Quảng Ninh: Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu
Thời gian qua, với việc triển khai đồng bộ các biện pháp, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường tiềm năng thông qua các hiệp định, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều khởi sắc.
Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu
7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu (XNK) của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt 1,966 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ 2023. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Xi măng ước đạt 61,1 triệu USD; clinker 65,8 triệu USD; xơ, sợi bông ước đạt 262 triệu USD; thủy sản chế biến ước đạt 3,2 triệu USD; quần áo các loại ước đạt 172 triệu USD; dầu thực vật 1,4 triệu USD; nến 40,7 triệu USD; dăm gỗ 171 triệu USD…
Cuối tháng 6/2024, cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc), bao gồm lối thông quan Bắc Phong Sinh (Việt Nam) - Lý Hỏa (Trung Quốc) được mở chính thức, tiếp tục là tiền đề quan trọng để hai bên tiến hành quy hoạch, thu hút đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nghiên cứu các cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK.
Cùng với thị trường Trung Quốc, tỉnh Quảng Ninh cũng tập trung phát triển vào các thị trường FTA, để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhằm mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của tỉnh.
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động xuất khẩu về: Thiết bị điện tử, linh kiện, xi măng, clinke, than, dầu thực vật, nến cao cấp, vonfram, sợi hóa học, vải bạt polyme, đá vôi, giầy dép, quần áo, thủ công mỹ nghệ, gốm sứ… sang các thị trường Singapore, Malaisia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và các thị trường còn nhiều tiềm năng như Lào, Myanmar, Brunei.
Năm 2024, Quảng Ninh phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong tỉnh đạt 11% so với cùng kỳ, trong đó tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu 65%; tăng tỷ trọng vào thị trường xuất khẩu khu vực châu Á đạt khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu; thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu đạt khoảng 5%; thị trường xuất khẩu khu vực châu Mỹ đạt khoảng 2%; thị trường xuất khẩu khu vực châu Phi đạt khoảng 1%; thị trường xuất khẩu khu vực khác đạt khoảng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng tận dụng tối đa các ưu đãi từ các hiệp định đa phương và song phương để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản chế biến, hàng may mặc, nến cao cấp, gạch, gốm cao cấp, xơ sợi, than, dăm gỗ... sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản; xuất khẩu than, gạch ốp lát, gốm, thủy hải sản, nến cao cấp, xi măng, clinke… vào thị trường Ấn Độ, Pakistan; xuất khẩu hàng điện tử, may mặc, nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản thực phẩm, gạch ốp lát, gốm sứ, nến cao cấp, bật lửa... sang thị trường EU (Đức, Anh, Pháp và Italia)…
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Quảng Ninh, hiện đơn vị đang chú trọng vào các hoạt động xúc tiến thương mại số đối với các thị trường xuất khẩu chủ lực, thị trường có FTA với Việt Nam. Từ đó góp phần là cầu nối hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, gắn với xây dựng thương hiệu.
Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp
Được biết, thời gian tới Sở Công Thương Quảng Ninh sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các đơn vị, sở, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy hoạt động XNK trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung vào công tác nắm bắt tình hình hoạt động XNK, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động XNK tại các cửa khẩu, lối mở biên giới, để đảm bảo thông quan thuận lợi, an toàn, hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp, đồng thời, thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp XNK các quy định mới có liên quan đến hoạt động XNK.
Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh cũng tích cực hỗ trợ, hướng dẫn giúp doanh nghiệp. Trong 7 tháng năm 2024, đơn vị thu hút thêm hơn 400 doanh nghiệp mới đến làm thủ tục (tăng 23% về doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2023). Bên cạnh đó, đơn vị đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, thuận tiện và triển khai thêm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: Rà soát, lựa chọn những doanh nghiệp có kim ngạch XNK lớn, hàng hóa phù hợp với đặc thù cửa khẩu để thu hút, tạo hiệu ứng lan tỏa tới các doanh nghiệp khác về làm thủ tục hải quan. Đối với doanh nghiệp FDI, căn cứ danh sách các dự án đầu tư trên địa bàn, đơn vị đã yêu cầu các chi cục chủ động gặp gỡ, hướng dẫn thủ tục hải quan, đảm bảo 100% các doanh nghiệp, hàng hóa XNK làm thủ tục hải quan tại chi cục.
Trong 7 tháng năm 2024, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã làm thủ tục gần 92.000 tờ khai, 11 tỷ USD là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) (tăng 25% về tờ khai, 22% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023), đưa số thu ngân sách nhà nước đạt trên 11.200 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 90% chỉ tiêu của Chính phủ giao 87% chỉ tiêu tỉnh Quảng Ninh giao).
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao các giải pháp tạo thuận lợi của Cục Hải quan Quảng Ninh trong việc hỗ trợ, hướng dẫn giúp doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật. Từ đó tạo tiền đề để các doanh nghiệp nâng cao năng lực XNK hàng hóa tại cửa khẩu, cũng như giải quyết thủ tục hải quan nhanh chóng, thuận tiện. Chính điều này đã giúp các doanh nghiệp XNK thực hiện các hợp đồng cho khách hàng đúng hẹn, nâng cao khả năng cạnh tranh, ổn định kinh doanh, tiết kiệm chi phí, nguồn nhân lực"./.