Quảng Ninh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Nhằm mục tiêu phát triển Quảng Ninh đến năm 2020 trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp, với sự chuyển hướng từ 'nâu' sang 'xanh', một trong những khâu đột phá được Tỉnh ủy xác định là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Thực hiện nghị quyết t.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn đảng

Qua 5 năm triển khai Nghị quyết số 15 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, với lộ trình cụ thể, đầu tư có chiều sâu, từng bước tỉnh khẳng định chất lượng nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển.

Ðẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức…

Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long lúc 11 giờ, tất cả các vị trí tiếp nhận thủ tục hành chính (TTHC) đều không có ghế trống, chung quanh rất nhiều người đang chờ tới lượt làm thủ tục. Theo Giám đốc trung tâm Bùi Thị Hải, so thời điểm trung tâm được thành lập (tháng 1-2015), lượng hồ sơ giao dịch tại đây tăng cao do thực hiện thêm các lĩnh vực bảo hiểm, hộ khẩu, thẻ căn cước công dân, thuế, điện nước… Hằng ngày, từ 7 giờ 30 phút sáng đã có hàng trăm công dân tới lấy số thứ tự.

Giờ làm việc theo quy định là buổi sáng từ 8 giờ đến 11 giờ rưỡi và chiều từ 1 giờ rưỡi đến 4 giờ, nhưng trung tâm thường xuyên làm thông tầm và không có giờ đóng cửa. Tỷ lệ kết quả giải quyết TTHC đúng hạn năm 2018 đạt hơn 98,2%, với hơn 140 nghìn hồ sơ (gấp hai lần so năm 2015). Áp lực công việc đòi hỏi chất lượng đội ngũ đáp ứng ở mức độ cao, cho nên các phòng, ban, đơn vị thường xuyên thực hiện rà soát, lựa chọn cán bộ đủ năng lực, trình độ chuyên môn đến làm việc tại trung tâm.

Theo Thủ trưởng cơ quan Tổ chức - Nội vụ Thành ủy Hạ Long Nguyễn Hữu Thọ, công tác phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và thành phố Hạ Long nói riêng. Xác định rõ trọng tâm, Thành ủy, UBND thành phố Hạ Long đã xây dựng các chương trình, kế hoạch chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo lộ trình. 5 năm triển khai Ðề án vị trí việc làm đã lượng hóa được số lượng, chất lượng công chức, viên chức theo vị trí, chức danh nghề nghiệp, qua đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo hướng trọng tâm, trọng điểm.

Hơn 4 năm qua, TP Hạ Long đã cử 66 cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cao cấp, hệ trung cấp là 242 người; đào tạo trình độ đại học trở lên 280 người. Hơn ba nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học. Hằng năm, nhiều cán bộ, công chức của thành phố được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài; đồng thời thành phố tăng cường mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Công tác đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực; đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển nguồn nhân lực đã ghi nhận kết quả bước đầu. Ðã có một phó giáo sư, ba tiến sĩ, hơn 150 thạc sĩ công tác tại các cơ quan hành chính sự nghiệp và 160 thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa trong ngành y tế; đội ngũ trí thức và nhân lực chất lượng cao khoảng 17.800 người, chiếm 6,6% số dân thành phố.

Song song với thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và chuẩn hóa, hoàn thiện bằng cấp, chứng chỉ, việc nâng cao kỹ năng thực tế của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cấp xã, phường luôn được các cấp ủy chú trọng theo hướng đào tạo qua thực tế công việc. Nêu thí dụ từ địa bàn, Chủ tịch UBND phường Hà Khánh, TP Hạ Long Bùi Ngọc Thảo chia sẻ, qua hơn 20 năm làm chủ tịch UBND tại bốn phường, đồng chí nhận thấy, ở cấp cơ sở, nhất là một số địa bàn đặc thù dễ nảy sinh tình huống phức tạp, đòi hỏi kỹ năng xử lý linh hoạt, hiệu quả.

Kinh nghiệm là phải gần dân thì dân mới gần gũi, đồng hành với mình. Khi tiếp xúc với người dân phải có sự đồng cảm, đặt mình vào vị trí của họ, để hiểu được điều họ cần, nói cho họ rõ. Ở địa bàn có hơn 50% trong tổng số hai nghìn hộ dân liên quan nhiều dự án cần giải phóng mặt bằng, đời sống nhìn chung khó khăn, đòi hỏi điều hành công việc không chỉ dựa trên các quy định mà cần đề cao trách nhiệm cá nhân. Giải phóng mặt bằng là vấn đề dễ gây những bức xúc, nhưng không để người dân bức xúc vì thái độ của cán bộ. Qua sàng lọc bằng công việc, các vị trí đều rất vững vàng, quan trọng nhất là khả năng ứng xử và xử lý đúng, được việc Nhà nước và đạt sự đồng thuận của người dân.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Quảng Ninh, trong bảy mục tiêu Nghị quyết số 15 đặt ra đối với phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020, có hai mục tiêu liên quan đội ngũ cán bộ, công chức thì đều đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức đề ra, với tỷ lệ hơn 10,2% số cán bộ, công chức, viên chức đạt trình độ sau đại học (nghị quyết đề ra là 6% đến năm 2020).

