Quảng Ninh mở rộng thanh toán điện tử đa lĩnh vực

Hoạt động giao dịch trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở nên phổ biến trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Hiện tỉnh Quảng Ninh cũng đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích người dân tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ cho mục tiêu Chuyển đổi số toàn diện.

Người dân thanh toán dịch vụ y tế tại tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) bằng cách quét mã QR của ngân hàng trên điện thoại thông minh.

Người dân thanh toán dịch vụ y tế tại tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) bằng cách quét mã QR của ngân hàng trên điện thoại thông minh.

Đi siêu thị mua sắm đồ dùng cho gia đình, thay vì mang theo tiền mặt, chị Phạm Thị Lan (TP Hạ Long) đã có thói quen thanh toán bằng thẻ ngân hàng. Nhiều khi, chị chỉ cầm theo chiếc điện thoại thông minh và sử dụng ứng dụng ví điện tử để thanh toán.

"Gần đây tôi hay thanh toán bằng thẻ, tiện dụng hơn rất nhiều. Chỉ cần đưa cho thu ngân quét là xong, không cần phải trả lại tiền thừa, nhanh chóng, chính xác, không nhầm lẫn", chị Phạm Thị Lan cho biết.

Theo khảo sát tại nhiều siêu thị, cửa hàng lớn tại thành phố Hạ Long, lượt khách hàng thanh toán qua các hình thức quẹt thẻ, quét mã QR hay chuyển tiền trực tuyến ngày càng tăng và hiện chiếm khoảng 60%. Không chỉ trong tiêu dùng hàng ngày, việc thanh toán điện tử cũng dần trở nên phổ biến hơn khi người dân chi trả hóa đơn sử dụng điện, nước, cước dịch vụ viễn thông...

Lượt thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại ở Quảng Ninh ngày càng tăng.

Lượt thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại ở Quảng Ninh ngày càng tăng.

Tại Quảng Ninh, đã có hơn 85% khách hàng thanh toán tiền điện; gần 78% khách hàng thanh toán tiền nước sinh hoạt không dùng tiền mặt và trích nợ tự động qua tài khoản ngân hàng, ứng dụng ví điện tử; tra cứu và tải hóa đơn điện tử trên ứng dụng hoặc website của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Bà Nguyễn Thu Hương, một khách hành sử dụng nước cho biết, sau khi nhận được tin nhắn thông báo chỉ số sử dụng và số tiền cần thanh toán, chỉ cần mở ứng dụng ngân hàng số và lựa chọn mục “Thanh toán hóa đơn” có sẵn: "Trước kia khi chưa có thanh toán trực tuyến thì đến hạn, chúng tôi phải ra các điểm cố định để nộp tiền. Bây giờ thì chỉ cần ở nhà mở điện thoại để thanh toán tiền điện, tiền nước. Rất tiện lợi, rất tốt cho mọi người dân".

Triển khai đồng bộ hạ tầng đáp ứng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt theo Đề án của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã bước đầu giúp người dân, du khách, doanh nghiệp thuận tiện trong các giao dịch. Hiện các Trung tâm hành chính công, các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đều đã chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt với tỷ lệ thanh toán trực tuyến phí dịch vụ hành chính công cấp tỉnh đạt gần 66%, cấp huyện gần 23%.

Hỗ trợ người dân thanh toán trực tuyến trên nhiều lĩnh vực, tỉnh Quảng Ninh cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, 90% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoặc các nhà cung cấp hợp pháp khác.

Hỗ trợ người dân thanh toán trực tuyến trên nhiều lĩnh vực, tỉnh Quảng Ninh cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, 90% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoặc các nhà cung cấp hợp pháp khác.

Ông Trịnh Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, việc áp dụng rộng rãi việc thanh toán qua các kênh điện tử cũng là một trong những ưu tiên của ngành y tế trong chuyển đổi số: "Chúng tôi chuyển đổi thói quen rất cố hữu của người dân từ nhiều năm nay, đến giờ các bệnh viện, đơn vị y tế trong ngành đang truyền thông, chuẩn bị các nền tảng để người bệnh khi sử dụng dịch vụ có thể không dùng tiền mặt, hoàn toàn thanh toán trên môi trường số".

Từ giữa năm 2022, Quảng Ninh phối hợp nhiều nhà cung cấp thí điểm các mô hình “Chợ 4.0”, “Phố thông minh” tại nhiều điểm du lịch, trung tâm thương mại, thiết lập hơn 1.000 điểm thanh toán không dùng tiền mặt và hỗ trợ khoảng 1.000 hộ tiểu thương mở các tài khoản trực tuyến để giao dịch. Tuy vậy, một số hình thức thanh toán điện tử vẫn chưa được phổ biến do tâm lý e ngại về tính an toàn, thậm chí một số người vẫn còn suy nghĩ “tiền tươi thóc thật” hoặc người lớn tuổi gặp khó trong sử dụng ứng dụng...

Ông Lê Việt Hà, Phó Giám đốc Viettel Quảng Ninh cho biết: "Chúng tôi đang phối hợp với chính quyền các cấp, các doanh nghiệp như điện nước, thu học phí… để mở rộng hệ sinh thái, đưa nội dung thanh toán không tiền mặt sâu rộng vào đời sống. Đặc biệt chúng tôi phối hợp các Ban quản lý chợ để truyền thông, khuyến khích người dân thanh toán không tiền mặt, rút ngắn khoảng cách, sự e dè của người dân. Nhất định trong thời gian ngắn, việc này sẽ trở thành phương tiện thiết yếu trong cuộc sống".

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có 2,46 triệu tài khoản có chức năng thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có 1,6 triệu tài khoản đang hoạt động. Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt hơn 35%. Mục tiêu của Quảng Ninh là nâng con số này lên thành 50% vào năm 2025; cũng như tăng trưởng từ 20%/năm về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.

Do vậy, bên cạnh việc hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ phát triển hạ tầng hiện đại, an toàn cũng như kết nối, tích hợp hiệu quả với các hệ thống khác, Quảng Ninh cũng đang mở rộng sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên toàn địa bàn./.

Trường Giang/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/quang-ninh-mo-rong-thanh-toan-dien-tu-da-linh-vuc-post1002213.vov