Quảng Ninh: Phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng 'Một tâm, hai tuyến'
Quảng Ninh đang phát triển tư duy mới về mô hình tổ chức không gian phát triển 'Một tâm, hai tuyến, đa chiều' làm nền tảng phát triển bền vững, trong đó lấy 'tâm' là thành phố Hạ Long.
Với ba không gian văn hóa gồm núi đồi, đồng bằng và biển đảo, có thể nói rằng Quảng Ninh hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mang thương hiệu của mình.
Nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh này, thời gian qua, lãnh đạo địa phương đã có nhiều nỗ lực đầu tư cho những giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh, từng bước hình thành nên ngành công nghiệp văn hóa Quảng Ninh.
Chuyển hướng phát triển từ 'nâu' sang 'xanh'
Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long đã nhiều lần xuất hiện đẹp ngỡ ngàng trong các tác phẩm điện ảnh “đình đám” như “Indochine” (Đông Dương), “Pan,” “Kong: Skull Island” (Đảo đầu lâu), “The Creator” (Kẻ kiến tạo)… Thời gian gần đây, ngành du lịch Quảng Ninh còn kết hợp hành trình tham quan Vịnh Hạ Long với trải nghiệm thưởng thức âm nhạc, ngắm pháo hoa trên du thuyền, tạo nên sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách.
Nhìn lại những nỗ lực của địa phương trong phát triển kinh tế gắn với du lịch-văn hóa, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho rằng hơn 10 năm trở lại đây, tỉnh Quảng Ninh kiên trì, nhất quán thực hiện mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh.”
Theo đó, tỉnh phát triển tư duy mới về mô hình tổ chức không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến, đa chiều” làm nền tảng phát triển bền vững, trong đó lấy “tâm” là thành phố Hạ Long.
“Hai tuyến” bao gồm tuyến hành lang phía Tây xuất phát từ Hạ Long đến Đông Triều hướng tới đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội, được định hướng phát triển chuỗi đô thị-công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao và du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; còn hành lang tuyến phía Đông xuất phát từ Hạ Long đến Móng Cái, hướng tới thị trường Đông Bắc Á phát triển chuỗi đô thị sinh thái - dịch vụ, thương mại, du lịch tổng hợp cao cấp, kinh tế biển; lấy phát triển công nghiệp để dẫn dắt nông nghiệp.
Theo bà Hạnh, nhờ nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh nên thời gian qua những giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh đã được chọn lọc, sáng tạo hình thành nên ngành công nghiệp văn hóa tại Quảng Ninh với những kết quả đáng ghi nhận ở các lĩnh vực: Du lịch văn hóa; điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; thủ công mỹ nghệ…
Quảng Ninh sẽ tập trung các nguồn lực, tiếp tục đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn.
Thời gian tới, tỉnh cũng có kế hoạch xây dựng hồ sơ ứng cử thành phố Hạ Long nằm trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO; nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm hình thành và phát triển Khu công nghiệp văn hóa ứng dụng công nghệ cao tại thành phố Hạ Long.
Chia sẻ về tầm nhìn này, ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho hay nhiều chủ trương, chính sách lớn liên quan đến công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường di sản đã được ban hành. Địa phương cũng tích cực phối hợp với các chuyên gia, đối tác trong và ngoài nước làm sáng tỏ các giá trị của vịnh Hạ Long, làm cơ sở để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch gắn với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Theo ông Cường, Vịnh Hạ Long là một “tài sản vô giá” của nhân loại được Mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng. Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã luôn nỗ lực để quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị của khu di sản.
“Trước xu hướng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, với lợi thế về nguồn tài nguyên du lịch phong phú, dồi dào, di sản vịnh Hạ Long đã trở thành một trong những nguồn lực tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch văn hóa, đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch,” ông Cường cho hay.
'Bảo vệ các di sản mong manh'
Tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa đã được tỉnh Quảng Ninh xác định rất rõ ràng và có lộ trình đầu tư bài bản, song cũng như cả nước, các ngành công nghiệp văn hóa tại Quảng Ninh chưa thực sự bứt phá.
Dưới góc độ UNESCO, bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho rằng địa phương cần phải cân đối mục tiêu phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa và bảo vệ di sản, môi trường.
“Có lẽ du lịch di sản là phương diện nổi bật dễ nhận diện nhất của quần thể khu di sản này trong bức tranh chung về phát triển công nghiệp văn hóa của vùng di sản. Tuy nhiên, các lĩnh vực cũng như tiềm năng của các ngành công nghiệp văn hóa còn rất rộng lớn, không chỉ bao gồm lĩnh vực du lịch văn hóa,” bà Hường nhận định.
Theo đó, danh tiếng và các giá trị đặc biệt nổi bật toàn cầu của quần thể di sản này từ các biểu tượng có tính quốc tế về mặt cảnh quan, giá trị của các loài động thực vật đặc hữu và không gian di sản có thể có những tác động to lớn trên các phương diện về điện ảnh, thiết kế sáng tạo, phát triển thương hiệu của sản phẩm và dịch vụ địa phương, cũng như điểm đến cho các sự kiện văn hóa tầm vóc khu vực và thế giới; truyền cảm hứng cho các sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc, văn học nghệ thuật…
“Tôi tin rằng việc tạo điều kiện cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo dựa trên vốn văn hóa và di sản đó sẽ góp phần phát huy hiệu quả, quảng bá các giá trị tự nhiên của di sản, cũng như tôn trọng kiến thức bản địa truyền thống và đóng góp vào phát triển bền vững,” bà Hường khẳng định.
Theo bà Hường, các nhà hoạch định chính sách nên tiếp tục tích hợp văn hóa vào quản trị như xây dựng và thực hiện các chương trình và chính sách phát triển; thúc đẩy mạnh mẽ hơn để các ngành văn hóa và sáng tạo phát triển thành các tiểu ngành kinh tế để tạo ra việc làm đồng thời tính đến việc bảo vệ các tài sản văn hóa và di sản mong manh.
Bà Hường cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường tích hợp nhất quán hơn vào các hoạt động văn hóa và sáng tạo.
"Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cộng đồng địa phương cần giữ vị trí trung tâm trong các ngành văn hóa để xây dựng các mô hình phát triển thông qua đối thoại liên văn hóa và chuyển giao kiến thức nhằm gắn kết và trao quyền cho xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ và các nhóm dễ bị tổn thương," bà Hường chia sẻ.
Chia sẻ quan điểm, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cũng cho rằng Quảng Ninh có tiềm năng, cơ hội và cả những thách thức để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Theo ông Kỷ, Quảng Ninh cũng có thể tổ chức nhiều hơn các liên hoan ca nhạc, gặp gỡ điện ảnh, làm sao tạo ra các sự kiện mang tính quốc gia, thậm chí khu vực và quốc tế sẽ thu hút khách du lịch, thu hút giới tinh hoa trong nước và thế giới về đây và phục vụ cho cả đại chúng, các tầng lớp nhân dân.
“Nếu như có một chiến lược phát triển tốt, có những giải pháp cơ chế chính sách tạo được nguồn nhân lực thì những ngành công nghiệp văn hóa ở Quảng Ninh sẽ có nhiều sự phát triển hứa hẹn và đạt được những thành tựu rực rỡ hơn,” ông Kỷ nêu rõ./.