Quảng Ninh: Giải pháp xử lý hàng triệu phao xốp sau chuyển đổi
Sau thực hiện thay thế phao xốp sang phao nhựa HDPE trong nuôi trồng thủy sản (NTTS), toàn tỉnh Quảng Ninh có hàng triệu quả phao xốp phải xử lý.
Bài toán khó
Toàn tỉnh Quảng Ninh có hơn 6,85 triệu quả phao xốp được sử dụng trong NTTS, tập trung tại các địa phương như: Vân Đồn, Cẩm Phả, Tiên Yên, Đầm Hà,… Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai chủ trương chuyển đổi phao xốp trong NTTS sang phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường, tỷ lệ chuyển đổi đã đạt trên 99%.
Riêng tại huyện Vân Đồn, số lượng phao xốp sau chuyển đổi là hơn 2 triệu quả, được tập kết tạm thời tại khu vực cảng cá Cái Rồng (thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn).
Theo ông Đặng Ngọc Thiết, Trưởng bộ phận cảng bến thuộc Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Vân Đồn, việc tập kết hơn 2 triệu quả phao xốp tại cảng cá Cái Rồng không chỉ chiếm nhiều diện tích khai thác của cảng cá mà còn ảnh hưởng tới các công tác vệ sinh môi trường, phòng chống cháy… Quá trình phao xốp được tập kết tạm tại cảng có thể bị phát tán ra môi trường và tiềm ẩn nguy cơ gây cháy cao...
Thực tế, vào ngày 4/5/2023, bãi chứa phao xốp tạm tại cảng Cái Rồng đã xảy ra cháy lớn. Huyện Vân Đồn đã huy động tối đa lực lượng cùng trang thiết bị tham gia chữa cháy và phải mất khoảng 1 tiếng đồng hồ thì đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn.
“Hàng ngày, Trung tâm phải thành lập đội giám sát túc trực 24/24 cùng hệ thống camera giám sát để kịp thời ngăn chặn mọi nguy cơ có thể xảy ra cháy một lần nữa”, ông Đặng Ngọc Thiết cho biết.
Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm khối lượng phao xốp lớn như vậy không phải điều dễ dàng. Bởi phao xốp tuy nhẹ nhưng lại có kích thước không hề nhỏ. Để vận chuyển phao xốp đến nơi có thể xử lý thì đã rất tốn công sức và kinh phí vận chuyển, chưa bàn tới kinh phí để xử lý phao xốp. Điều này đã đặt ra cho huyện Vân Đồn một bài toán khó trong việc xử lý dứt điểm hơn 2 triệu quả phao xốp.
Tìm lời giải
Hay tin huyện Vân Đồn đang cần xử lý dứt điểm khối lượng phao xốp lớn, một số đơn vị đã ngỏ ý hợp tác với huyện. Qua kiểm tra hồ sơ pháp lý của các đơn vị, huyện Vân Đồn đã đồng ý cho Công ty CP VietCycle – một đơn vị chuyên thu gom, chuyển giao, tái chế phế liệu trong nước xử lý triệt để số phao xốp trên.
Theo cam kết của đơn vị, số phao xốp được tập kết tạm thời tại cảng cá Cái Rồng sẽ được xử lý dứt điểm trong thời gian khoảng hơn 3 tháng.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, anh Phạm Văn Tùng, chuyên viên kỹ thuật Công ty CP VietCycle cho biết: Phao xốp sẽ được làm sạch vỏ hàu, hà bám trên bề mặt, Sau đó được đưa vào hệ thống nghiền thành các miếng vụn, hạt xốp nhỏ. Phần xốp đã được nghiền sẽ tiếp tục được hút vào hệ thống máy nén. Tại hệ thống máy nén sẽ có quá trình gia nhiệt, khiến xốp co lại thành những miếng EPS.
Với kích thước nhỏ gọn của những miếng EPS, chúng tôi có thể dễ dàng vận chuyển về các nhà máy ở Hải Phòng, Hà Nội để tiếp tục lọc cặn bẩn sao cho sạch nhất có thể và trở thành nguyên liệu đầu vào cho những sản phẩm nhựa phế phẩm (nhựa đen)…
"Hiện tại, dây chuyền xử lý thô của chúng tôi có thể chạy với công suất tối đa là 10 tiếng/ngày, cho ra khoảng 2 tấn tính theo trọng lượng các miếng EPS. Chúng tôi đang nâng cấp dây chuyền xử lý thô với công suất lớn hơn để phục vụ cho việc xử lý dứt điểm lượng phao xốp của huyện nhanh nhất có thể", anh Phạm Văn Tùng thông tin thêm.
Ông Bùi Văn Hường, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Rồng cho biết: Qua kiểm tra, khảo sát, đặc biệt về môi trường thì chúng tôi thấy rằng quá trình xử lý phao xốp của Công ty CP VietCycle gần như không phát tán mùi và không gây ảnh hưởng đến khu dân cư. Chúng tôi mong rằng công ty sẽ tiếp tục đầu tư dây chuyền với công suất lớn hơn, để đến đầu tháng 3/2024 xử lý dứt điểm lượng phao xốp tập kết trên địa bàn.