Quảng Ninh kiên quyết không để ai kẹt lại trên biển

Huyện đảo Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) có hơn 600 hòn đảo, ở vị trí tiền tiêu phía Đông Bắc của Tổ quốc. Theo dự báo, siêu bão có thể sẽ quét qua đây. An nguy của người dân, nhất là người dân trên tàu thuyền và các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, là một trong những vấn đề mà chính quyền và lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh lo lắng nhất.

Hối hả ca nô, vang vọng tiếng loa gọi người dân vào bờ

Trưa 6-9, chúng tôi đến Cái Rồng - thị trấn nằm trên đảo Cái Bầu và là huyện lỵ của Vân Đồn. Tất cả cán bộ thị trấn đều đang căng mình làm việc xuyên trưa để thực hiện những phần việc cuối cùng theo chỉ đạo của cấp trên trong công tác phòng, chống bão, trong đó có công tác vận động ngư dân trên lồng bè nuôi trồng thủy sản và ngư dân trên tàu thuyền đánh cá thực hiện lệnh cấm biển, di chuyển vào vùng tránh trú an toàn.

 Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh vận động ngư dân lên bờ tránh bão.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh vận động ngư dân lên bờ tránh bão.

Cảng Cái Rồng gồm hai khu vực tách biệt dành cho tàu cá và tàu du lịch. Ngày thường, nơi đây luôn nhộn nhịp người qua lại, tàu thuyền chạy như mắc cửi. Vậy mà hôm qua, cả hai khu vực của cảng Cái Rồng đều vắng hoe, lặng ngắt.

Trong cái ngột ngạt giữa trưa, cán bộ thị trấn Cái Rồng vẫn ngồi ca nô chạy tới chạy lui trên biển để vận động bà con ngư dân còn bám trụ trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản nhanh chóng di chuyển lên bờ. Tiếng ca nô ồn ã và tiếng loa vang trên mặt biển tuyên truyền ngư dân thực hiện nghiêm quy định phòng, chống bão. Biết chúng tôi muốn ra biển nắm tình hình thực tế bà con ngư dân, các anh đồng ý cho chúng tôi đi cùng.

"Địa phương chúng tôi có 74 bè cá trên biển, trong đó bè xa nhất cách bờ vài ki-lô-mét. Mấy ngày nay, chúng tôi liên tục ra vận động bà con chằng chống lồng bè và chòi canh, yêu cầu bà con ký giấy cam kết lên bờ trước 16 giờ ngày 6-9 theo đúng yêu cầu của cấp trên. Đến nay, bà con ngư dân trên các lồng bè xa bờ đã về hết, còn các lồng bè gần bờ cũng đã về hơn 90%. Các lồng bè to gần bờ có giá trị tài sản lớn chỉ còn một thanh niên khỏe mạnh ở lại trông coi, người già yếu và trẻ nhỏ không còn ai ở lại", Phó chủ tịch UBND thị trấn Cái Rồng Đinh Văn Trường cho hay.

Anh Trương Văn Thắng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS thị trấn Cái Rồng vừa điều khiển xuồng máy, vừa chia sẻ, lực lượng vũ trang thị trấn Cái Rồng phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các bộ phận khác của thị trấn triển khai công tác phòng, chống bão số 3, đặc biệt là việc tuyên truyền, vận động nhân dân. "Trong quá trình tuyên truyền, vận động nhân dân, chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ những gia đình neo người thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho nhà cửa, lồng bè và tài sản khác. Chúng tôi cũng chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị theo yêu cầu để sẵn sàng cơ động khi có tình huống cần xử lý, trong đó có việc khắc phục hậu quả sau khi cơn bão đi qua", anh Trương Văn Thắng nói.

Cán bộ thị trấn Cái Rồng vận động gia đình ông Nguyễn Văn Xoan di dời lên bờ tránh bão.

Cán bộ thị trấn Cái Rồng vận động gia đình ông Nguyễn Văn Xoan di dời lên bờ tránh bão.

Xuồng cập bè gần bờ của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Xoan (66 tuổi, trú tại khu 7, thị trấn Cái Rồng). Đây là bè nuôi trồng thủy sản phục vụ du khách, có giá trị lớn. Ngoài ông Xoan, trên bè lúc chúng tôi tới còn một thanh niên trạc mười tám, đôi mươi. "Con trai tôi đấy, tôi cũng chuẩn bị lên bờ, chỉ để cháu ở lại đây trông giữ tài sản gia đình thôi!", ông Xoan vừa chỉ tay về phía chàng thanh niên, vừa nói. Theo ông Xoan thì tổng giá trị tài sản từ các lồng cá, hàu, ngao của gia đình ông là khoảng hơn 10 tỷ đồng. Vì vậy, gia đình luôn phải cắt cử người trông coi bè.

