Quảng Ninh kiên định với mục tiêu tăng trưởng GRDP 2 con số

Mặc dù chịu thiệt hại nặng nề của cơn bão số 3 gây ra, tỉnh Quảng Ninh vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng (GRDP) đạt 2 con số trong năm 2024.

Từng bước khôi phục kinh tế

Theo kết quả báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, sau cơn bão số 3, công nghiệp - xây dựng là khu vực bị thiệt hại ít nhất sau bão trong 3 khu vực kinh tế của tỉnh Quảng Ninh, vì thế kết quả tăng trưởng của khu vực này trong 9 tháng vẫn khá tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 9,25% so với cùng kỳ. Trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với kết quả tăng 28,3% so với cùng kỳ.

Còn lại 2 khu vực khác là dịch vụ - du lịch và nông, lâm, ngư nghiệp chịu thiệt hại nặng nề hơn với hệ thống các siêu thị, chợ truyền thống, khách sạn bị hư hỏng; nhiều tàu du lịch bị hỏng, đắm, hoạt động du lịch bị ngưng trệ khoảng 1 tuần; 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 7.622ha lúa, hoa màu bị đổ, ngập úng; 388.608 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 117.800ha rừng trồng bị gãy đổ... Tuy nhiên, các lĩnh vực này đã từng bước khôi phục. Lũy kế 9 tháng năm 2024, Quảng Ninh đã đón trên 15,6 triệu lượt khách, tăng 20% cùng kỳ, bằng 98,1% kịch bản tăng trưởng 9 tháng. Tổng sản lượng thủy sản đạt 129.836 tấn, bằng 93,1% kịch bản tăng trưởng.

Người dân Quảng Ninh tích cực dọn dẹp vệ sinh môi trường sau bão.

Người dân Quảng Ninh tích cực dọn dẹp vệ sinh môi trường sau bão.

Tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh dự kiến đến hết ngày 26/9/2024 đạt trên 1,7 tỷ USD, bằng 59% kế hoạch năm.

Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng của tỉnh Quảng Ninh ước đạt 40.417 tỷ đồng, bằng 73% dự toán năm. Trong đó thu từ xuất nhập khẩu đạt 13.800 tỷ đồng, bằng 106% dự toán năm; thu nội địa 26.332 tỷ đồng, bằng 62% dự toán năm.

Ngoài ra, các vấn đề xã hội được quan tâm giải quyết tốt, hài hòa, tỉnh chú trọng phát triển văn hóa, con người, bảo đảm an sinh và công bằng, tiến bộ xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Các nhiệm vụ khác như quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, tài nguyên và môi trường, chuyển đổi số toàn diện được thúc đẩy; công tác thanh tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo giải quyết…

Trong 9 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã giảm 150/246 hộ nghèo, bằng 60,97% kế hoạch năm 2024; giảm 1.000 hộ cận nghèo, bằng 66,67% kế hoạch năm. Điểm thi trung bình tốt nghiệp THPT có sự tiến bộ vượt bậc, đứng thứ 25/63 tỉnh thành, cao nhất kể từ trước đến nay, tăng 11 bậc so với năm trước.

Tiếp tục tập trung các giải pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 3

Tại buổi họp phiên thường kỳ tháng 9/2024 của UBND tỉnh Quảng Ninh, đánh giá về bức tranh kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho rằng: "Dù đã rất nỗ lực, tuy nhiên nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội vẫn chưa đạt được kế hoạch đề ra. Trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, song chủ yếu là do ảnh hưởng của biến động toàn cầu, suy thoái kinh tế, một số chính sách, quy định thay đổi, trong khi việc thực thi tại địa phương chưa kịp thời".

"Trong quý cuối cùng của năm, quan điểm của tỉnh Quảng Ninh là tập trung khắc phục khó khăn, phục hồi, tái thiết kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Quảng Ninh sẽ kiên định với mục tiêu tăng trưởng (GRDP) đạt 2 con số trong năm 2024" - ông Huy khẳng định.

Ngành công nghiệp - xây dựng là khu vực bị thiệt hại ít nhất sau bão trong 3 tại tỉnh Quảng Ninh.

Ngành công nghiệp - xây dựng là khu vực bị thiệt hại ít nhất sau bão trong 3 tại tỉnh Quảng Ninh.

Để làm được điều này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các đơn vị tiếp tục tập trung các giải pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 3; tiếp tục có các đề xuất, kiến nghị đối với các nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Trung ương, trọng tâm là các chính sách hỗ trợ về sản xuất, kinh doanh, chính sách về tín dụng (giãn, hoãn nợ, vay vốn,...). Triển khai xây dựng Đề án khôi phục, tái thiết kinh tế để làm cơ sở chỉ đạo, điều hành, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của quy hoạch tỉnh và Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu cần thực hiện ngay điều chỉnh kịch bản tăng trưởng kinh tế, thực hiện rà soát, tính toán, có sự cân nhắc kỹ lưỡng, tìm kiếm các ngành, lĩnh vực có dư địa tốt để bù đắp tăng trưởng cho các ngành, lĩnh vực còn thiếu và yếu. Kiên trì giữ vững sức sản xuất của các trụ cột kinh tế thông qua việc triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ; đồng hành cùng ngành Than trong việc tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ ngành Than khắc phục hậu sau bão; có các giải pháp xúc tiến và hỗ trợ nhà đầu tư, đảm bảo mục tiêu thu hút FDI trong các tháng cuối năm; triển khai các chương trình, hoạt động kích cầu thu hút khách du lịch năm 2024, nâng cao các sản phẩm du lịch, dịch vụ đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo cần tiếp tục phát huy vai trò của Tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh thu ngân sách nhà nước năm 2024 và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là về quy hoạch, đất đai, xây dựng, đô thị, tài nguyên môi trường, khoáng sản...

Các nội dung trình kỳ họp HĐND sắp tới của tỉnh Quảng Ninh sẽ bao gồm các đề xuất, nêu rõ các biện pháp điều hành ngân sách phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và quản lý chặt chẽ đầu tư công. Đồng thời, tập trung xây dựng văn kiện đại hội Đảng; chuẩn bị các báo cáo chuyên đề, trong đó tập trung báo cáo phát triển kinh tế biển Quảng Ninh đến năm 2030; báo cáo tăng trưởng kinh tế; chuẩn bị thu hút FDI; danh mục các công trình đầu tư công giai đoạn 2025-2030…

Thế An

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quang-ninh-kien-dinh-voi-muc-tieu-tang-truong-grdp-2-con-so-160526.html