Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2045 đưa giáo dục của tỉnh thuộc top đầu của cả nước
Phát triển GD&ĐT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quảng Ninh đặt ra những mục tiêu cụ thể và giải pháp để xây dựng nền GD tiên tiến, hiện đại, hội nhập.
Xây dựng nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, hội nhập
Phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu xây dựng nền giáo dục Quảng Ninh tiên tiến, hiện đại và hội nhập, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển giáo dục và chất lượng giáo dục.
Đồng thời, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện công bằng và thuận lợi để mọi người dân Quảng Ninh được học tập suốt đời. Xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh.
Thực hiện đổi mới, phát triển toàn diện học sinh, học viên, sinh viên, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đào tạo thế hệ trẻ thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có lối sống lành mạnh, ý thức trách nhiệm xã hội.
Tỉnh cũng đặt ra mục tiêu xây dựng hệ thống giáo dục mở, phục vụ học tập suốt đời, công bằng và bình đẳng, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.
Phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.
Đặc biệt, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiếp tục quan tâm, triển khai các công tác có hiệu quả, tạo ra sự khác biệt, tiệm cận với giáo dục tiên tiến hiện đại khu vực và thế giới. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu môn học.
Định hướng đến năm 2045, tỉnh Quảng Ninh xây dựng và phát triển giáo dục văn minh, hiện đại, năng động, sáng tạo, phát huy truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, tiếp thu văn minh của thế giới.
Trở thành nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến học tập, sinh sống và làm việc, góp phần xây dựng Quảng Ninh phồn vinh, cuộc sống người dân ấm no, gia đình hạnh phúc. Đưa giáo dục Quảng Ninh thuộc top đầu của cả nước.
Hiện thức hóa mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo
Để hoàn thành những mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra một số giải pháp tập trung vào một số nội dung chính: quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục; đảm bảo tính công bằng trong tiếp cận giáo dục; điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; chất lượng giáo dục các cấp và đào tạo nguồn nhân lực.
Cụ thể, về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, tỉnh thực hiện nghiêm túc việc phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp các trường, điểm trường, lớp học đảm bảo tinh gọn, phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người học, góp phần nâng cao chất lượng giáo.
Triển khai thực hiện tự chủ trong giáo dục và đẩy mạnh phát triển các cơ sở giáo dục tư thục thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi để giảm áp lực cho hệ thống trường công lập.
Đảm bảo phát triển hệ thống giáo dục hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa giáo dục chính quy và không chính quy theo phương châm ngân sách nhà nước là chủ đạo, kết hợp với huy động tối đa nguồn lực ngoài ngân sách và nguồn lực trong nhân dân.
Về bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục,Quảng Ninh xây dựng nền giáo dục mở, hiện đại, tiên tiến, cơ cấu, phương thức phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương.
Đưa Quảng Ninh nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục, đào tạo, một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng, tỉnh học tập tham gia mạng lưới thành phố, tỉnh học tập toàn cầu UNESCO.
Đặc biệt, tỉnh ưu tiên đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, học viên vùng biên giới, hải đảo, dân tộc ít người, trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, những người yếu thế khác.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách cho người học; chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho người học là đối tượng được hưởng chính sách xã hội.
Một số giải pháp khác như cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phổ cập giáo dục, phân luồng học sinh phổ thông, và xóa mù chữ; duy trì vững chắc tỉ lệ học sinh mầm non được học 2 buổi/ngày; phấn đấu đến năm 2025, 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày;...cũng được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm.
Về điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo, Quảng Ninh tập trung phát triển, hoàn thiện hạ tầng giáo dục và đào tạo theo 3 khu vực: đô thị; nông thôn; miền núi, biên giới, hải đảo. Trong đó, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tổi thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thực hiện ưu tiên củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và các trường phổ thông có học sinh bán trú, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.
Tích cực đẩy nhanh việc thực hiện lộ trình tự chủ trong các cơ sở giáo dục công lập ở những nơi có điều kiện, tạo nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục; đồng thời đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Bên cạnh đó, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích đào tạo, đào tạo lại, thu hút nhân tài và nâng cao thu nhập nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, nhất là đối với khu vực, địa bàn khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo.
Tiếp tục rà soát đội ngũ giáo viên, xác định nhu cầu giáo viên theo lộ trình để có biện pháp tham mưu giải quyết số giáo viên thừa, thiếu cục bộ, giáo viên chưa đạt chuẩn và bổ sung đội ngũ giáo viên còn thiếu, đặc biệt giáo viên tin học và ngoại ngữ.
Tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ tăng cường sự phối hợp, thực hiện đồng bộ cơ chế phân bổ chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục tại các địa phương trong tỉnh, bảo đảm chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục của tỉnh đạt tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách nhà nước.
Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh hoàn thành mục tiêu mỗi huyện có ít nhất 1 trường học công lập theo tiêu chí chất lượng cao ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông; mỗi thành phố, thị xã có 1 trường trung học phổ thông công lập theo tiêu chí chất lượng cao (chuẩn mức độ 2 trở lên).
Về chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, Quảng Ninh tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng tập trung phát triển năng lực, kỹ năng, phẩm chất cho người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ.
Chủ động, tích cực tận dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu hướng chuyển đổi số để tạo đột phá phát triển giáo dục thông minh, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh Quảng Ninh gắn với yêu cầu của hội nhập quốc tế.
Đổi mới giáo dục mầm non theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của trẻ em. Nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non gắn với việc thực hiện hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021 - 2025”; chủ đề năm học "Xây dựng trường mầm non xanh - an toàn - thân thiện" và Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025
Song song với đó, duy trì, giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn; chất lượng điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông. Nâng cao số lượng và chất lượng giải học sinh giỏi quốc gia, Olympic khu vực, quốc tế.
Đồng thời, đổi mới phương pháp giáo dục, hình thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, giáo dục thông minh và kiên trì, sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học.
Về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, Quảng Ninh tập trung nguồn lực xây dựng Trường Đại học Hạ Long theo mô hình đô thị đại học, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao của khu vực.
Xây dựng Trường Cao đẳng Việt - Hàn theo hướng chất lượng cao đào tạo đa ngành và hướng đến tiếp cận trình độ ASEAN 4.
Mở rộng các cơ sở đào tạo, dạy nghề chất lượng cao, ưu tiên các lĩnh vực ngành nghề tỉnh trọng điểm (công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ, du lịch; kinh tế biển...). Đồng thời, tăng cường kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và doanh nghiệp.
Ngành giáo dục và đào tạo chủ động nghiên cứu, tham mưu với tỉnh hoàn thiện về cơ chế, chính sách nhằm thu hút, đãi ngộ, tôn vinh các trí thức có tài năng, có phẩm chất đạo đức tốt. Bảo đảm được các điều kiện về cơ sở vật chất, chế độ, tiền lương, để trí thức yên tâm công tác, nhất là trí thức trẻ, trí thức ở những vùng sâu, vùng núi khó khăn của tỉnh.
Tiếp tục xây dựng các cơ chế chính sách thu hút nhân tài cho ngành giáo dục; ưu đãi về chế độ tiền lương, điều kiện làm việc, sinh hoạt đối với trí thức, nhất là trí thức làm việc ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo và trí thức là người dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, thường xuyên thực hiện công tác thi đua, khen thưởng nhằm tôn vinh những trí thức giỏi, tài năng, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển giáo dục nói riêng và của tỉnh nói chung.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 8/02/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dự kiến ngày 14/06/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.