Đang nói chuyện, ông Xoan như sực nhớ ra điều gì, vội chạy lại mấy chiếc lồng lưới sau bè kiểm tra. Tôi đi theo chụp vài tấm ảnh, không may bước trúng thanh gỗ nền bè đã bị mục, thụt chân trái xuống biển. Thật hú hồn! Tôi rút chân lên, đôi giày ùng ũng nước biển nặng chịch. Tôi thầm lo lắng, không biết nếu bão quét qua, bè cá của gia đình ông Xoan có trụ được trước sức gió khủng khiếp?!

Ngoài kia, tiếng loa tuyên truyền vẫn nghiêm nghị phát ra từ các tàu tuần tra của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh và xuồng của cán bộ thị trấn Cái Rồng: "Đề nghị nhân dân đang ở trên lồng bè chấp hành nghiêm quy định, lên bờ trước 15 giờ chiều nay!"

Kiểm đếm từng người dân còn trên biển

Chiều 6-9, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác của Chính phủ tới Vân Đồn kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3. Báo cáo với Phó thủ tướng và đoàn công tác, Phó chủ tịch UBND huyện Vân Đồn Đào Văn Vũ cho biết, số người còn lại trên các nhà bè nuôi trồng thủy sản đến 9 giờ ngày 6-9-2024 là 176/1.200 người (thị trấn Cái Rồng 40 người, xã Hạ Long 31 người; xã Đông Xá 12 người, xã Bản Sen 20 người; xã Thắng Lợi 51 người; xã Vạn Yên 20 người; xã Ngọc Vừng 2 người). UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện di dời toàn bộ người dân trên biển lên bờ xong trước 15 giờ ngày 6-9-2024.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh vận động ngư dân lên bờ tránh bão.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh vận động ngư dân lên bờ tránh bão.

Trước đó, sáng 6-9, trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Minh Sơn bày tỏ, một trong những nỗi lo lớn nhất của Quảng Ninh là người dân nuôi trồng lồng bè trên biển. Do vậy, Quảng Ninh đã sớm yêu cầu tất cả người dân trên chòi canh lồng bè nuôi trồng thủy sản phải chằng chống, bảo đảm an toàn cho khu nuôi trồng thủy sản và đưa hết người vào bờ.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã dành cả buổi sáng 6-9 đi kiểm tra thực tế công tác sẵn sàng phòng, chống bão số 3 ở những địa bàn, công trình xung yếu, dễ bị thiệt hại bởi mưa bão. Tại khu vực Bến Do (phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả), dõi mắt ra khu vực bến tàu đã có rất nhiều tàu thuyền về tránh trú bão, kết thành từng mảng tàu, thuyền lớn trên mặt biển, đồng chí Cao Tường Huy vẫn chưa an tâm nên hỏi rất kỹ càng về việc thực thi các nội dung công điện, trong đó có tình hình tàu thuyền thực hiện lệnh cấm biển và việc tuyên truyền, vận động bà con ngư dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản vào bờ tránh bão. Đồng chí Cao Tường Huy nhấn mạnh:

- Đến 16 giờ chiều 6-9, nếu vẫn còn người trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển thì phải kiên quyết cưỡng chế đưa về khu tránh trú an toàn trên bờ. Đây là cơn bão rất lớn, khi bão đổ bộ vào mà vẫn còn người kẹt lại trên biển thì việc cứu người là rất khó khăn, thậm chí không thể thực hiện được!

Tham gia đoàn kiểm tra, Đại tá Khúc Thành Dư, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh cũng lưu ý phải hết sức cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, lơ là bởi sức gió của cơn bão rất mạnh, lượng mưa rất lớn, có khả năng gây ra triều cường, sóng biển cao vài mét, thậm chí có thể cao tới 9m. Hậu quả thiệt hại do vậy có thể sẽ rất khó lường nếu không có các giải pháp quyết liệt di dân khỏi vùng nguy hiểm và không có giải pháp hữu hiệu bảo vệ công trình, tài sản.

Biển ở huyện đảo Vân Đồn chiều qua vẫn bình yên và đẹp như tranh, nhưng trên đài phát thanh, phát thanh viên liên tục đưa ra thông tin cập nhật về diễn biến, đường đi và sức mạnh khủng khiếp của bão số 3 đang lừ lừ tiến vào từ khơi xa. Các địa phương ven biển của nước bạn cũng đã bị thiệt hại nặng nề bởi cơn bão này. Chúng tôi tin rằng, người dân ở các vùng dự báo bão đi qua sẽ hết sức cảnh giác, tuân thủ nghiêm quy định cấm biển và vào bờ tránh bão, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Bài và ảnh: CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/quang-ninh-kien-quyet-khong-de-ai-ket-lai-tren-bien-792860