Quảng Ninh khắc phục tình trạng 'thiếu giáo viên, thiếu cả bếp ăn bán trú'

Thiếu hàng nghìn giáo viên, còn tình trạng dạy và học 'chay' môn tin học, phụ huynh phải đứng ra lo bữa ăn bán trú cho học sinh… là những vấn đề 'nóng' được các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh và cử tri thông qua livestream gửi đến chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ninh hôm nay (8/12).

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Quảng Ninh được livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội, thu hút hàng nghìn lượt cử tri theo dõi và trực tiếp đặt câu hỏi.

Các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh đề nghị ngành giáo dục làm rõ việc chậm đầu tư cơ sở vật chất một số trường học; có hay không tình trạng dạy và học tin học “chay”, nhất là ở những trường xa trung tâm, vùng sâu vùng xa; số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc còn thiếu và yếu; ma túy xâm nhập học đường qua đồ uống, thực phẩm…

Bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, khó khăn lớn của ngành là thiếu giáo viên. Năm học 2023-2024 thiếu hơn 2.500 người làm việc, trong đó có hơn 1.700 giáo viên ở tất cả các địa phương và cấp học. Tình trạng dạy và học tin học “chay” là do việc tổ chức đấu thầu mua sắm thiết bị còn chậm, chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Nhiều bình luận tại livestream đặc biệt quan tâm đến các vấn đề đầu tư công, quản lý đất đai, công tác dạy và học...

Nhiều bình luận tại livestream đặc biệt quan tâm đến các vấn đề đầu tư công, quản lý đất đai, công tác dạy và học...

Đối với vấn đề “phụ huynh phải tự ký kết hợp đồng tổ chức bữa ăn bán trú trong các nhà trường” được nhiều cử tri chất vấn thông qua bình luận livestream, bà Nguyễn Thị Thúy cho biết, bữa ăn bán trú là quy định bắt buộc ở cấp mầm non. Ở cấp tiểu học và THCS, nhiều trường tổ chức ăn bán trú cho học sinh học 2 buổi/ ngày theo nhu cầu, nguyện vọng của phụ huỵnh. Sau một thời gian thực hiện, căn cứ vào quy định của Luật Đầu tư, Sở đã có hướng dẫn các đơn vị lựa chọn nhà thầu cung cấp các dịch vụ giáo dục theo quy định.

"Hiện đang có hiện tượng chuyển từ nhà trường chủ động hợp đồng sang phụ huynh học sinh đứng ra ký kết với đơn vị cung cấp. Chúng tôi khẳng định việc này không hoàn toàn đúng. Nếu nhà trường đứng ra thì phải thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu. Các nhà trường đang tiến hành thủ tục để lựa chọn đơn vị cung cấp, do đó thời gian trống chưa hoàn thành thủ tục thì phụ huynh đứng ra", bà Nguyễn Thị Thúy nói.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đề nghị, UBND tỉnh cần chỉ đạo rà soát lại những bất cập đang nảy sinh, làm rõ trách nhiệm của Sở GD&ĐT và người đứng đầu chính quyền cấp huyện, đảm bảo VSATTP trong các nhà trường có tổ chức cung cấp bữa ăn cho học sinh dưới tất cả các hình thức.

Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký yêu cầu cần rà soát lại những bất cập trong cung cấp dịch vụ tại các trường học, làm rõ trách nhiệm của ngành và các địa phương

Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký yêu cầu cần rà soát lại những bất cập trong cung cấp dịch vụ tại các trường học, làm rõ trách nhiệm của ngành và các địa phương

"Phải thiết kế quy trình quản lý, hướng dẫn hợp lý để đảm bảo không đẩy trách nhiệm này cho hội phụ huynh, cũng không để nhà trường đứng đơn độc và gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu để xảy ra mất an toàn thực phẩm. Mục tiêu học sinh trên địa bàn tỉnh dù thụ hưởng chính sách hay phụ huynh đóng góp đều phải có bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, tuyệt đối đảm bảo an toàn thực phẩm, thuận tiện nhất cho học sinh, cho cơ sở giáo dục để học sinh yên tâm đến trường", ông Nguyễn Xuân Ký cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Ký cũng nhấn mạnh, nhờ quan tâm dành nguồn lực, Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo như tỷ lệ trường chuẩn quốc gia, giáo viên đạt chuẩn, phổ cập giáo dục bậc tiểu học và THCS mức độ 2, mức độ 3 đều cao hơn trung bình cả nước… Tuy nhiên, để đạt mục tiêu “nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục, đào tạo”, Quảng Ninh còn rất nhiều thách thức.

Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đề nghị cần bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo đến năm 2024 có số trường đạt chuẩn quốc gia trên 91%; có cơ chế chính sách nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và tập trung tuyển đủ số lượng biên chế chưa tuyển; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, phát triển giáo dục ngoài công lập; tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh kiểm tra…

Hiện Quảng Ninh đã và đang quyết liệt phòng chống ma túy trong học đường và xung quanh trường học, cần tiếp tục tăng cường kiểm soát “đầu vào” từ biên giới, tiếp tục chiến dịch kiểm tra liên ngành, phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội.

Trường Giang/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/quang-ninh-khac-phuc-tinh-trang-thieu-giao-vien-thieu-ca-bep-an-ban-tru-post1064365.vov