Quảng Ninh nhận diện thách thức từ Covid-19, đồng bộ giải pháp để phát triển kinh tế
Quảng Ninh đã đưa ra các giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2020 trước bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường.
Nhân dân Quảng Ninh chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 và tiếp tục xây dựng hình ảnh, thương hiệu địa phương. (Nguồn: BQN)
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) bùng phát tại Trung Quốc và lan rộng đến một số vùng lãnh thổ trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản... đã tác động đến kinh tế Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại. Tình hình dịch bệnh có diễn biến ngày càng phức tạp, khó dự đoán về thời điểm kiểm soát hiệu quả sẽ gây ảnh hưởng trong ngắn hạn và dài hạn.
Thách thức đến từ Covid-19
Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, dự báo tổng các nhóm dịch vụ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình suy giảm kinh tế do dịch bệnh bao gồm từ bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, ô tô và xe có động cơ; vận tải, kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; nghệ thuật, vui chơi, giải trí... có thể chiếm khoảng 20% GRDP của tỉnh.
Phân tích riêng trong lĩnh vực du lịch, lượng khách đến tỉnh dự báo trong quý I/2020 sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lượng khách từ thị trường Trung Quốc và Đông Bắc Á có thể giảm tới 80%; thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ, Australia giảm gần 30%; khách nội địa có thể giảm tới 70%. Cùng với ngành Du lịch, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam với Trung Quốc và ngược lại so với cùng kỳ hiện khá cầm chừng.
Bên cạnh đó, các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh bị hạn chế làm gián đoạn nguồn cung, do vậy ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp tại Quảng Ninh sản xuất kinh doanh trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo (sợi dệt, quần áo...).
Hiện tại, hoạt động của một số doanh nghiệp lớn tại khu công nghiệp Texhong Hải Hà, khu công nghiệp Hải Yên, khu công nghiệp Việt Hưng... đang giữ ở mức cầm chừng, dành nguồn lực, nhân lực cho phòng, chống dịch bệnh. Do tình hình dịch bệnh ảnh hưởng, một bộ phận quản lý và kỹ thuật viên người Trung Quốc chưa thể quay lại vị trí làm việc, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, dẫn đến thời gian giao hàng cho khách bị kéo dài, sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, thị trường tiêu thụ trong nước sẽ chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh do ảnh hưởng chung từ sự sụt giảm của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Theo đó, số lượng đơn đặt hàng từ thị trường này giảm và việc tìm kiếm các đơn hàng mới của doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ khó khăn hơn so với năm 2019. Vì vậy, những tác động từ dịch bệnh đến nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội sẽ vẫn còn rất lớn và lâu dài, có thể đến 2 quý cuối năm 2020, các ngành kinh tế mới có thể dần phục hồi.
Quảng Ninh tiếp tục tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. (Nguồn: BQN)
Tận dụng tối đa dư địa phát triển kinh tế
Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối của nhiệm kỳ 5 năm 2016-2020, chuẩn bị, tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021-2025, năm diễn ra nhiều ngày lễ kỉ niệm lớn của đất nước, vì vậy, Chính quyền tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo thực hiện các giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đạt và có thể vượt các chỉ tiêu đề ra trong năm 2020.
Như Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký phân tích, tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn, tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó lường. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị không được chủ quan, lơ là, nhưng cũng không quá lo lắng, hoang mang.
Theo đó, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và thực hiện chủ đề năm 2020 về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và đảm bảo tăng trưởng kinh tể bền vững", UBND tỉnh tiếp tục đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chương trình công tác đề ra với tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2020 tăng 12% (Quý I: tăng 8,2%, Quý II: tăng 11%, Quý III: tăng 13,8%, Quý IV: tăng 14,3%).
Theo đó, Tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không để dịch bệnh xuất hiện, lây lan và bùng phát trên địa bàn; bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân; bảo đảm nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an ninh trật tự, chuẩn bị tổ chức đại hội đảng các cấp thành công; thực hiện hiệu quả, triệt để các cơ chế, chính sách, các nguồn lực ngân sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Đồng thời, yêu cầu tất cả các ngành, địa phương phải xây dựng kịch bản cụ thể, khả thi để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 đúng theo kế hoạch đặt ra.
Để đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng, các sở, ngành, địa phương cần tập trung tăng cường các giải pháp tăng trưởng kinh tế trên cơ sở bù đắp những thiếu hụt từ ngành du lịch, tận dụng tối đa dư địa phát triển của ngành, lĩnh vực ít chịu tác động từ dịch bệnh và có khả năng phục hồi tốt hơn, tiếp tục tăng cường các giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tạo thuận lợi trong thành lập doanh nghiệp mới; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư; tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên.
Tỉnh cũng chỉ đạo cụ thể đối với các ngành, địa phương liên quan tiến hành rà soát toàn bộ các dự án đã nghiên cứu quy hoạch, đã được giao đất, đang sử dụng đất ở hai bên bờ Vịnh Cửa Lục, trọng điểm là KCN Cái Lân và ven đường kết nối giữa KCN Cái Lân, KCN Việt Hưng đến cao tốc Vân Đồn - Hạ Long. Trên cơ sở đó, sẽ thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo mục tiêu mới, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, môi trường, tạo lợi thế thu hút các dự án đầu tư quy mô, bền vững.
Với mục tiêu đưa Quảng Ninh là điểm đến “An toàn, Hấp dẫn, Thân thiện”., các sở, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đảm bảo các thủ tục cho các nhà đầu tư, nhất là các dự án đã có trong chủ trương của Tỉnh. Đặc biệt, các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp; cùng những cơ chế thông thoáng, ưu việt thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, nhất là về công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, xây dựng... nếu tiếp tục được chú trọng, Quảng Ninh hoàn toàn có để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.