Chăm lo lao động các ngành, nghề

Với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, để phát triển bền vững và tích cực chủ động hội nhập quốc tế, tỉnh Quảng Ninh chọn hướng ưu tiên ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh. Trong đó, chú trọng nhân lực phục vụ du lịch, công nghiệp giải trí, dịch vụ, tài chính, ngân hàng, thương mại quốc tế, công nghệ cao, công nghiệp chế biến, nuôi trồng thủy sản...

Tại TP Hạ Long, việc định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế đặt ra yêu cầu tập trung thực hiện đào tạo nguồn nhân lực trong ngành du lịch. Từ năm 2014 đến nay thành phố đã tổ chức 30 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về du lịch, kiến thức nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ, bảo vệ tài nguyên môi trường, văn hóa ứng xử... cho cộng đồng dân cư và người lao động. Thành đoàn Hạ Long đã tổ chức các lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các hộ tiểu thương, lái xe ta-xi, lái tàu, nhân viên phục vụ tàu du lịch. Các cấp ủy cử cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cán bộ quản lý lĩnh vực du lịch tham gia trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển du lịch tại một số quốc gia trên thế giới; phối hợp Khoa Du lịch của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Ðại học Quốc gia Hà Nội) mở lớp bồi dưỡng cho 80 cán bộ, công chức, viên chức nghiệp vụ quản lý nhà nước về văn minh thương mại...

Với địa bàn miền núi và khó khăn nhất tỉnh, huyện Ba Chẽ định hướng phát triển nguồn nhân lực phù hợp điều kiện kinh tế lâm nghiệp là chủ yếu, đón đầu xu hướng phát triển du lịch gắn với lâm nghiệp và sinh thái rừng. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Minh Sơn cho biết, qua rà soát nhu cầu học nghề và sử dụng lao động, huyện triển khai đa dạng các loại hình đào tạo nghề, chú trọng đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số, người dân mất đất do chuyển dịch cơ cấu kinh tế. 5 năm qua, đã có hơn một nghìn lao động được học nghề. Mỗi năm giải quyết việc làm cho hơn 450 lao động.

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Ðuyến, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư, đối với lao động có tay nghề cao, Quảng Ninh thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng đào tạo gắn nhu cầu thực tế; phối hợp các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh tổ chức ký thỏa thuận hợp tác theo phương châm "ba nhà" (Nhà nước, nhà trường và nhà đầu tư) để đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp; đồng thời vận động, phối hợp các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn - nhà đầu tư chiến lược trên địa bàn tỉnh đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội. Việc hơn 200 sinh viên Trường đại học Hạ Long vừa tốt nghiệp đã nhận việc làm cho thấy hiệu quả bước đầu trong việc chọn hướng đầu tư.

Với yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về nguồn nhân lực, tất cả 14 địa phương đã ban hành kế hoạch, quy hoạch phát triển nhân lực cấp huyện. UBND tỉnh đã trình HÐND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện các chính sách đặc thù khuyến khích trong đào tạo nghề.

Ðánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ðặng Huy Hậu cho biết, nhận rõ điểm yếu đối với sự phát triển, từ năm 2012, Tỉnh ủy Quảng Ninh nêu quyết tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nghị quyết chuyên đề được triển khai đồng bộ với chính sách thu hút đầu tư. Các cấp ủy rà soát đội ngũ để có lộ trình đào tạo hợp lý. Trung bình mỗi năm, tỉnh chi khoảng 200 tỷ đồng cho phát triển nguồn nhân lực; cử cán bộ tham gia cập nhật kiến thức, công nghệ mới tại các nước phát triển, tập trung ứng dụng chính quyền điện tử, thành phố thông minh; tiếp cận nền hành chính, kinh tế thương mại hiện đại…

Những năm gần đây, cùng với sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tỉnh áp dụng thi tuyển đối với nhiều vị trí, thi tuyển cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã cũng tổ chức tập trung tại tỉnh. Mới đây từ 500 ứng viên có trình độ đại học, Hội đồng thi tuyển đã lựa chọn hơn 200 cán bộ đủ tiêu chuẩn, đạt kết quả cao, bố trí về xã công tác. Qua thực tế triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, đàm phán, trao đổi hợp tác, năng lực cán bộ được nâng lên rất rõ, có ý tưởng mới, mạnh dạn đề xuất chủ trương, chính sách.

So với mục tiêu Nghị quyết số 15 đề ra, vẫn còn những chỉ tiêu như tổng số lao động và tỷ lệ hơn 89% lao động qua đào tạo, trong đó 70% đào tạo nghề… chưa hoàn thành. Cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao chưa thật sự hấp dẫn nhân tài. Tỷ lệ người có trình độ sau đại học ở cấp tỉnh tuy tăng về số lượng nhưng chưa xây dựng được đội ngũ chuyên gia đầu ngành, đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, quản lý giỏi.

Chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề chưa theo kịp trình độ công nghệ của doanh nghiệp, dẫn đến tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm còn thấp...

Ðây là những nhiệm vụ cần tiếp tục nỗ lực thực hiện để hoàn thành mục tiêu quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ từ nay đến cuối nhiệm kỳ, tạo đà vững chắc cho Quảng Ninh bứt phá ở giai đoạn tiếp theo.

Phương Thọ Toán

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40880602-quang-ninh-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc.html