên giới, miền núi. Đơn cử như huyện biên giới Bình Liêu, nhờ việc phổ cập sóng di động 4G (đạt 100%) và điện thoại thông minh (đạt 70%), người dân đã quen với việc sử dụng điện thoại thông minh trong quy trình giải quyết TTHC.
Theo ông Vi Ngọc Nhất, Giám đốc Trung tâm hành chính công huyện Bình Liêu: 100% người dân khi đến Trung tâm hành chính công huyện, hay Bộ phận một cửa cấp xã đều biết sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện các TTHC, trong đó nổi bật là dùng điện thoại để tra cứu thủ tục và đăng nhập vào tài khoản cổng dịch vụ công quốc gia qua ứng dụng VNeID, sử dụng ứng dụng cung cấp thông tin thay cho giấy tờ như căn cước hay thông tin gia đình.
Còn tại thành phố Hạ Long, thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh, công tác đẩy mạnh cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số được thực hiện song song cùng với thực hiện Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 23/3/2022 của UBND thành phố "Về thực hiện chuyển đổi số toàn diện thành phố Hạ Long giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030". Tính đến thời điểm này, thành phố Hạ Long đã cơ bản hoàn thành 33/34 nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch CCHC.
Theo đó, 100% hồ sơ TTHC được số hóa khi tiếp nhận và công bố kết quả giải quyết TTHC bản điện tử; tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 99,96% (tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2023); Kết quả tỷ lệ giải quyết dịch vụ công trực tuyến tại thành phố đạt 99,7%, cấp xã đạt 97,9%. Trung tâm Hành chính công thành phố đã số hóa đầu vào gần 36.000 hồ sơ, đạt 99,7% tổng số hồ sơ tiếp nhận mới; số hóa 36.394 kết quả giải quyết, đạt 99,7% tổng số hồ sơ đã giải quyết.
100% người đứng đầu các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường sử dụng chữ ký số; 100% các văn bản được giao việc trên Chính quyền điện tử; 99,8% hồ sơ TTHC giải quyết trên môi trường mạng, 100% kết quả đủ điều kiện được ký số. Đến nay 91,7% văn bản đi được ký số chữ ký cá nhân. Mức độ hài lòng đạt 18/18 điểm, tỷ lệ hài lòng trong phản ánh kiến nghị đạt 100%; tỷ lệ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết TTHC đạt 100%.
Tỷ lệ khai thuế điện tử đối với doanh nghiệp, tổ chức đạt 99%; tỷ lệ nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp, tổ chức đạt 99%; tỷ lệ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thuế có tài khoản giao dịch thuế điện tử và kê khai thuế điện tử đạt 100%. 9 tháng năm 2024, việc nộp thuế điện tử đối với cá nhân trên thiết bị di động được triển khai hiệu quả. 4.350 lượt tài khoản đăng ký sử dụng ứng dụng eTax Mobile; 23.702 lượt giao dịch nộp thuế thành công qua eTax Mobile; số tiền nộp thuế thành công qua app Mobile đạt 97,8 tỷ đồng.
Đặc biệt, thành phố Hạ Long là đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện trả thông báo thuế điện tử lĩnh vực đất đai kết hợp với thanh toán qua cổng dịch vụ công quốc gia; giúp cắt giảm khâu, bước giải quyết TTHC; tạo môi trường số để tổ chức, công dân giải quyết được nhanh chóng, thuận tiện.
Xác định việc chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giải quyết TTHC. Qua đó góp phần quan trọng để tỉnh tiếp tục đạt mục tiêu trong lộ trình chuyển đổi số toàn diện như Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đề ra.