Quảng Ninh, Ninh Bình di dời 8.518 người ra khỏi khu nuôi thủy sản, tập thể cũ
Tỉnh Quảng Ninh di dời 7.518 người ở các khu nuôi trồng thủy sản lên bờ an toàn trong khi tỉnh Ninh Bình sơ tán hơn 1.000 người ra khỏi khu tập thể cũ ở phường Nam Định nhằm ứng phó bão số 3.

Một khu nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh. (Nguồn: TTXVN)
Trước diễn biến hết sức phức tạp của cơn bão số 3, tỉnh Quảng Ninh huy động nguồn lực, chuẩn bị các phương án phòng, chống bão thể hiện tinh thần chủ động, sẵn sàng “4 tại chỗ,” quyết tâm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Đến 9h, ngày 21/7, Quảng Ninh đã tổ chức di dời được 7.518 người ở các khu nuôi trồng thủy sản lên bờ an toàn và đang tiếp tục triển khai rà soát, hoàn thành công tác này.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh có 7.708 cơ sở nuôi trồng thủy sản, trong đó 800 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển đều đã được thông tin về bão để triển các giải pháp ứng phó nhằm đảm bảo an toàn.
Việc rà soát, di dời người dân ở các khu nuôi trồng thủy sản lên bờ (ưu tiên phụ nữ, người già, trẻ nhỏ) đã được triển khai từ trưa 19/7.
Tại xã Cái Chiên, ông Hoàng Văn Hải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão Wipha đối với các hộ nuôi trồng thủy sản trên biển.
Ông Hoàng Văn Hải nhấn mạnh Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Tìm kiếm cứu nạn xã cần chủ động các biện pháp phòng, chống bão, không được lơ là, chủ quan; tích cực tuyên truyền, vận động, kêu gọi, giám sát chủ các phương tiện tàu thuyền, người lao động trên các chòi nuôi trồng thủy sản nhanh chóng vào nơi tránh trú bão an toàn.
Đối với những tàu, phà, bè mảng đã vào khu vực neo đậu an toàn, phải thực hiện giằng néo các tàu, phà khi neo đậu đảm bảo an toàn cho phương tiện.
Cùng ngày, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bão trên địa bàn. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo công tác phòng chống phải tiếp tục được tăng cường, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Toàn tỉnh Quảng Ninh có 2.078 nhà có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở…và không đảm bảo an toàn khi bão mạnh ảnh hưởng. Ủy ban Nhân dân các địa phương đã thông tin và lập phương án di dời khi có nguy cơ và thông báo đến các hộ dân để chủ động thực hiện.
Trước đó, trong ngày 20/7, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng đã tổ chức đưa khoảng 14.000 khách du lịch các tuyến đảo về bờ an toàn. Đến 17h, ngày 20/7, chỉ còn 47 khách du lịch có nhu cầu ở lại đang lưu trú trên các đảo thuộc Đặc khu Cô Tô và Đặc khu Vân Đồn.
Địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch đảm bảo nhu cầu sinh hoạt và an toàn của khách. Tỉnh Quảng Ninh cũng thông báo 76 điểm tránh trú bão cho tàu thuyền trên địa bàn.
Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh đã huy động tổng lực hơn 2.660 cán bộ, chiến sỹ cùng hàng trăm phương tiện chuyên dụng để phòng, chống bão số 3.
Trước sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về nhân lực, vật lực và sự vào cuộc của cả bộ máy chính trị, người dân trong chủ động phòng, chống bão số 3 sẽ giảm thấp nhất thiệt hại và không để xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ, thiệt hại đáng tiếc.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Nam Định Phạm Hồng Thái vận động người dân ở khu tập thể cũ di chuyển đến nơi ở an toàn. (Ảnh: Thái Thuần/TTXVN)
Cũng nhằm phòng chống bão số 3, tỉnh Ninh Bình sơ tán hơn 1.000 người ra khỏi khu tập thể cũ.
Theo Ủy ban Nhân dân phường Nam Định (Ninh Bình) hiện trên địa bàn phường có nhiều khu chung cư, tập thể cũ được xây dựng từ trước những năm 1970; hiện đã bị xuống cấp nghiêm trọng, không an toàn cho người dân mỗi khi có mưa bão.
Trước thực trạng đó và với những diễn biến phức tạp, khó lường của cơn bão số 3, các lực lượng chức năng phường Nam Định đã xuống tận từng hộ dân tuyên truyền, vận động và giúp đỡ các hộ dân thu xếp tài sản, nhanh chóng di dời về địa điểm an toàn.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Nam Định, tỉnh Ninh Bình Phạm Hồng Thái, trên địa bàn phường Nam Định hiện có 462 hộ với trên 1.000 nhân khẩu đang ở tại các khu nhà không an toàn; trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Ủy ban Nhân dân phường triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống bão; lập phương án sơ tán dân, bố trí cho người dân tạm thời lưu trú tại một số công sở, trạm y tế, trường học trên địa bàn, đồng thời cắt cử lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự cho người dân đến khi cơn bão đi qua.
Ông Vũ Ngọc Oánh, trú tại ngõ 209 đường Hoàng Văn Thụ, phường Nam Định, tỉnh Ninh Bình cho biết: "Do khu nhà ở đã xây dựng từ lâu, xuống cấp nghiêm trọng, cứ hễ trời mưa là dột, ngập lụt. Nếu bão to như thế này không biết bị sụp đổ bất cứ lúc nào do vậy để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của mình, chúng tôi chấp hành nghiêm chỉ mọi sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Chúng tôi mong các cấp các ngành quan tâm tạo điều kiện có nơi ở mới an toàn để chúng tôi yên tâm sinh sống."
Để chủ động ứng phó với bão số 3, đặc biệt là nguy cơ mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra, nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân và doanh nghiệp; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình yêu cầu các xã, phường không chủ quan, lơ là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả phòng ngừa, ứng phó bão với tinh thần cao nhất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Hiện trạng những ngôi nhà dân tại ngõ 207 đường Hoàng Văn Thụ, phường Nam Định, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Thái Thuần/TTXVN)
Đặc biệt khẩn trương rà soát, triển khai ngay các phương án đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân sinh sống tại các khu nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước, nhà yếu, không an toàn, chung cư cũ tại các đô thị, đặc biệt là tại phường Nam Định; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để quyết định di dời người dân tại khu vực nhà ở nguy hiểm đến nơi tránh trú để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "4 tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Hướng dẫn nhân dân và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, các công trình cao tầng, cột điện, cột thu phát sóng viễn thông, tháo dỡ biển hiệu quảng cáo, cắt tỉa cành cây... để bảo vệ đường điện và các công trình khu vực xung quanh; phối hợp với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ tiêu thoát nước thực hiện tốt việc tiêu rút nước đệm, nhất là vùng trũng thấp, vùng có khả năng tiêu nước kém, khu vực đô thị.
Cùng đó, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến và đường đi của bão; rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm "4 tại chỗ"; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị, nhất là tại các trọng điểm xung yếu để kịp thời triển khai xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Đặc biệt, tập trung kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền tại khu neo đậu; kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu, lồng bè, chòi canh, khi bão đổ bộ vào; xử lý nghiêm chủ phương tiện, tàu thuyền, lồng bè không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong việc phòng, chống bão./.