Thực hiện nhiều biện pháp chống úng cho cây trồng
Đến chiều ngày 21/7, toàn tỉnh Hưng Yên đã vận hành 34 trạm bơm, triệt để tiêu nước đệm phòng, chống úng để ứng phó với mưa lớn do bão số 3 gây ra, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Công nhân Trạm bơm Tân Phúc Bình trực 24/24 để vận hành bơm tiêu.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng của bão số 3, ngày 21/7, các khu vực trong tỉnh đã có mưa vừa, mưa to. Trước tình hình mưa lớn diễn biến nhanh có thể gây nguy cơ ngập úng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, các công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã vận hành toàn bộ các cống có thể tiêu được để hạ thấp mực nước trong hệ thống; đồng thời vận hành 34 trạm bơm tiêu với 116 máy bơm hoạt động.
Những ngày qua, công nhân Trạm bơm Tân Phúc Bình tổ chức lực lượng trực 24/24 vận hành trạm bơm. Ông Lê Duy Hưng, Trưởng trạm bơm Tân Phúc Bình cho biết: Chúng tôi duy trì lực lượng gồm 6 người trực 24/24 vận hành 8 trên tổng số 11 máy bơm, tổng công suất 20 nghìn m3/giờ liên tục từ 10 giờ 20 phút ngày 20/7 đến nay để tiêu nước đệm phòng úng cho khu vực Tân Hòa, Phúc Thành, Tân Phong là vũng trũng, thấp. Công nhân cũng thường xuyên kiểm tra, thu vớt bèo bồng, vật cản tại các cửa lấy nước để tạo thuận lợi cho bơm tiêu.
Ông Hoàng Nam Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình cho biết: Để triệt để tiêu nước đệm, Công ty đã chỉ đạo công nhân trực tại các cống dưới đê, tranh thủ triều cường mở cống để tháo gạn nước. Ngoài ra, từ chiều ngày 20/7, Công ty đã cho vận hành 3 trạm bơm tiêu, đến sáng ngày 21/7 vận hành thêm 3 trạm bơm: Tân Phúc Bình, Cự Lâm, An Quốc, Nguyên Tiến Đoài, Lịch Bài, Phù Sa để chủ động phòng, chống úng cho các khu vực trũng, thấp. Hiện nay, mực nước các khu vực trong hệ thống vẫn trong ngưỡng an toàn. Cây cối, rau màu, lúa mùa chưa bị ảnh hưởng. Chúng tôi tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, lượng mưa trong những ngày tới để chỉ đạo vận hành các công trình phù hợp.
Ông Bùi Xuân Khả, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình cho biết: Từ đêm ngày 20/7, công ty đã vận hành 2 trạm bơm: Cống Lấp, Hậu Thượng. Đến ngày 21/7 tiếp tục vận hành thêm 8 trạm bơm: Minh Tân, Hà Thanh, Tịnh Xuyên, Quỳnh Hoa, Cao Nội, Đại Nẫm, Hệ, Thủy Nguyên. Đối với các cống tự chảy vùng thủy triều, công ty đã mở cống tiêu nước với thời gian tiêu tối đa cho phép.

Đến chiều ngày 21/7, toàn tỉnh đã vận hành 34 trạm bơm tiêu phòng chống úng cho cây trồng.
HTX DVNN Vũ Công ở xã Hồng Vũ đang quản lý gần 300 ha lúa mùa, trong đó có gần 60% diện tích (170 ha) gieo thẳng đã sinh trưởng được 1,5 – 2 lá thật. Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc HTX cho biết: Đến ngày 21/7, thành viên HTX đã hoàn thành gieo, cấy lúa mùa trong khung thời vụ. Dù không được khuyến cáo song do tập quán canh tác, người dân vẫn tự ý gieo thẳng. Đây là phương pháp canh tác tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong vụ mùa do thời tiết bất thuận. Trước khi bước vào sản xuất vụ mùa, HTX đã tiến hành khơi thông 30 km kênh nội đồng, 6 km kênh dẫn để thuận lợi trong điều tiết nước. Do đồng ruộng trong vùng trũng thấp, trước dự báo có thể xảy ra mưa lớn bởi bão số 3, HTX đã chỉ đạo các đội thủy nông tháo gạn nước mặt ruộng, hướng dẫn nông dân bảo quản, chăm sóc diện tích mạ dự phòng; chuẩn bị giống lúa ngắn ngày để cấy, dặm khi cần thiết. HTX cũng đã huy động lực lượng, chuẩn bị các loại máy bơm di động để tiêu nước nhanh nhất cho các vùng trũng. Tuyệt đối không để cây lúa bị ngập lâu vì nếu sau mưa mà gặp nắng nóng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng, phát triển, thậm chí làm lúa bị thối, chết.

Cán bộ thủy nông HTX SXKD DVNN An Ninh, xã Phụ Dực khơi thông dòng chảy.
Mưa lớn và ảnh hưởng của bão số 3 có nguy cơ rất cao gây ngập úng cho lúa mới cấy. Tỉnh Hưng Yên xác định thiệt hại về sản xuất nông nghiệp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Ngành nông nghiệp chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và nông dân kiểm tra, rà soát lại diện tích mạ dự phòng đã gieo, diện tích mạ còn dư, bảo vệ diện tích này bằng mọi biện pháp, đồng thời cân đối lượng giống lúa ngắn ngày đã dự phòng để kịp thời cấy dặm, gieo bổ sung khi lúa bị ngập úng; khoanh vùng diện tích lúa mới cấy, cây lúa chưa bén rễ, hồi xanh, diện tích lúa gieo thẳng dễ bị ngập ưu tiên tiêu thoát nước trước theo phương châm “Vùng trũng tiêu nước trước, vùng cao tiêu nước sau, lúa mới cấy tiêu nước trước, lúa cấy sớm tiêu nước sau”; khẩn trương củng cố lại hệ thống bờ vùng, bờ bao, bờ thửa để thuận lợi cho công tác tiêu thoát nước. Đối với rau màu, cây ăn quả, người dân thu hoạch nhanh diện tích đã đến kỳ thu hoạch, tiến hành che chắn, chằng chống để hạn chế đổ, gãy cây, rụng quả; khơi thông cống, rãnh thoát nước. Sở cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc huy động 100% các cán bộ kỹ thuật xuống trực tiếp cơ sở để chỉ đạo phòng, chống lụt, bão, úng khi có mưa lớn ảnh hưởng đến sản xuất, đặc biệt là sau bão, xây dựng các phương án khắc phục, khôi phục sản xuất.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/thuc-hien-nhieu-bien-phap-chong-ung-cho-cay-trong-3182804.html