Quảng Ninh phấn đấu trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa phê duyệt Đề án phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với định hướng đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới, đồng thời là điểm đến đẳng cấp quốc tế về nghỉ dưỡng, văn hóa và sự kiện.
Theo Đề án, để trở thành tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới, Quảng Ninh cần là điểm đến của các sự kiện âm nhạc, điện ảnh, lễ hội quốc tế; là trung tâm tổ chức hội nghị, hội chợ, triển lãm hay điểm đến "trăng mật" lãng mạn hàng đầu châu Á. Quảng Ninh cũng có lợi thế nếu trở thành trung tâm du lịch tâm linh - Phật giáo của Việt Nam và thế giới.
Cùng với đó, Quảng Ninh cần tập trung phát triển các sản phẩm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe mang đẳng cấp toàn cầu; chú trọng quy hoạch không gian du lịch hợp lý, xây dựng hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy liên kết vùng, quốc gia và quốc tế, giữ vững ổn định biên giới và môi trường hợp tác hòa bình, tạo nền tảng cho du lịch phát triển bền vững.

Quảng Ninh phấn đấu trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045
Năm 2025, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đón 20 triệu lượt khách, trong đó có 4,5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt 55.000 tỷ đồng và kỳ vọng đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ là điểm đến của trên 26 triệu lượt khách, trong đó 9 triệu là khách quốc tế, với doanh thu khoảng 158.000 tỷ đồng (tăng gấp 3,4 lần so với năm 2024). Tầm nhìn đến năm 2045, Quảng Ninh trở thành điểm đến toàn cầu, nơi vịnh Hạ Long - Bái Tử Long được định vị là “thiên đường cảnh quan” và biểu tượng của sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội, môi trường và chất lượng sống chuẩn quốc tế...
Trước mắt, Quảng Ninh cần tập trung xây dựng thương hiệu và sản phẩm du lịch đa dạng; đẩy mạnh quảng bá, liên kết vùng và quốc tế; bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyển đổi số nhằm góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia cho rằng: “Quảng Ninh đã sẵn sàng để làm ra kinh tế trong văn hóa, để làm ra ngành công nghiệp và dịch vụ văn hóa trên mảnh đất này. Quảng Ninh có tài nguyên thiên nhiên, có các di sản di tích, di tích cấp quốc gia đặc biệt; có cách đảo lớn nhỏ thì Quảng Ninh sẵn sàng để làm được dịch vụ văn hóa đó và xây dựng các sản phẩm về công nghiệp văn hóa, ví dụ như phim trường rồi bảo tồn tính đa dạng sinh học; bảo tồn văn hóa các lễ hội. Đây là trách nhiệm của chính quyền kết nối giữa hạ tầng giao thông, kết nối giữa di sản với di sản, giữa di sản với di tích”.