Quảng Ninh kiên trì định hướng chuyển du lịch từ 'nâu' sang 'xanh'

Những hiện tượng thời tiết cực đoan mấy năm gần đây do biến đổi khí hậu, khi dịch bệnh Covid-19, và những xu hướng tiêu dùng mới cùng những tác động của công nghệ đã khiến cách thức đi du lịch của thế giới thay đổi. Xu hướng du lịch xanh, nghỉ dưỡng chữa lành ngày càng lên ngôi là bài toán khó đặt ra cho những địa phương làm du lịch như Quảng Ninh...

Vịnh Hạ Long

Vịnh Hạ Long

Quảng Ninh là địa phương có tài nguyên du lịch phong phú đa dạng, có thể khai thác nhiều sản phẩm, loại hình từ du lịch nghỉ dưỡng, trecking, chữa lành ở núi rừng, biển đảo đến du lịch tham quan mua sắm cửa khẩu. Đây cũng là một trong những địa phương sớm khai thác phát triển kinh tế du lịch của cả nước.

Ngay từ năm 2013, Quảng Ninh đã xác định chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đưa ngành công nghiệp “không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Điều này cho thấy Quảng Ninh là một trong những địa phương đã sớm quan tâm đến tăng trưởng du lịch xanh.

Năm 2023, trong Quyết định số 2256/QĐ-UBND, Quảng Ninh đã tái khẳng định mục tiêu “phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống”. Đây là lý do du lịch Quảng Ninh nhanh chóng thích ứng và phục hồi, nỗ lực “xanh hóa” các hoạt động du lịch phát triển bền vững, trong đó đảo Cô Tô là một ví dụ điển hình của tỉnh Quảng Ninh trong việc gìn giữ môi trường, chuyển đổi xanh để phát triển bền vững.

MỘT CÔ TÔ KHÔNG RÁC THẢI NHỰA VÀO 2025

Trong những năm gần đây, du lịch Cô Tô đã có những thay đổi mang tính đột phá, trở thành một trong những điểm đến đẹp nhất trên bản đồ du lịch biển đảo của Việt Nam.

Mỗi năm, huyện đảo Cô Tô đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch. Năm 2023, lượng khách du lịch đến Cô Tô tăng trên 320.000 lượt; trong đó, khách quốc tế 2.100 lượt, bằng 240% so với năm 2022; doanh thu ước đạt trên 800 tỷ đồng, bằng 144% năm 2022. Hệ thống lưu trú, hạ tầng du lịch cũng được đầu tư phát triển với hơn 300 cơ sở lưu trú, 3200 phòng nghỉ.

Năm 2024, Cô Tô đặt mục tiêu hướng tới thu hút trên 300.000 lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt 900 tỷ đồng. Chỉ riêng trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, Cô Tô đã đón 19.400 khách, tăng 132% so với cùng kỳ, doanh thu đạt gần 60 tỷ đồng.

Đảo Cô Tô là một ví dụ điển hình của tỉnh Quảng Ninh trong việc gìn giữ môi trường.

Đảo Cô Tô là một ví dụ điển hình của tỉnh Quảng Ninh trong việc gìn giữ môi trường.

Tuy nhiên, với việc lượng khách tăng lên mỗi năm, tình trạng xả rác thải nhựa bừa bãi cùng với một lượng lớn rác thải từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm, nhất là trong mùa du lịch cũng là vấn đề đáng báo động đối với huyện đảo. Những ngày cao điểm mùa du lịch, huyện Cô Tô phải thu gom 20 đến 30 tấn rác thải. Trong đó, riêng lượng rác thải nhựa chiếm khoảng trên 1-2 tấn/ngày.

Khắc phục tình trạng này, huyện Cô Tô đã xây dựng và triển khai Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”, mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ quan, đơn vị, hộ dân, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn huyện Cô Tô không phát sinh rác thải nhựa.

Từ tháng 9/2023, huyện Cô Tô áp dụng thí điểm thực hiện bắt buộc tất cả du khách không mang túi nilon về đồ nhựa dùng một lần ra đảo.

