Quảng Ninh khẩn trương khôi phục, tái thiết sản xuất sau bão số 3
Ông Cao Tường Huy (Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh) đã có những chia sẻ, phân tích về mức độ thiệt hại chưa từng có do bão số 3 gây ra. Ông cũng cho biết, tỉnh đang nỗ lực khôi phục và tái thiết kinh tế.
Ngày 21/9, Quảng Ninh tổ chức hội nghị tổng kết công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3, do bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì.
Tại hội nghị, ông Cao Tường Huy cho biết, bão số 3 đã gây ra thảm họa lớn cho tỉnh. Dù đã có sự chuẩn bị, mức độ tàn phá của bão vượt quá dự đoán. Ông thống kê thiệt hại với 29 người chết và hơn 1.600 người bị thương, trong đó gần 90 người bị thương nặng.
"Ngày đầu tiên bão vào, chúng tôi báo cáo trung ương có 3 người chết (2 ở Hạ Long, 1 ở Cẩm Phả) do bị tôn văng khi ra ngoài. Tuy nhiên, con số sau đó đã tăng lên 29 người, chủ yếu là những người ở lại phương tiện thủy để trông coi trên biển," ông Huy cho biết.
Ông Cao Tường Huy cho biết, bão đã gây thiệt hại nghiêm trọng, khiến 129 chiếc tàu, thuyền bị chìm. Các công trình neo đậu tàu thuyền và công trình xây dựng trên biển, thiết kế chỉ chịu được bão cấp 12, không đủ sức chống chọi. Nhiều tàu bị giật tung dây neo và chìm, trong khi một số người trông coi trên xà lan đang trôi dạt đã được lực lượng tìm kiếm cứu nạn phát hiện. Công tác tìm kiếm vẫn tiếp tục diễn ra.
Về tài sản, Quảng Ninh ước tính thiệt hại lên đến hơn 24 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 50% tổng thiệt hại của 26 tỉnh, thành phố miền Bắc. Trong đó, thiệt hại về công trình kiến trúc, cơ quan nhà nước và nhà ở của người dân khoảng 6.447 tỷ đồng; thiệt hại về lâm nghiệp vượt 5.200 tỷ đồng với khoảng 120.000ha rừng bị tàn phá; thiệt hại về thủy, hải sản hơn 3.600 tỷ đồng; và ngành du lịch thiệt hại hơn 2.400 tỷ đồng.
“Tận mắt chứng kiến những thiệt hại nặng nề đó, tôi thật sự cảm thấy xót xa cho người dân,” ông Huy chia sẻ.
Sau khi bão số 3 đi qua, 99% địa phương ở Quảng Ninh mất điện, nước, toàn tỉnh tê liệt thông tin liên lạc. Vì mất điện, tê liệt sóng liên lạc nên ban chỉ huy, các cấp lãnh đạo của tỉnh phải thay đổi địa điểm liên tục để có nơi chỉ đạo các địa phương về những phương án phòng, chống bão số 3.
Khó khăn nhất là các cơ sở y tế, bệnh viện vì không thể thăm khám, chữa bệnh cho người dân. Mất hệ thống cấp nước cũng khiến ngành than, cơ sở công nghiệp đình trệ hết.
"Thời điểm sau khi bão số 3 tàn phá, đi ra ngoài đường ở Quảng Ninh như thể đang đi về 50 năm trước đây, đối với cơn bão này phải dùng từ thảm họa, thảm khốc", ông Huy cho biết.
Trước những thiệt hại kinh tế trên, Quảng Ninh đã thực hiện những giải pháp rất đồng bộ, vừa khôi phục, vừa khắc phục và làm mọi cách để đưa hoạt động sản xuất trở lại nhanh nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã thay mặt chính quyền và nhân dân cảm ơn các lực lượng của Bộ Quốc phòng và Quân khu 3 đã hỗ trợ Quảng Ninh bất kể ngày đêm. Ông cũng bày tỏ sự cảm ơn đối với Chính phủ và Bộ Công Thương vì những chỉ đạo kịp thời, giúp Tổng công ty Điện lực Việt Nam tập trung lực lượng khắc phục sự cố mất điện tại nhiều địa phương.