Quảng Ninh phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm 2025 tăng 12,05%
Để đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt trên 12% theo Công điện số 140 về việc phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ, HĐND tỉnh Quảng Ninh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng mục tiêu tăng trưởng cho từng quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm.
Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm tăng 12,05%; trong đó giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 12,36%; khu vực dịch vụ tăng 14,12%; thuế sản phẩm tăng 7,56%.
Thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt 57.330 tỷ đồng. Tổng khách du lịch ước đạt 20 triệu khách; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 55.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 3.980 triệu USD. Tổng vốn đầu tư xã hội tăng 10%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 14,6%...
Để thực hiện kịch bản, mục tiêu đề ra, một số giải pháp được xác định là: tập trung đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thế hệ mới vào các khu công nghiệp, khu kinh tế; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư về thủ tục hành chính, quy hoạch, đất đai, giải phóng mặt bằng, vật liệu san lấp... để các dự án sớm đi vào hoạt động;
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm du lịch, dịch vụ đã có và tiếp tục đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch mới nhằm tăng mức chi tiêu, doanh thu và hiệu quả kinh tế du lịch; tập trung phát triển nghề nuôi biển, góp phần gia tăng giá trị cho ngành thủy sản. Cùng với việc gia tăng lượng khách phải có giải pháp để tăng mức chi tiêu của khách du lịch khi đến với Quảng Ninh; đồng thời thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu thông qua việc triển khai một số dự án mang tính động lực.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tiếp tục quan tâm đẩy nhanh tiến độ các số dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trọng điểm; hoàn thành việc giao biển để các hộ nuôi trồng có điều kiện tái sản xuất gắn với chuyển đổi công nghệ nuôi theo hướng công nghệ cao; hoàn thành trồng mới toàn bộ diện tích rừng bị ảnh hưởng do cơn bão số 3, phấn đấu trong quý I/2025.
Năm 2024, Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,42%, đứng thứ 6 trong vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 20 cả nước; quy mô nền kinh tế ước đạt 347.534 tỷ đồng, đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 7 cả nước.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 109.400 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ; khách du lịch đạt 19 triệu lượt, tăng 20% so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,9% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt 3.539 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 2,8 tỷ USD nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.
Tổng thu ngân sách nhà nước đến ngày 25/12/2024 đạt 52.688 tỷ đồng, trong đó: Thu từ xuất nhập khẩu đạt 17.952 tỷ đồng, thu nội địa đạt 34.748 tỷ đồng. Ước cả năm 2024 đạt 55.600 tỷ đồng bằng 100% kế hoạch năm đề ra, trong đó: Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 18.000 tỷ đồng; thu nội địa ước đạt 37.435 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương đến ngày 25/12/2024 đạt 19.880 tỷ đồng, bằng 70% dự toán, bằng 100% cùng kỳ; ước thực hiện cả năm đạt 25.868 tỷ đồng, bằng 95% dự toán năm, tăng 4% so cùng kỳ.
Sau cơn bão số 3, tỉnh Quảng Ninh đã bố trí 1.180 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, đến nay đã chi 218 tỷ đồng và đang tiếp tục xem xét, giải quyết theo đề nghị của các địa phương. Tổng chi an sinh xã hội đạt gần 1.900 tỷ đồng (tăng 23% so với năm ngoái). Đồng thời hoàn thành sớm hơn 2 năm chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp; toàn tỉnh giảm 238 hộ nghèo (bằng 96,7% kế hoạch năm); tạo việc làm tăng thêm cho trên 31.000 lao động (bằng 104% kế hoạch năm).
Tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược trong phát triển hạ tầng giao thông, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, tài nguyên và môi trường được chú trọng. Hoàn thành phê duyệt vị trí việc làm của 941 cơ quan đơn vị. Quốc phòng an ninh, chủ quyền biển đảo được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.