Đón mùa du lịch 2024, huyện Cô Tô đã xây dựng kế hoạch và dự kiến đưa vào khai thác nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch đáp ứng tiêu chí xanh, như cơ sở lưu trú, dịch vụ dán nhãn không rác thải nhựa, các Tour du lịch không rác thải nhựa, các chương trình du lịch kết hợp nhặt rác… (từ tháng 1/2024).

Đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch chữa lành kết hợp với các hoạt động thiền, yoga, vật lý trị liệu, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp (từ tháng 2/2024); du lịch thực tế ảo, ứng dụng công nghệ thực tế ảo tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô (dự kiến ra mắt từ tháng 3/2024).

Cùng với đó, phát triển sản phẩm du lịch đạp xe trải nghiệm một vòng Cô Tô về đêm (từ tháng 5/2024); phát triển khu tổ hợp vui chơi thể thao giải trí trên biển kết hợp ngắm hoàng hôn tại bãi biển Tình Yêu; khai thác sản phẩm cắm trại đêm tại Thanh Lân; thí điểm đưa khách tham quan đảo 7 sao, tại xã Đồng Tiến (dự kiến hoạt động từ tháng 8/2024)...

Ông Nguyễn Hà Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch Hội lữ hành Quảng Ninh, cho biết đến thời điểm hiện tại đã có 5/5 công ty du lịch trên địa bàn huyện Cô Tô đăng ký và tổ chức các Tour du lịch xanh, các cơ sở lưu trú đang thực hiện không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Hiệp hội du lịch Cô Tô đã phát động kêu gọi hàng trăm chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tham gia các hoạt động làm sạch môi trường biển, thu gom rác thải đại dương.

100% TÀU DU LỊCH CAM KẾT KHÔNG SỬ DỤNG NHỰA DÙNG MỘT LẦN

Quảng Ninh hiện sở hữu đội tàu khách du lịch trên vịnh lớn, đồng bộ và hiện đại nhất cả nước. Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 80 doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, hơn 550 tàu du lịch tham quan vịnh Hạ long (trong đó có gần 200 tàu lưu trú) đầy đủ tiện nghi phục vụ khách du lịch. Đa phần các công ty đều có kinh nghiệm hoạt động lâu năm trên vịnh.

Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích cực, các hoạt động tàu du lịch vẫn còn những bất cập, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của điểm đến như: Ô nhiễm bởi các hoạt động vận chuyển, neo đậu tàu, vệ sinh tàu, chất thải sinh hoạt của thủy thủ đoàn, hoạt động dịch vụ ăn uống, ngủ đêm trên tàu, dịch vụ vui chơi giải trí…

Du thuyền 5 sao trên Vịnh Hạ Long

Du thuyền 5 sao trên Vịnh Hạ Long

Để góp phần bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững, hiện 100% tàu du lịch trên địa bàn đã ký cam kết không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long.

Việc rùa biển, cá voi xuất hiện tại vùng biển Cô Tô, Hạ Long, san hô phục hồi trong vùng lõi di sản là một tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy hệ sinh thái, môi trường biển đang ngày càng tốt lên, đặc biệt từ khi tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh việc làm sạch môi trường biển, giảm thiểu rác thải nhựa.

Mới đây, Sở Du lịch Quảng Ninh đã xây dựng khung chương trình hành động về ứng dụng tiêu chuẩn Khách sạn xanh ASEAN và tập trung thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn trong hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch trên toàn bộ địa bàn tỉnh.

Thành phố Hạ Long cũng thực hiện chiến dịch “Xây dựng Hạ Long-Thành phố du lịch không khói thuốc”. Thành phố Móng Cái đặt mục tiêu trở thành thành phố du lịch xanh, thông minh, thân thiện và an toàn…

Tuy nhiên, để tạo đà, thúc đẩy du lịch Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi xanh để phát triển bền vững, ông Nguyễn Hải Hà cũng kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cho những dự án phát triển du lịch xanh, bền vững.

Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch cần sớm xây dựng và ban hành Chương trình hành động của ngành Du lịch thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 Chính phủ đã ban hành.

Trong đó, tập trung vào nhiệm vụ phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững; ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh cấp quốc gia cho từng lĩnh vực du lịch theo tiêu chí chung của quốc tế, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Chi Chi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/quang-ninh-kien-tri-dinh-huong-chuyen-du-lich-tu-nau-sang-xanh.htm