Quảng Ninh: Ngành dân số Quảng Ninh triển khai nhiều hoạt động, đầu tư kinh phí mở rộng xã hội hóa cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản

Nhằm bảo đảm quyền bình đẳng giới và nâng cao vị thế, tiếng nói phụ nữ trẻ em gái, ngành dân số Quảng Ninh đã triển khai nhiều hoạt động, đầu tư kinh phí mở rộng xã hội hóa cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)-KHHGĐ cho phụ nữ, trẻ em gái

Ngành dân số Quảng Ninh tổ chức nhiều hoạt động nhân ngày Dân số thế giới 11/7

Ngành dân số Quảng Ninh tổ chức nhiều hoạt động nhân ngày Dân số thế giới 11/7

Từ ngày 7/7-11/7, hưởng ứng ngày dân số thế giới (11/7), tại Quảng Ninh đã diễn ra nhiều hoạt động tuyên truyền chăm sóc Sức khỏe sinh sản (SKSS) cho phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, các cấp, ngành chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm triển khai nhiều hoạt động, đầu tư kinh phí mở rộng xã hội hóa cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS - KHHGĐ nhằm đảm bảo quyền bình đẳng được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho phụ nữ, trẻ em gái.

Đáng chú ý, Chi cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với các ngành, tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện chiến dịch tăng cường truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp các dịch vụ hàng hóa KHHGĐ, nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS và phòng, chống viêm nhiễm đường sinh sản nhằm nâng cao chất lượng dân số.

Tại các Trạm và TTYT tuyến huyện, xã…, người dân được cán bộ dân số tuyên truyền, tư vấn kiến thức, kỹ năng về SKSS, cách tự chăm sóc, yêu thương bản thân và cách phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục để nâng cao chất lượng dân số.

Đối với những địa bàn có nhiều cặp vợ chồng trẻ, sinh con một bề, vùng có mức sinh cao, những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, chưa áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, nhóm tuổi vị thành niên, thanh niên…, Chi cục Dân số đặc biệt quan tâm, chỉ đạo Phòng Dân số -KHHGĐ triển khai rộng khắp, hiệu quả.

Nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng ngày Dân số Thế giới 11/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Quảng Ninh đã triển khai các hoạt động truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ; tăng cường các hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, như: Chăm sóc trước sinh; phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản; dự phòng bệnh đái tháo đường thai kỳ; dự phòng, tầm soát ung thư cổ tử cung; dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B từ mẹ sang con; chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên... nhằm nâng cao kiến thức cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và giám sát hỗ trợ trong thực hiện các quy trình chuyên môn kỹ thuật như chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau sinh…

Xác định thực hiện tốt công tác chăm sóc SKSS-KHHGĐ là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân số, các bệnh viện cũng đưa nhiều kỹ thuật hiện đại như: Phẫu thuật nội soi buồng trứng, tử cung, điều trị u tử cung, chữa vô sinh, điều trị bệnh lây truyền qua đường sinh sản… Qua đó, giúp chị em được tiếp cận với các dịch vụ y tế một cách tốt nhất, xóa dần khoảng cách chênh lệch nhận thức về SKSS-KHHGĐ…

Theo ghi nhận của phóng viên, huyện Đầm Hà là địa phương có nhiều đồng bào DTTS sinh sống, đời sống nhiều hộ còn khó khăn nên chị em phụ nữ chưa quan tâm đúng mức về chăm sóc SKSS. Vì thế, đội ngũ cán bộ dân số của huyện đã tích cực tham gia các hoạt động nhằm hỗ trợ phụ nữ tại cộng đồng được tiếp cận với dịch vụ thăm khám SKSS. Các chương trình, dự án như chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em, phòng chống các bệnh xã hội, các bệnh không lây nhiễm… được triển khai hiệu quả. 10/10 trạm y tế xã, thị trấn duy trì các hoạt động chăm sóc SKSS. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được khám thai ít nhất 3 lần trong thai kỳ, đạt trên 99,6%, không có ca mắc tai biến sản khoa, không xảy ra trường hợp tử vong mẹ; tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được nhân viên y tế chăm sóc tuần đầu sau sinh đạt 100%.

Theo Chi cục Dân số -KHHGĐ tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, mạng lưới y tế cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ được củng cố từ tỉnh đến cơ sở. Tại các trung tâm y tế cấp huyện đều có khoa chăm sóc SKSS; 177 trạm y tế tuyến xã đều thực hiện quản lý SKSS cho phụ nữ, trong đó 49 trạm y tế ở các xã xa cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh, giao thông đi lại chưa thuận tiện đã thực hiện chức năng quản lý SKSS, quản lý thai nghén, sinh đẻ tại trạm. Các trạm này đều có bác sĩ, y sĩ, nữ hộ sinh có chuyên môn vững vàng về sản khoa.

Để hoạt động chăm sóc SKSS tiếp tục được duy trì ổn định, các ngành cần từng bước nâng cao nhận thức của người dân, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về nâng cao sức khỏe cho phụ nữ mang thai, cải thiện SKSS vị thành niên, giảm bệnh tật và tử vong ở trẻ em, cơ bản loại trừ phá thai không an toàn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về DS-KHHGĐ trong giai đoạn hiện nay.

Thế Nam

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/quang-ninh-nganh-dan-so-quang-ninh-trien-khai-nhieu-hoat-dong-dau-tu-kinh-phi-mo-rong-xa-hoi-hoa-cung-cap-cac-dich-vu-cham-soc-suc-khoe-sinh-san-172230712083317982.htm