Quảng Ninh: Không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa sau tết Quý Mão 2023
Theo ghi nhận, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh những ngày đầu năm mới Quý Mão 2023 cơ bản ổn định, hàng hóa dồi dào, một số mặt hàng tăng giá nhẹ.
Hàng hóa phong phú, ổn định
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, thị trường các mặt hàng hóa sau Tết cơ bản ổn định về giá, các sản phẩm được bày bán cũng rất đa dạng, phong phú, không có hiện tượng khan hiếm hoặc không có hàng hóa để bán. Ngay từ ngày mùng 2, nhiều cơ sở dịch vụ, trung tâm thương mại đã mở cửa bán hàng trở lại, nhu cầu tiêu thụ chính của người dân vẫn chủ yếu là mặt hàng lương thực thực phẩm như rau củ, hải sản, thịt…
Khảo sát tại các chợ tại TP. Hạ Long, các mặt hàng thực phẩm tăng khoảng 5-7 % so với ngày thường, theo các tiểu thương thì giá tăng nhẹ do bên cung cấp và phí vận chuyển có tăng, dự kiến, giá sẽ giảm dần và trở lại bình thường sau ngày 26/1 (tức ngày mùng 6 Tết).
Điển hình như rau xanh cải xoong, bắp cải, rau muống, súp lơ,… có giá từ 10.000 – 25.000 đồng/bó. Các mặt hàng hải sản như mực ống, mực lá từ 300.000 - 350.000 đồng/kg; cá vược 140.000 – 180.000 đồng/cân; cá trắm 70.000 đồng/cân; tôm he 600.000 – 650.000 đồng/cân; tôm nớp 300.000 -350.000 đồng/cân… Riêng đối với các loại thịt, có sự tăng giá nhẹ so với ngày thường khoảng 10.000 đồng/kg, trong đó thịt lợn mông, vai 100.000 – 130.000 đồng/cân, sườn 150.000 đồng/kg; thịt bò giá 300.000 đồng/cân…
Được biết, các siêu thị cũng đã chủ động mở cửa từ sớm để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá, khan hàng. Điển hình như, Siêu thị GO! Hạ Long và MM Mega Maket đã thực hiện mở cửa từ sáng ngày mùng 2 Tết; Vinmart bắt đầu mở cửa từ ngày mùng 4 Tết. Các siêu thị này đã chuẩn bị đầy đủ hàng hóa chất lượng tốt, giá cả ổn định để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân sau Tết. Giá cả các mặt hàng tại siêu thị cũng được giữ nguyên và không có hiện tượng tăng giá.
Đảm bảo an toàn thực phẩm sau tết
Bên cạnh đó, Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện các đợt kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, chuẩn bị nguồn hàng hóa tại các địa phương trên địa bàn tỉnh trước Tết Nguyên Đán nhằm tránh xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các đơn vị, doanh nghiệp đã sẵn sàng cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp trước, trong và sau Tết với tổng giá trị hàng hóa ước tính trên 1.300 tỷ đồng, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng trong sinh hoạt...
Đồng thời, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cũng đã xây dựng và triển khai các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Trong đó, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát tốt tình hình, ổn định thị trường nội địa, nhất là các tuyến, địa bàn trọng điểm, các mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá; tăng cường kiểm tra, xử lý, công khai các đối tượng có hành vi gian lận thương mại; tập trung kiểm soát các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng qua biên giới…
Như tại TP. Cẩm Phả hiện có trên 3.300 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm luôn được thành phố quan tâm. Theo lãnh đạo thành phố: Không chỉ tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tháng cao điểm, dịp lễ, Tết, hoạt động này được thành phố duy trì thường xuyên, liên tục. Mỗi tháng, thành phố duy trì 2 đoàn liên ngành cấp thành phố, tập trung kiểm tra lĩnh vực nông nghiệp, công thương, y tế. Đồng thời 16 xã, phường đều vào cuộc, kiểm tra thường xuyên. Qua đó đã xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm gần 1 tỷ đồng mỗi năm. Những cơ sở nào cố tình vi phạm, thành phố áp dụng mức phạt cao nhất để có tính răn đe.
Riêng dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2023, thành phố đã xây dựng kế hoạch, triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tới các đơn vị, hộ kinh doanh tại các xã, phường. Thành phố thành lập đoàn thanh, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm đi kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Theo đó, từ ngày 28/12/2022 đến ngày 7/1/2023, đoàn liên ngành của thành phố và các xã, phường đã kiểm tra 108 cơ sở, phát hiện 11 cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, phạt 9,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp với Công an thành phố kiểm tra, xử lý 10 vụ, phạt 27 triệu đồng.
Sở Y tế Quảng Ninh cũng tích cực tăng cường kiểm tra, giám sát thực phẩm ở những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm. Trong quá trình kiểm tra kết hợp tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng trong bảo đảm an toàn thực phẩm. Hoạt động kiểm tra, giám sát sẽ được duy trì suốt trong năm 2023.
Cùng với đoàn liên ngành của tỉnh, các địa phương, ngành chức năng của tỉnh cũng tiến hành kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm cho người dân. Qua đó, đã góp phần ổn định thị trường sau Tết và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.