Quảng Ninh: Ngư dân phút chốc trắng tay

Nhiều gia đình ven biển Quảng Ninh dốc hết vốn liếng, vay mượn người thân, ngân hàng, đầu tư hàng chục tỷ đồng nuôi cá lồng bè trên biển. Chỉ vài tiếng sau bão, gần như tất cả vốn liếng đầu tư trên biển của những gia đình này bỗng chốc tan biến theo bọt biển treo đầu ngọn sóng. Nhiều ngư dân đang mất ăn, mất ngủ. Họ rất cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời để khắc phục thiệt hại, nhanh chóng phục hồi lồng bè nuôi trồng để làm lại từ đầu...

Tài sản tích cóp cả đời bỗng tan theo sóng biển

Vịnh Bái Tử Long vốn là một vùng biển hiền hòa, khí hậu mát mẻ do được bao bọc, che chắn bởi những rặng đảo san sát, vốn được coi là "thiên đường" của ngư dân nuôi trồng thủy sản. Trước khi tỉnh Quảng Ninh quy định mọi người dân phải rời khỏi lồng bè, lên bờ tránh bão lúc 16 giờ ngày 6-9, chúng tôi nhờ xuồng của cán bộ thị trấn Cái Rồng (Vân Đồn) đi kiểm tra thực địa trên vịnh. Khi ấy, lồng bè cá san sát, dây thả hàu ngay hàng thẳng lối như những tấm lưới khổng lồ xếp đều chằn chặn trên mặt biển. Cảnh tượng không khác gì những làng chài trù phú nổi trên biển, tựa lưng vào những hòn đảo vững chãi, rất thanh bình và đẹp như tranh!

 Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh giúp chị Yến thu gom những vật còn sót lại từ lồng bè cá bị đánh tan.

Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh giúp chị Yến thu gom những vật còn sót lại từ lồng bè cá bị đánh tan.

Vậy mà, chiều 10-9, khi chúng tôi nhờ xuồng của Đồn Biên phòng Hạ Long đi ra khảo sát thực địa, tất cả đã bị bão số 3 quần thảo tan nát. Từ đảo này tới đảo khác chỉ còn lại mặt biển bàng bạc, thi thoảng dập dềnh vài phần mảnh vỡ nhà bè, tre nứa và thùng phao xanh làm lồng bè, phao đen gắn dây hàu, thùng xốp, dây chão. Đó đây, vài con tàu bị sóng đánh lật hoặc dạt hẳn vào một vách đá, ngả nghiêng... Cảnh tượng thật tiêu điều, hoang tàn!

Trên xuồng cũng có người của mấy hộ gia đình đi nhờ để ra kiểm tra phần tài sản còn sót lại của gia đình mình trên biển, trong đó có chị Lê Thị Kim Yến (Tân Lập, Quan Lạn, Vân Đồn) và anh Dương Quốc Cường (Sơn Thạch, Cẩm Thạch, Cẩm Phả). Anh Cường buồn rầu than: "Trước bão, xuồng máy vào đây không chạy nhanh như thế này được; lồng bè, dây hàu thả san sát trên mặt biển xuồng phải luồn lách rất khéo mới đi được. Giờ thì trống trơn cả rồi!".

"Mấy chục tỷ bạc, vốn liếng tích cóp cả đời của chúng tôi, rồi vốn vay ngân hàng, người thân đều đã mất trắng!", tiếng chị Yến buồn rầu lẫn trong tiếng xuồng máy ầm ì. Sự thất thần hiện rõ trên đôi mắt sưng húp. Có lẽ, chị đang cố gắng kiềm chế để nước mắt không tuôn rơi.

Gia đình chị Yến và 3 hộ gia đình khác cùng đầu tư làm lồng bè ở Cái Xuôi (Bản Sen, Vân Đồn) hàng chục năm qua. Gần đây, 4 gia đình đã vay mượn ngân hàng và người thân để mở rộng quy mô nuôi trồng với 165 lồng cá song, 300 lồng cá dìa trên mặt biển và 2 đầm cá dìa trên đảo. Gia đình chị Yến cũng thả 200 dây hàu dọc sông Mang (Tân Lập, Quan Lạn) và hơn 100 dây hàu ở Hòn Cát To. Tất cả đều đã được lấy mẫu, báo giá, sẵn sàng cung cấp cho thị trường và khách hàng đã đặt nhận hàng ngay trước bão, nhưng chưa kịp khai thác thì bão đã đổ về...

Sau chặng đường hơn 20km trên biển, xuồng máy đưa chúng tôi đến Cái Xuôi, nơi 4 hộ gia đình cùng neo lồng bè cá song, cá dìa, thả dây hàu. Tất cả đã tan biến giữa biển cả mênh mông! Toàn bộ hệ thống lồng bè, nhà bè được làm bằng gỗ sến, táu trị giá mấy trăm triệu đồng, vốn dĩ cực kỳ chắc chắn cũng không còn thấy bóng dáng!

"Tan hết rồi!", chị Yến vừa lẩm bẩm, vừa nhảy xuống bãi cát la liệt mảnh vỡ, thùng phao và tre nứa. Đó là tất cả những gì còn sót lại từ mấy chục tỷ đồng!

Nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ nhân dân

Trước thiệt hại nặng nề mà bão số 3 và mưa, lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh, ngày 10-9, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2551/QĐ-UBND về việc cấp bổ sung kinh phí hỗ trợ (đợt 1) cho các địa phương khắc phục thiệt hại bão số 3 và mưa, lũ sau bão với tổng số tiền là 180 tỷ đồng.

Nhiều lồng bè trên biển Vân Đồn bị đánh tan, trôi dạt vào các vách đảo đá.

Nhiều lồng bè trên biển Vân Đồn bị đánh tan, trôi dạt vào các vách đảo đá.

Đồng chí Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết, cùng với việc cấp bổ sung kinh phí để các địa phương sử dụng bên cạnh nguồn ngân sách và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, tỉnh Quảng Ninh cũng đang tập trung xây dựng cơ chế, chính sách còn thiếu, phù hợp với điều kiện của tỉnh và quy định của pháp luật để hỗ trợ nhân dân. Hy vọng với các kế hoạch, chính sách hỗ trợ, những người nuôi trồng thủy sản ở huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh như gia đình anh Dương Quốc Cường và chị Lê Thị Kim Yến sẽ sớm thoát khỏi cơn bị cực, ổn định lại cuộc sống sau mưa bão.

Theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, các chính sách trợ giúp xã hội khẩn cấp bao gồm: Hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu từ nguồn ngân sách nhà nước; hỗ trợ chi phí điều trị người bị thương nặng; hỗ trợ chi phí mai táng; hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ khẩn cấp đối với trẻ em khi cha, mẹ bị chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc các lý do bất khả kháng khác.

Về chính sách hỗ trợ tạo việc làm, phát triển sản xuất, nghị định quy định rõ: "Hộ gia đình có người là lao động chính bị chết, mất tích hoặc hộ gia đình bị mất phương tiện sản xuất chính do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc lý do bất khả kháng khác dẫn đến mất việc làm thì được xem xét trợ giúp tạo việc làm, phát triển sản xuất theo quy định hiện hành".

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/quang-ninh-ngu-dan-phut-choc-trang-tay-793948