Quảng Ninh: Khu du lịch Bãi Dài (Vân Đồn) ẩn chứa nhiều giá trị lớn cần được đầu tư, khai thác

Gần đây, Bãi Dài (Vân Đồn), được nhiều du khách trong và ngoài nước khám phá, bởi phong cảnh núi rừng, biển đảo xinh tươi, kỳ lạ; ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa vô giá. Để Bãi Dài thực sự là điểm nhấn du lịch không thể bỏ qua, thì cần được quan tâm đầu tư khai thác hiệu quả.

Từ lâu, bên cạnh những điểm tham quan khám phá, nghỉ dưỡng nổi tiếng tại Quảng Ninh như: Yên Tử, Vịnh Hạ Long, Bãi Cháy, Tuần Châu..., thì Bãi Dài, Vân Đồn đã và đang được nhiều du khách khám phá, tiềm ẩn là điểm nhấn du lịch quan trọng không thể bỏ qua.

Bãi Dài, thuộc xã Hạ Long, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) có thể được coi là một trong những vùng đất kỳ lạ bậc nhất vùng duyên hải. Bàn tay kỳ diệu của tạo hóa đã sắp đặt Bãi Dài như một dải lụa mềm bên bờ vịnh Bái Tử Long xinh đẹp, với bãi biển cát trắng mịn, thoai thoải; làn nước màu ngọc bích, trong vắt nhìn thấu đáy.

Bãi Dài (Vân Đồn) đang được đầu tư phát triển du lịch. Ảnh, Nguyễn Quân.

“Dải lụa mềm” Bãi Dài, mặt nhìn ra vịnh Bái Tử Long với hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ, thuyền bè qua lại, lại dựa lưng vào khu bảo tồn thiên nhiên, núi rừng Đại Độc hùng vĩ, trập trùng.

Sự hòa quyện giữa mầu xanh của nước biển, của núi rừng với mầu cát trắng; giữa sự hùng vĩ của núi non với sự bao la của biển đảo, mây trời đã tạo cho Bãi Dài một khung cảnh: Tứ phía huyền ảo, bốn bề nên thơ.

Không chỉ có thiên nhiên tươi đẹp, Bãi Dài còn ẩn chứa về giá trị văn hóa với truyền thuyết dấu tích lịch sử mà chúng ta cần khám phá để vùng biển đảo không chỉ là “Phên dậu” của đất nước mà còn là nơi phát triển kinh tế du lịch, góp phần làm cho dân giầu nước mạnh.

Chuyện kể rằng: Bãi Dài, xưa kia là xã (làng) Đại Độc, châu Cẩm Phả, tỉnh Quảng Yên. Mục Tế tự trong Thần tích thần sắc và Hương ước của xã Đại Độc, được chép vào năm 1937 còn ghi: “Làng có 2 đình và 2 miếu. Hằng năm, ngày 10 tháng Giêng, lễ tuần, cho mở cửa rừng; ngày 10 tháng 4, lễ cầu phúc; Thành hoàng làng là Nam Hải Đại Vương”.

Nam Hải Đại Vương và Đông Hải Đại Vương là 2 vị Thủy thần (thần biển) tiêu biểu của Việt Nam. Nam Hải Đại Vương được hóa thân thành Thục An Dương Vương; Đông Hải Đại Vương hóa thân thành Đoàn Thượng, Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Tảng…

Đền Nhân Huệ Vương hay đền Long Vân gốc là miếu thờ Nam Hải Đại Vương - Thục An Dương Vương, là con rồng cháu tiên, vị Thủy thần, Hải thần tiếp bước Lạc Long Quân đi khai phá vùng sông nước, biển đảo. Việc nhân dân xã Đại Độc, xây đình, miếu thờ Nam Hải Đại Vương là sự tri ân với thần biển đã che chở bảo vệ cho họ.

Một góc Bãi Dài, Vân Đồn. Ảnh, Nguyễn Quân.

Hiện nay đình, miếu Đại Đồng không còn; người dân xã Hạ Long xây ngôi đền mới phụng thờ Nam Hải Đại Vương, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư và Đức Thánh Trần Hưng Đạo là thể hiện lòng tôn kính những vị anh hùng dân tộc đã có công chống gặc ngoại xâm bảo vệ đất nước.

Việc người dân xây dựng lại ngôi đền (miếu) Đại Đồng trên di tích cũ chẳng những thể hiện lòng biết ơn với các vị anh hùng dân tộc đã có công bảo vệ nhân dân, gìn giữ bờ cõi thiêng liêng của dân tộc mà còn thông qua các di tích lịch sử, tâm linh khơi dậy ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường biển đảo; góp phần phát huy những giá trị văn hóa tâm linh, thu hút khách du lịch cho địa phương.

Có thể thấy, Bãi Dài hội đủ các yếu tố để phát triển du lịch với cả thiên cảnh và giá trị văn hóa lịch sử lâu đời; tuy nhiên, tiềm năng thế mạnh ấy, đến nay vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Công tác quy hoạch bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch, nhất là tài nguyên du lịch văn hóa cần phải được quan tâm đầu tư hơn nữa.

Để du lịch thực sự đem lại nguồn lợi kinh tế, thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, UBND huyện Vân Đồn đang tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền quảng bá bảo vệ du lịch và sản phẩm du lịch Bãi Dài nói riêng và Vân Đồn nói chung, nhằm giới thiệu có hệ thống miền du lịch độc đáo này với cả nước và thế giới.

Nguyễn Quân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quang-ninh-khu-du-lich-bai-dai-van-don-an-chua-nhieu-gia-tri-lon-can-duoc-dau-tu-khai-thac-post109121.html